Cổng Dịch vụ công quốc gia, hằng năm tiết kiệm trên 2.500 tỷ đồng

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 21:16, 19/07/2023

Đến nay đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu và 10/28 DVC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), hằng năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng.
Chuyển đổi số

Cổng Dịch vụ công quốc gia, hằng năm tiết kiệm trên 2.500 tỷ đồng

PV {Ngày xuất bản}

Đến nay đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu và 10/28 DVC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), hằng năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng.

Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

6.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

Gần 69% TTHC đã cung cấp DVCTT

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp (DN). Một số nơi đã có cách làm mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả CCHC trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện ở địa phương, được người dân, DN đồng tình ủng hộ, như Cà Mau, Tây Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã làm được một số việc. Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định, 10/22 bộ đã công bố danh mục TTHC nội bộ, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc trước hạn tăng 10%, địa phương tăng 8% so với năm 2022…

Công tác cải cách tổ chức bộ máy đạt kết quả tích cực. Chính phủ ban hành 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan. 18 bộ, cơ quan đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý…

Cải cách tài chính công, nhất là về thể chế, từng bước hoàn thiện. Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 215.500 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%), số tuyệt đối cao hơn 65.200 tỷ đồng.

Việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được cải thiện với gần 69% TTHC đã cung cấp DVCTT, 21 triệu hồ sơ trực tuyến, hơn 5,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với 6.500 tỷ đồng…

Việc triển khai thực hiện Đề án 06 có kết quả tích cực, đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công trên Cổng DVCQG, hằng năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng; 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC...

Khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử

Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Tăng cường đối thoại, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN.

Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các chỉ đạo về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); triển khai có kết quả Đề án 06.

7.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030…

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nâng cấp, vận hành có hiệu quả Cổng DVCQG, đáp ứng cung cấp DVCTT cho người dân, tổ chức một cách kịp thời, thuận tiện và hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện công cụ để người dân, DN góp ý với các quy định, chính sách; rà soát, đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất xử lý chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định chặt chẽ quy định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC trái thẩm quyền...

Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về tình hình cung cấp DVCTT.

Bộ Công an và các cơ quan triển khai hiệu quả các quy định, chính sách mới về visa; tiếp tục triển khai các ứng dụng trên VneID; phối hợp với các bộ, ngành xác thực, cập nhật, làm sạch dữ liệu và kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tra cứu, giải quyết TTHC, đặc biệt là đối với các địa phương chưa thực hiện kết nối./.

PV