5 không gian tăng trưởng mới Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới

Diễn đàn - Ngày đăng : 19:43, 20/07/2023

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng 5 không gian mới mà Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới, bao gồm: Điện toán đám mây (ĐTĐM); Nền tảng số; Thương mại điện tử (TMĐT); Nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao;  An toàn, an ninh mạng.
Diễn đàn

5 không gian tăng trưởng mới Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới

NK 20/07/2023 19:43

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng 5 không gian mới mà Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới, bao gồm: Điện toán đám mây (ĐTĐM); Nền tảng số; Thương mại điện tử (TMĐT); Nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao;  An toàn, an ninh mạng.

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 19/7.

img_9114.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel.

Gợi mở cho Viettel những nguồn tăng trưởng mới

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết, việc định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh của Tập đoàn tập trung trên 4 lĩnh vực chính, gồm: Viễn thông; Giải pháp CNTT - dịch vụ số; Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao và Chuyển phát, logistics - thương mại. Qua đó, Viettel không chỉ củng cố vững chắc các lĩnh vực truyền thống, mà còn gợi mở, khai phá cho Viettel những nguồn tăng trưởng mới.

Từ đó giúp Viettel phát triển bền vững, giữ vững vị trí là một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước; tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS) và kiến tạo xã hội số.

Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng đã đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho ý kiến định hướng phát triển của Tập đoàn, đồng thời đề xuất thực hiện một số việc cụ thể bao gồm: Bộ TT&TT xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển IoT quốc gia; Xây dựng chiến lược để Việt Nam trở thành Hub của khu vực về lưu trữ, xử lý dữ liệu và kết nối cáp quang biển quốc tế; Đề xuất sáng kiến “Roaming like Home in ASEAN”.

Đại diện của Viettel cũng mong muốn sớm Ban hành các Đề án cấp Chính phủ đối với các lĩnh vực quan trọng của kinh tế số, xã hội số; Xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin; Xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất chíp bán dẫn; Xây dựng chiến lược hạ tầng Logistics quốc gia…

Theo thông tin từ Viettel, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 81,9 nghìn tỷ (tăng 102,4% so với kế hoạch), tăng trưởng 4% so với cùng kỳ 2022 cũng như đẩy mạnh chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G/tổng số thuê bao lên gần 80%.

Bên cạnh đó, các thị trường của Viettel ở nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tốt, 05 thị trường giữ vững vị trí số 1 là Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Burundi.

img_9925.jpg

Ngoài ra, Viettel tích cực xử lý triệt để SIM rác tạo cơ sở dữ liệu “sạch”, đầy đủ, đúng thông tin thuê bao, trùng khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp hạn chế tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.

Viettel có nhiều điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo

Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Bộ TT&TT đã có nhiều ý kiến góp ý giúp Viettel hoàn thành các mục tiêu trụ cột đúng với Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Tập đoàn.

img_9507.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Viettel cần phát triển mảng lớn nữa là Viettel AI vì đang có nhiều cơ hội thuận lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, không gian phát triển mới của Viettel phải gắn với sứ mệnh quốc gia. Bên cạnh 2 mảng lớn hiện có là viễn thông và bưu chính, Viettel cần phát triển mảng lớn nữa là Viettel AI.

Lý giải cho điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Viettel đang có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển mảng AI này. Nếu làm Viettel AI ở góc độ nền tảng để tất cả các DN Việt Nam có thể tiếp cận như 1 loại dịch vụ, người ta sẽ coi đấy là tương lai của nền kinh tế số.

Thứ trưởng đã dẫn chứng việc tất cả các DN viễn thông lớn của Trung Quốc đều có trụ cột AI rất mạnh. Do vậy, Viettel cần chú trọng đến trụ cột này bằng việc đầu tư hệ thống kiến trúc phần cứng đề có đủ sức mạnh tính toán để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ tiếng Việt. Việt Nam rất ít các DN có thể làm được điều này.

Bộ TT&TT sẽ tập hợp dữ liệu, do đó Viettel cần quan tâm đầu tư hạ tầng cũng như có những tính toán phù hợp để chúng ta có thể “training” mô hình này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bày tỏ.

Viettel cần không gian mới để tăng trưởng và phát triển

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng 5 không gian mới mà Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới sẽ có quy mô tương đương lĩnh vực viễn thông vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ vượt xa lĩnh vực viễn thông. Đây cũng chính là các không gian tăng trưởng chính của Viettel trong 10 năm tới.

img_9833.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng 5 không gian mới mà Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới.

Đầu tiên, đó là lĩnh vực điện toán đám mây (ĐTĐM), sẽ là thành phần chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm. Hạ tầng ĐTĐM sẽ quyết định việc dữ liệu Việt Nam sẽ được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam, nhất là với bối cảnh trong số hàng ngàn trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn của thế giới thì Việt Nam chưa có cái nào.

Chưa kể, đầu tư vào ĐTĐM phải tương đương với viễn thông nhưng hiện nay ở Viettel mới bằng 5 - 10%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 này là năm thương mại hoá 5G và ĐTĐM - hai thành tố quan trọng vào loại bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay, để đến 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và điện toán đám mây hiện đại, thuộc nhóm 50 các nước dẫn đầu.

Tiếp theo, Viettel cần chú trọng về các nền tảng số cung cấp các công nghệ số cốt lõi như là dịch vụ, các nền tảng số có tính hạ tầng trên không gian mạng. Đây là một loại hạ tầng mới trên không gian mạng. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá để CĐS Việt Nam. Viettel phải phát triển các nền tảng số quốc gia được sử dụng trên toàn quốc, tất cả các Bộ, ngành và địa phương dùng chung một nền tảng số của Viettel.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số thì người đó nắm dữ liệu. Vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, CĐS Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ CĐS Việt Nam lại không phải Việt Nam. Chính vì vậy, Viettel phải nhận lấy một sứ mệnh mới là làm chủ công nghệ số, làm chủ nền tảng số của quá trình CĐS Việt Nam.

Hướng đi tiếp theo mà Viettel cần chú ý là về TMĐT, trong đó trọng tâm là dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics, mua bán online, khi mà không gian phát triển còn rất lớn. Vì vậy, Viettel cần chú trọng và quan tâm phát triển lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Viettel cần nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao, là Make in Viet Nam, bao gồm: Thiết bị hạ tầng viễn thông: Internet vạn vật (IoT); Thiết bị y tế; Thiết bị năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời); Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

img_9163.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác Bộ TT&TT với các cán bộ Tập đoàn Viettel

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, đó chính là công nghiệp và dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng thì giống như công nghiệp quốc phòng trong thế giới thực. Việt Nam muốn thịnh vượng trên không gian mạng qua Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số thì sự thịnh vượng đó phải được bảo vệ. Do vậy, Việt Nam có thể và cần phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

“Viettel đã là DN an toàn, an ninh mạng hàng đầu Việt Nam thì cần phải tiên phong nhận lấy sứ mệnh này, sứ mệnh về một cường quốc an toàn, an ninh mạng để có thể bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận./.

NK