Yếu tố "trái tim" để phát triển TMĐT bền vững, xanh
Kinh tế số - Ngày đăng : 05:06, 22/07/2023
Yếu tố "trái tim" để phát triển TMĐT bền vững, xanh
Thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn nếu như chúng ta coi trọng việc tái sử dụng vật liệu đóng gói hàng hoá theo hướng thân thiện với môi trường và cần nhiều yếu tố cốt lõi nữa.
Đồng thời, nếu thực hiện sớm, nghiêm túc, điều này sẽ không chỉ dẫn dắt người tiêu dùng tạo ra thói quen tiêu dùng số thông thái và lâu dài chính là góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, bền vững…
Đó là những điểm chung quan điểm của các đại biểu tại chia sẻ Diễn đàn hoàn tất đơn hàng 2023 với chủ đề “Hướng tới TMĐT Xanh” do Cục TMĐT và Kinh tế số (KTS) phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng một số đơn vị phối hợp tổ chức sáng nay 21/7.
Cần xây dựng, ban hành thể chế và có các giải pháp kỹ thuật cụ thể để áp dụng
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hưng, VECOM cho rằng hiện nay lĩnh vực TMĐT đã phát triển như là một xu thế số, dần thay thế các phương thức mua, bán truyền thống. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế bởi sự phát triển còn chênh lệch, không đồng đều giữa các địa phương, tỉnh, thành phố.
Để đẩy mạnh sự phát triển cho ngành, lĩnh vực này luôn cần chú trọng, thực hiện tốt nhiều yếu tố về các vấn đề như: Người tiêu dùng; doanh nghiệp (DN) TMĐT, logistics; các tổ chức xã hội nghề nghiệp; truyền thông; các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, kinh tế số (KTS); các đơn vị đào tạo, nghiên cứu.
“Đặc biệt, trong số những yếu tố nêu trên, yếu tố “trái tim” quyết định để hướng đến TMĐT xanh, vấn đề trọng tâm cần thực hiện tốt chính là chúng ta cần phải thay đổi hành vi người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh.
Ở quan điểm khác, là đại diện cơ quan nhà nước với chức năng tham mưu cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bưu chính, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho rằng, chúng ta cần hướng đến việc phát triển TMĐT theo hướng xanh, điều quan trọng chúng ta cần tập trung thực hiện tốt việc xây dựng, ban hành thể chế và có các giải pháp kỹ thuật cụ thể để áp dụng.
Cụ thể cho quan điểm về sự cần thiết phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế, Vụ trưởng Vụ Bưu chính nhấn mạnh, chúng ta cần phải: Bổ sung các nội dung về bưu chính xanh, bưu chính bền vững trong các chính sách, khung pháp lý về bưu chính; xây dựng các tiêu chí và hệ thống đo lường để đánh giá mức độ xanh; thu thập dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, khí thải carbon, xử lý chất thải; áp dụng tiêu chuẩn và chứng nhận: ISO 14001 và ISO 50001; tăng cường hợp tác để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung để đảm bảo tuân thủ và thúc đẩy phát triển bưu chính bền vững; đào tạo và nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, và quy trình xanh.
Đối với giải pháp kỹ thuật cần: Phát triển hạ tầng theo hướng số và xanh, kết nối và xử lý dữ liệu, giám sát và tối ưu về năng lượng, giảm thiểu phát thải, tích hợp từ khâu thiết kế, xây dựng; có hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) kết hợp chuyển đổi xanh, hệ thống mã địa chỉ số bưu chính, bản đồ số tích hợp địa chỉ bưu chính số; có sự điều phối, liên kết giữa các Bộ, Ban, Ngành, giữa hội, hiệp hội vận tải, logistics, bưu chính để nâng cao hiệu quả CĐS và xanh của các DN bưu chính; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh hoá để giúp tối ưu hoá quản trị, vận hành, đào tạo về dịch vụ logistics xanh; khuyến khích không gian thử nghiệm (sandbox) xanh.
Cũng theo Vụ trưởng Lã Hoàng Trung, TMĐT xanh đối với lĩnh vực bưu chính chính là cần đẩy mạnh các giải pháp điểm phát hàng, kho hàng, phương tiện, tuyến đường, giao hàng chặng cuối hướng tới phát triển bền vững.
Đặc biệt, đối với các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ muốn thúc đẩy phát triển theo hướng, xu thế TMĐT xanh thì nhất thiết phải có: Tư duy lãnh đạo (nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo về chuyển đổi xanh; thuê chuyên gia tư vấn; chấp nhận đầu tư chuyển đổi; xây dựng bộ phận chuyên trách; kinh doanh, vận tải (tối ưu hoá vận hành, quy trình; lộ trình CĐS xanh; phát triển nhân lực và trải nghiệm phát triển bền vững); công nghệ, văn hoá (Lựa chọn công nghệ phù hợp, kiến trúc nền tảng dữ liệu; tập trung ứng dụng, dữ liệu lên 1 nền tảng (cloud); tự động hoá giao dịch, vận chuyển, phân phối; tự động hoá các khâu từ thương hiệu đến marketing, bán hàng và dịch vụ khách hàng; truyền thông, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyển đổi xanh.
Cần phải tuần hoàn 03 yếu tố môi trường - xã hội - kinh tế
Là đơn vị DN đi đầu, tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững ngành logistics và TMĐT, đại diện công ty Lazada Logistics Việt Nam, ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy phát triển, đạt hiệu quả cho lĩnh vực, ngành TMĐT hiện nay theo hướng xanh luôn cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố xây dựng, hình thành hệ sinh thái logistics bền vững cho TMĐT bao gồm việc: Tối ưu hoá vận hành (kinh tế); Phát triển nguồn nhân lực (xã hội); phát triển logistics xanh, bền vững (môi trường).
Vì điều này, Lazada Logistics Việt Nam thời gian qua đã tạo hệ sinh thái thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong khâu tối ưu hoá vận hành bao gồm: Ứng dụng khoa học công nghệ (trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), định vị vị trí (Geolocation)...) vào vận hành để tối đa hóa hiệu suất và tính chính xác; Đa dạng hoá giải pháp giao và nhận hàng hoá; đầu tư mạng lưới kho bãi và vận tải giúp đáp ứng nhu cầu thị trường; hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải.
Đặc biệt, trong xu thế số hoá phát triển mạnh mẽ như hiện nay, muốn phát triển lĩnh vực TMĐT theo hướng xanh, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện thủ tục hành chính, nhất là giảm thiểu những yêu cầu về chứng từ giấy đối với hàng hoá đi đường.
“Hơn nữa, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích các DN sử dụng mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ, nền tảng số trong hoạt động logistics, đồng thời thường xuyên nâng cao nhận thức, thúc đẩy áp dụng các thông lệ, quy định trong việc bảo vệ môi trường bền vững”, ông Vũ Đức Thịnh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của ông ông Vũ Đức Thịnh, ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Chiến lược và Thương hiệu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) nhấn mạnh thêm, hiện tại và trong tương lai, chúng ta muốn đảm bảo phát triển TMĐT theo hướng xanh, thận thiện, bảo vệ môi trường bền vững cần tạo hệ sinh thái cân bằng tuần hoàn giữa 03 yếu tố: Môi trường; xã hội; kinh tế.
BĐVN cũng luôn xác định khi triển khai các hoạch động kinh doanh doanh đảm bảo theo hướng, khẩu hiệu hành động “Bưu chính vì trái đất”, tức là: Xanh hoá hoạt động quản trị; xanh hóa hoạt động đóng gói; xanh hóa hệ thống thông tin; xanh hóa hoạt động vận tải; xanh hóa hoạt động kho bãi; phát triển logistics ngược.
Như vậy có thể nói, với những quan điểm, chia sẻ từ các chuyên gia, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, bức tranh chung trong lĩnh vực, ngành TMĐT vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần xây dựng, hoàn thiện, bổ sung để phát triển.
Tuy nhiên, ở góc độ muốn phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện, bảo vệ môi trường, điều cần không chỉ là sự quan tâm, trách nhiệm hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực, tích cực từ các DN mà trong hành trình thực hiện nhiệm vụ này cần nhiều hơn các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng thay đổi hành vi theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường một cách bền vững./.