Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí bền vững ở khu vực biển Đông
Truyền thông - Ngày đăng : 08:02, 22/07/2023
Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí bền vững ở khu vực biển Đông
Biển Đông được đánh giá là vùng giàu tiềm năng về dầu khí, giá trị khai thác có thể lên đến hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Để quá trình khai thác hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang tích cực cùng với các nước trong khu vực hợp tác khai thác nguồn tài nguyên quý giá này một cách biền vững.
Việt Nam có tiềm năng lớn về khai thác dầu khí trên biển Đông
Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, là một trong những biển lớn nhất trên thế giới, trải dài từ bờ biển Việt Nam ở phía Tây đến các đảo Luzon, Palauwan và Borneo ở phía Đông và từ Trung Quốc ở phía Bắc đến Indonesia ở phía Nam. Khu vực biển Đông có hàng trăm đảo nhỏ, bãi đá, bãi cát ngầm là nơi chứa các trữ lượng khổng lồ về các tài nguyên hydrocarbon, đặc biệt là khí tự nhiên.
Biển Đông cũng được đánh giá là 1 trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính ở biển Đông có 900.000 tỷ feet khối trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, tương đương 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tại đây có thể vượt cả trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Trung Đông
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính biển Đông có các trữ lượng dầu và khí tự nhiên chưa khai thác vào khoảng 5-22 tỷ thùng dầu và 2.000-8.200 tỷ m3 khí tự nhiên.
Hiện nay, hầu hết quốc gia trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, trong đó, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, và Indonesia là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (viết tắt của Organization of Petroleum Exporting Countries - OPEC). Bản đồ của Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) cho thấy Malaysia là nước có số lượng lô dầu khí thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu trong số các quốc gia quanh Biển Đông, cùng Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia hiện cũng có trên dưới 40 giàn khoan hoạt động, chủ yếu ở vùng Biển Đông.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, vùng biển rộng hơn l triệu km2 có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trong đó, các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi.
Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông; cho phép khai thác từ 30-40.000 thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít), khoảng 20 triệu tấn/năm. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.
Đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí
Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%, 10-13% GDP cả nước). Những số liệu đó đã cho thấy, vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế nước ta. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.
Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu... Để đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới, hiện nay, Tập đoàn PVN đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo hoạt động khai thác dầu khí hiệu quả, trong đó, nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác quốc tế. PVN cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) là Thái Lan, Brunei và Campuchia thương thảo để xác định vùng khai thác dầu khí chung trên biển.
Cụ thể, vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đã được thỏa thuận xác định thành vùng khai thác chung giữa PVN với Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) và có sản phẩm dầu khí từ năm 1997, đây là dự án hợp tác thành công bước đầu khi PVN tham gia vào Tiểu ban Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE).
Việt Nam cũng sẽ hợp tác với các Tập đoàn dầu khí khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và triển khai các hoạt động trong 7 lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí gồm thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; đường ống dẫn khí giữa các nước ASEAN; thương mại và thị trường sản phẩm dầu khí; công nghệ và dịch vụ dầu khí; hội đồng tư vấn; an toàn và môi trường dầu khí.
Thời gian tới, các dự án đường ống dẫn khí giữa các nước Đông Nam Á đang được các nước khu vực xúc tiến là tuyến đường ống nối tiếp giữa các nước trong khu vực như giữa Việt Nam - Malaysia qua đường ống PM3, các đường ống dẫn khí giữa Thái Lan - Myanmar, Singapore - Indonesia, Singapore - Malaysia… dự kiến sẽ được triển khai. Điều này do hệ thống đường ống dẫn khí giữa các nước Đông Nam Á này hiện nay mới chỉ mang tính "song phương" và sẽ tính đến việc mở rộng kết nối trong tương lai.
Đặc biệt, bản ghi nhớ về dự án đường ống dẫn khí xuyên Đông Nam Á (The Asean Memorandum of Understanding on the Trans – Asean Gas Pipelines) có hiệu lực từ ngày 21/5/2004 đến ngày 21/5/2014. Mới đây các nước thành viên đã ký thỏa thuận ghi nhớ (MOU) gia hạn thời gian hợp tác dự án thêm 10 năm nữa đến năm 2024.
Cùng với đó, vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật dầu khí (sửa đổi), gồm 11 chương 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Luật Dầu khí 2022 có 10 điểm đã thay đổi bao gồm cả sửa đổi và bổ sung. Liên quan đến các chính sách ưu đãi, Luật đã bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khi thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút, hợp tác quốc tế đầu tư vào hoạt động dầu khí (các Điều 53 và 54, Chương VI); bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước vào thời gian tới (Điều 41, Chương IV và Điều 55, Chương VI).
Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt thuận lợi, tương thích với luật quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai.