Hà Nội đi đầu trong việc phân cấp, uỷ quyền để tăng cường sự phát triển đô thị

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:15, 26/07/2023

Theo lãnh đạo Hà Nội, công tác phân cấp, uỷ quyền là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo ra hành lang thông thoáng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính chính (TTHC), từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư, phát triển đô thị.
Chuyển đổi số

Hà Nội đi đầu trong việc phân cấp, uỷ quyền để tăng cường sự phát triển đô thị

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Theo lãnh đạo Hà Nội, công tác phân cấp, uỷ quyền là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo ra hành lang thông thoáng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính chính (TTHC), từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư, phát triển đô thị.

Nhiệm vụ trọng tâm

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng: "Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC" nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho thành phố.

Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện phân cấp, uỷ quyền ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Theo ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND Hà Nội, thành phố liên tục chỉ đạo rà soát, nắm tình hình về việc thực hiện phân cấp, ủy quyền ở các quận, huyện, thị xã để có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Đến nay, Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước 16 lĩnh vực tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội về việc Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện đã có 617 phương án ủy quyền giải quyết TTHC trong tổng số 1.910 TTHC toàn thành phố, đạt 37%.

Đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục TTHC ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, theo thống kê mới nhất, đã thông qua 531/617 thủ tục. Như vậy, toàn bộ TTHC được phê duyệt danh mục đều đã có quy trình nội bộ.

Trong đó, phân cấp, ủy quyền từ Chủ tịch UBND thành phố về Chủ tịch UBND huyện là 19 TTHC, từ sở về UBND cấp huyện là 129 TTHC, từ sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 1 TTHC và từ phòng thuộc sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 30 TTHC...

Đối với số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay có liên quan đến 6 sở, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở. Dự kiến trong tháng 7/2023 sẽ có 27 TTHC được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền TTHC lên 95%.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể, giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác, rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) các cấp với người dân, doanh nghiệp (DN).

anh-30.1.jpg
Đề án phân cấp, uỷ quyền được đẩy mạnh ở Hà Nội giúp người dân, DN thuận lợi trong quá trình giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, phân cấp, uỷ quyền góp phần đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN khi thực hiện TTHC, cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN của thành phố.

Có thể nói, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Hà Nội được nhân dân, DN đón nhận một cách phấn khởi. Dù chỉ là bước đầu nhưng sự kỳ vọng vào Đề án là rất khả quan, đặc biệt với các DN, bởi việc phân cấp giúp tạo chủ động, hỗ trợ giải quyết các TTHC và giảm thời gian phải trình các cấp.

Tạo hành lang thông thoáng, thu hút đầu tư

Hà Nội đang chuẩn bị cho việc đánh giá 1 năm thực hiện Đề án phân cấp, uỷ quyền.

anh-30.2.jpg
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, phân cấp, uỷ quyền là nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm thu hút đầu tư, tăng cường phát triển đô thị.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong 1 năm qua và đề xuất của các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố sẽ xem xét, báo cáo HĐND thành phố về việc có bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp.

Một trong những điểm nổi bật của Đề án phân cấp, ủy quyền của TP Hà Nội là tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau khi được phân cấp, ủy quyền, các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt theo thẩm quyền rất nhiều dự án ước tính tổng giá trị đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Việc phân cấp, ủy quyền đã lập tức mang lại hiệu quả và chủ trương này là đúng.

"Khi phân cấp, ủy quyền không phải bắt tất cả quận, huyện, thị xã "mặc áo" giống nhau mà còn căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp ủy quyền đồng bộ hơn. Sau 1 năm áp dụng, sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Khâu nào làm tốt thì tiếp tục làm tốt hơn, chỗ nào cần mở rộng thì mở rộng hơn, cái nào cần thu về thì thu về", ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của thành phố nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị phát triển bền vững. Kinh nghiệm của Hà Nội là phải ngay từ đầu thành lập Ban Chỉ đạo, sau khi trao đổi thống nhất thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan. Đặc biệt là phải giao khoán chỉ tiêu. Khi đã phân công nhiệm vụ cụ thể rồi thì thành phố phải hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra, đánh giá...

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để tạo điều kiện tốt nhất phát huy các nguồn lực phát triển và cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN đối với các TTHC”, ông Dũng nhấn mạnh./.

Đỗ Thêu