Đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 22:43, 27/07/2023

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Truyền thông

Đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

ĐBSH, một trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố trực, chiếm 6,42% diện tích (21.278 km2). Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ. Giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm, năm 2020, chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; là vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển.

Thủ đô Hà Nội, hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ; có bề dày phát triển hàng nghìn năm gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hệ sinh thái giao thông cơ bản đầy đủ, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 4 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế; là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc.

Vùng biển có diện tích lớn, có tiềm năng phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.

Đây cũng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nền văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước; có 3 Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 Di tích quốc gia đặc biệt...

Vùng có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần "xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng" nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng ĐBSH diễn ra ngày 20/7, cho biết, mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng phát triển vùng ĐBSH đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, phát triển vùng ĐBSH với 3 nhóm định hướng lớn về tổ chức không gian phát triển vùng, phát triển 8 ngành, lĩnh vực và phát triển kết cấu hạ tầng vùng là rất quan trọng.

Quyết định 826 về thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSH đã đề ra 12 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Quyết định 45 về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đã quy định 7 phương thức điều phối về: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Vùng ĐBSH được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Trong đó, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Bộ KH&ĐT dự kiến phát triển vùng ĐBSH với 3 nhóm định hướng lớn. Thứ nhất, tổ chức không gian phát triển vùng gắn với 4 hành lang kinh tế, 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, 2 tiểu vùng kinh tế; Thứ hai, phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của vùng; các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thứ ba là phát triển kết cấu hạ tầng vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…

khu-do-thi-the-manos_-tu-liem_3808.jpg
ĐBSH là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...

Trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSH, Bộ Khoa hoạc và Công nghệ (KH&CN) đã đề xuất một số giải pháp phát triển vùng ĐBSH trở thành trung tâm KHCN, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.

Theo Bộ KH&CN, vùng ĐBSH có tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước. Số tổ chức nghiên cứu và phát triển của vùng chiếm trên 50% của quốc gia; có trên 150 cơ sở giáo dục trình độ đại học trở lên; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hơn 500 tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập, sàn giao dịch công nghệ thiết bị. Đầu tư ngân sách cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 chiếm gần 30% toàn quốc. Đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế lớn với các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Hiện nay, đã có 5 tỉnh trong vùng ĐBSH có sàn giao dịch thiết bị và công nghệ, đó là Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh. 5 sàn này đã kết nối với nhau vào tháng 6/2019. Ngoài ra, Hà Nội sẽ khai trương sàn giao dịch thiết bị và công nghệ vào Quý III/2023. Và có một sàn giao dịch thiết bị và công nghệ quốc gia do Bộ KH&CN (Cục Thông tin KH&CN quốc gia) vận hành ở Hà Nội.

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo đã có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng. Các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực KHCN ngày càng được củng cố, tăng cường, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Để vùng ĐBSH có thể trở thành trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Bộ KH&CN đề xuất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch về cơ sở nghiên cứu khoa học trong vùng được coi giải pháp có tính căn cơ, dài hạn.

Thời gian tới, cần xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…, trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KHCN về biển…

Bên cạnh đó, cần hình thành các khu nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tại các tỉnh, thành phố trong vùng, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,...

Một giải pháp quan trọng nữa cần được lưu tâm là cần huy động được nguồn lực xã hội hóa cho việc đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn....

Trường Thanh