Ưu tiên đẩy mạnh chế biến nông sản Việt chất lượng, tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Truyền thông - Ngày đăng : 22:44, 27/07/2023
Ưu tiên đẩy mạnh chế biến nông sản Việt chất lượng, tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Hiện nay tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30% (tùy từng ngành hàng). Điều này không những khiến giá trị nông sản không được gia tăng mà còn làm thiệt hại lớn về kinh tế vì hư hại lớn sau thu hoạch, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Nông sản chế biến sâu… “bài toán” còn bỏ ngỏ
Hiện nay, cả nước mới có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu 1 năm, mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Còn lại hơn 7.500 cơ sở chế biến nhỏ lẻ của hộ gia đình, hoặc các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ làm công tác sơ chế, bảo quản sau quy hoạch. Do đó lượng rau củ quả bị hao hụt sau thu hoạch chiếm từ 30 - 40%. Trong nhiều mặt hàng nông sản, tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế, như cà phê chỉ chiếm khoảng 15%, rau quả 10% (còn lại tiêu thụ tươi), điều và tiêu 10-15%. ..
Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dù số lượng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta hiện nay khá lớn, song trình độ chế biến chỉ mới ở mức trung bình và nhỏ. Hơn nữa, việc chế biến còn phụ thuộc vào mùa vụ nên phần lớn các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, có thời điểm chưa tiêu thụ hết sản phẩm khi vào mùa vụ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Theo các chuyên gia, công nghệ chế biến chuyên sâu còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, nên dù có những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu cao nhưng lại thua thiệt so các nước trên thế giới.
"Ví dụ xuất khẩu gạo chúng ta đứng thứ nhất, thứ nhì, thứ ba trên thế giới, như những năm gần đây xuất gạo 6 - 7 triệu tấn nhưng so với giá trị thu nhập vẫn thấp hơn các nước", TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết.
Hiện nay, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới của các nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao với các sản phẩm chế biến đa dạng, ngon, mẫu mã bắt mắt, tiện lợi. Trong khi đó, cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến của nước ta đạt mức trung bình của thế giới.
Mặt khác, diện tích trồng rau quả của nước ta nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ít có các nông trại lớn nên rất khó khăn trong khâu cơ giới hóa trồng trọt, thu hái, nhiều công đoạn còn làm thủ công, khó kiểm soát thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chính vì vậy, công suất chế biến quy mô công nghiệp của toàn ngành hiện khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt 56,2% do thiếu vùng nguyên liệu tập trung đạt yêu cầu nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch là chìa khóa để giảm thiểu chi phí, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm. Ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch CTCP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết, nếu thanh long tươi có giá 7.000-10.000 đồng/kg, thì sấy khô thành phẩm đang có giá 15 USD/kg, tương đương 300.000 đồng. Khoảng 11 kg thanh long tươi ( giá trị từ 77.000 - 110.000 đồng) sẽ cho 1 kg sản phẩm sấy khô (giá trị 300.000 đồng), bảo quản được lâu và dễ vận chuyển hơn.
Vì thế, nhằm thúc đẩy chế biến gắn với phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra định hướng trong giai đoạn 2023-2025, sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động giao thương, quảng bá, kết nối xuất khẩu tại các khu vực thị trường đang duy trì tốt đà tăng trưởng như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN; tham dự các sự kiện quốc tế lớn tại các thị trường tiềm năng là Italia, Anh, Trung Đông…
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển ngành chế biến hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được các nhu cầu và quy định của các thị trường tiêu thụ để trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng top 10 các nước hàng đầu của thế giới.
Điều này đặt ra yêu cầu cần phải sớm tổ chức sản xuất bằng việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Bởi thực tế muốn đẩy mạnh chế biến phải có những doanh nghiệp nông nghiệp lớn làm "đầu tàu" dẫn dắt, liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn đã được đầu tư, lắp đặt dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại. Riêng giai đoạn 2017-2022, có 76 dự án lớn về chế biến nông sản với số vốn đầu tư trên 73.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng, nhiều cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm đầu tư và xu hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng vùng nông sản đảm bảo về sản lượng, chất lượng và chủng loại để đáp ứng nhu cầu chế biến sâu. Vùng trồng phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản sạch, nuôi dưỡng niềm tin của người tiêu dùng.
Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp triển khai chương trình đầu tư phát triển công nghệ hiện đại, tích hợp đa giá trị, phát huy tính đổi mới sáng tạo, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, tạo ra sản phẩm mới từ chế biến sâu. Để tránh dàn trải, cần tập trung cho các nông sản chủ lực như thủy sản, trái cây, lúa gạo. Ngoài ra, xây dựng và phát triển các kênh tiêu thụ nông sản chế biến sâu gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản quốc gia, vùng miền và địa phương.