Thực hiện mục tiêu “Điểm đến cho mọi giấc mơ” của ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 22:47, 27/07/2023
Thực hiện mục tiêu “Điểm đến cho mọi giấc mơ” của ASEAN
Trong Kế hoạch chiến lược du lịch, ASEAN xác định đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao. ASEAN cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.
Du lịch ASEAN từng bước phục hồi sau đại dịch COVID – 19
Đông Nam Á là khu vực cực kỳ quan trọng và gần như không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào khi đến châu Á. Đây là khu vực được thiên nhiên ban tặng cho nhiều bãi biển tự nhiên tuyệt đẹp, cảnh quan hùng vĩ kết hợp giữa biển và rừng núi cùng với nền văn hóa phong phú đa dạng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xảy ra đã khiến ngành du lịch Đông Nam Á bị tổn thất nặng nề.
Đầu năm 2022, khi các quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn trở lại, làn sóng du lịch bắt đầu khởi sắc và có sự phục hồi tích cực. Nhiều nước hoàn thành và vượt mục tiêu về đón lượng khách quốc tế.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), báo cáo của ASEAN cho thấy, số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28% kể từ đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%. Niềm tin du lịch nhìn chung trên toàn khu vực tăng khoảng 40% tính từ đầu năm tới nay. Báo cáo nhấn mạnh, ASEAN là một điểm đến du lịch lý tưởng bởi đây là khu vực đoàn kết, với các quốc gia gần gũi về địa hình, phong phú về văn hóa, đa dạng về ẩm thực, địa danh lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên, du lịch sinh thái và cả các đô thị hiện đại cũng như những hoạt động trải nghiệm mạo hiểm.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), tổng lượng khách nước ngoài đến Thái Lan ước đạt 11,5 triệu lượt năm 2022, vượt mục tiêu 10 triệu lượt đề ra trước đó. Thái Lan đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2023, tạo ra doanh thu 2.380 tỷ baht.
Các nước cũng đã có nhiều động thái để vực dậy ngành công nghiệp không khói. Trong đó, Chính phủ Indonesia sẽ giải ngân khoản ngân sách bổ sung trị giá 15.000 tỷ rupiah (963 triệu USD) để phát triển 5 điểm đến du lịch ưu tiên trong 2 năm tới. Indonesia đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là thu hút tới 7,4 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2023.
Xây dựng chiến lược có trọng điểm
Sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, ASEAN nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững và khả năng chống chọi trước các cuộc khủng hoảng của ngành du lịch. Do vậy, tầm nhìn trong Kế hoạch chiến lược du lịch đã xác định đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao. ASEAN cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.
Các định hướng chiến lược và các chương trình hành động được đề xuất giải quyết các thách thức cốt lõi đang đối mặt về phát triển bền vững du lịch chất lượng và hội nhập trong Hiệp định ASEAN (AMS): tạo ra sự cân bằng tốt hơn trong phân phối lợi ích của du lịch giữa AMS, giảm các mối quan tâm về an toàn và an ninh, làm cho các hình thức qua biên giới phù hợp hơn và tiết kiệm hơn, giảm tắc nghẽn về giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng nơi đến.
Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt giúp các điểm đến duy trì xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác. Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho rằng, các nước ASEAN có thể hợp tác cùng nhau để tăng cường tiếp thị và quảng bá các dịch vụ du lịch của khu vực, điều này phù hợp với khẩu hiệu mới của du lịch ASEAN là “Điểm đến cho mọi giấc mơ”.
Theo Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, tầm nhìn của Đông Nam Á là trở thành "điểm đến du lịch chất lượng", mang đến trải nghiệm độc đáo và đa dạng trong sự phát triển du lịch bền vững.
Các định hướng chiến lược và các chương trình hành động được đề xuất giải quyết các thách thức cốt lõi đang đối mặt về phát triển bền vững du lịch chất lượng và hội nhập trong Hiệp định ASEAN (AMS): tạo ra sự cân bằng tốt hơn trong phân phối lợi ích của du lịch giữa AMS, giảm các mối quan tâm về an toàn và an ninh, làm cho các hình thức qua biên giới phù hợp hơn và tiết kiệm hơn, giảm tắc nghẽn về giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng nơi đến.
Hiện nay, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN được nêu là yếu tố then chốt nhằm thu hút khách du lịch bao gồm các yếu tố: marketing, phát triển sản phẩm, đầu tư, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực, kết nối và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại. Đây có thể coi là điểm đột phá, khác biệt so với giai đoạn trước năm 2022 vì khi các lĩnh vực nêu trên chưa có sự kết nối thực sự chặt chẽ.
Yêu cầu phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện và cân bằng đang được nhấn mạnh. Khái niệm “toàn diện” được hiểu là sự tham gia của các đối tượng liên quan đến đến phát triển du lịch, đặc biệt là các cộng đồng dân cư địa phương và khu vực tư nhân. Đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch ASEAN.
Các mục tiêu đề ra được định lượng cụ thể, đặc biệt là các chỉ tiêu về đóng góp kinh tế và việc làm là cơ sở đánh giá kết quả các hoạt động và đóng góp của ngành, từ đó nâng cao vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN nói chung và đối với từng nước nói riêng. Đây là bước tiến về chiến lược, tầm nhìn và cả bước đi cụ thể đối với cơ chế hợp tác du lịch ASEAN, hướng tới sự phát triển bền vững và cạnh tranh.
Trong nỗ lực tập thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, các Bộ trưởng Du lịch ASEAN đã thông qua Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn hậu COVID-19 với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Văn kiện trên xác định các lĩnh vực trọng tâm và tìm cách tận dụng các công việc đang được ngành du lịch và các ngành liên quan khác của Cộng đồng ASEAN triển khai, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước và sau năm 2025.
Đối với Việt Nam, về cơ bản, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thể hiện các nội dung hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến lý tưởng tại khu vực ASEAN.