Làm thế nào để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng?

Truyền thông - Ngày đăng : 05:00, 29/07/2023

Vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang ngày càng phổ biến với nhiều hình thức, gây ra nhiều hệ lụy khác nhau.
Truyền thông

Làm thế nào để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng?

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang ngày càng phổ biến với nhiều hình thức, gây ra nhiều hệ lụy khác nhau.

Để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung gian, các nền tảng xuyên biên giới và chính các chủ thể sở hữu nội dung.

Thực trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng

Trên Internet có hàng ngàn trang thông tin điện tử (TTĐT) và mạng xã hội (MXH) đang hoạt động, trong đó có các MXH xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Twitter… hằng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip... khổng lồ tới hàng triệu người dùng.

Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng số 1, với khoảng 15,5 triệu người, xem bất hợp pháp. Vi phạm bản quyền diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, trên mọi nội dung như: tải nhạc bất hợp pháp, xem phim trên web phim lậu, sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý.

Khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung trực tuyến (online), MXH hay tin nhắn trực tuyến. Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng MXH, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.

Theo Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT, hiện nay, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng. Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18 - 24 với tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các trang web lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng.

Vi phạm bản quyền số gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: gây thất thu thuế cho nhà nước, làm giảm uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng mảng nội dung video, theo báo cáo của Media Partners Asia, năm 2022, ước tính có 15,5 triệu người vi phạm, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu toàn ngành video hợp pháp. Nếu không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, ước tính con số này sẽ tăng lên 19,5 triệu người vào năm 2027 và gây thất thoát khoảng 456 triệu USD.

Cũng theo Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, Trung tâm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 trang web vi phạm bản quyền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) mới đây cũng cho biết, trong 10 năm qua, thanh tra của Bộ đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan số tiền gần 13 tỷ đồng, trong đó có 99,5% xử phạt vi phạm sao chép phần mềm máy tính. Tất cả các vi phạm còn lại chỉ chiếm 0,5%, gồm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn.

Tại các địa phương, ngoài TP. Hồ Chí Minh xử phạt hơn 8 tỷ đồng trong 10 năm, hầu hết các tỉnh thành chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng. Theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan ban hành ngày 16/10/2013 , mức vi phạm hầu hết chỉ bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng được cho là thấp và không đủ sức răn đe.

t(2).jpg

Giải pháp để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng

Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng gian lận nói trên. Các giải pháp bao gồm việc sử dụng công nghệ như phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác để tạo ra "chiếc khóa", giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm.

Các giải pháp công nghệ khác hướng đến việc kiểm soát hiệu quả quyền sử dụng, bằng cách cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng Internet ngay cả khi họ đã truy cập vào tác phẩm. Như chặn tải xuống, chặn sao chép hoặc tác phẩm chỉ đọc... từ đó hạn chế hành vi "trộm cắp" tác phẩm, giúp phát hiện và thực hiện các biện pháp để xóa bỏ video, bản ghi âm thanh vi phạm quyền tác giả, xác định và báo cáo cho cơ quan chức năng các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, bởi hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng những giải pháp này. Mặt khác, trở ngại về mặt pháp lý đang khiến nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, DN lúng túng, chưa thật sự quan tâm tới các giải pháp công nghệ.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần có giải pháp cụ thể để ngăn chặn vi phạm bản quyền như: hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain...

Cùng với đó, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn, nhất là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số và bảo vệ bản quyền bằng giải pháp công nghệ.

Tại tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho DN Việt trên môi trường số" diễn ra hồi tháng 9/2022, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media (Tập đoàn Viettel) cho biết, vi phạm bản quyền tại Việt Nam là một bài toán nhức nhối.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, với sự tham gia quyết liệt của Bộ TT&TT và các bộ ngành, vấn đề vi phạm bản quyền đã được cải thiện. Vai trò của nhà nước và cơ quan quản lý đứng ra thúc đẩy quá trình này và trực tiếp đàm phán với các DN, nền tảng quốc tế rất rõ nét. Điều đó tạo nền tảng cho bước tiến tiếp theo là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho DN trong nước.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý các vi phạm bản quyền nội dung, phần lớn là các nội dung về giải trí như: ca nhạc, game show...

Các nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng như: các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các MXH phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch...

Hành vi vi phạm bản quyền số có các hình thức phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các MXH, trang web, sao chép nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa video, sau đó đăng tải trái phép lên các nền tảng Internet... Điều đáng lo ngại là các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền rất tinh vi và biến đổi liên tục trên các nền tảng OTT nên rất khó phát hiện và xử lý.

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, để xử lý được tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng phải mất nhiều công sức, thời gian vì các trang vi phạm bản quyền nội dung số có nhiều biện pháp lách luật, thậm chí qua mặt cả AI, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện và xử lý.

Nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số, Điều 198b, Luật SHTT 2022 quy định rõ: DN cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Đây được xem là bước tiến rất quan trọng, bởi các web lậu dù sử dụng bất cứ tên miền quốc tế nào, đặt máy chủ ở đâu, ẩn giấu thông tin ra sao thì vẫn phải sử dụng dịch vụ của các DN trung gian tại Việt nam, cụ thể là các nhà mạng.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền số vẫn không dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, DN cung cấp dịch vụ trung gian, các nền tảng xuyên biên giới và chính các chủ thể sở hữu nội dung.

Bên cạnh đó, cần mạnh tay xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật như: ngăn cấm thực hiện hành vi trên không gian mạng, thậm chí từ chối cung cấp dịch vụ Internet cho bên vi phạm... Mặt khác, các DN cũng phải thật sự chủ động, nâng cao trình độ, hiểu biết về mặt pháp lý cũng như có ý thức khai thác các sản phẩm của mình trên môi trường số một cách an toàn.

untitled-1-01.png
Cách tự bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. (Nguồn: vov2.vov.vn)

Một số giải pháp công nghệ cụ thể

Các chuyên gia cho rằng, để tăng giá trị cho nền công nghiệp sáng tạo nội dung số, đồng thời góp phần làm sạch môi trường mạng, cần nỗ lực ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền số.

Mới đây, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã xây dựng và đưa vào vận hành Trục bản quyền số. Đây là nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số.

Trục bản quyền số được xây dựng và phát triển thành một hệ sinh thái bản quyền số với 8 nhóm giải pháp dịch vụ hỗ trợ, gồm các dịch vụ hỗ trợ miễn phí dành cho thành viên của Trục và các dịch vụ nâng cao dành cho các nhu cầu công nghệ chuyên sâu. Các nhóm dịch vụ, giải pháp hỗ trợ của Trục bản quyền số gồm có đăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, phân phối nội dung tự động, truyền thông nội dung số, công nghệ bản quyền, lưu.

Khi trở thành thành viên của Trục bản quyền số, chủ sở hữu nội dung sẽ được tiếp cận các công nghệ hiện đại nhất về bản quyền bảo vệ nội dung số trước và sau khi đăng ký bản quyền. Gia tăng khả năng truyền thông và phân phối kinh doanh đa nền tảng nội dung số qua các kênh MXH, báo chí, truyền hình, đồng thời được tư vấn từ đội ngũ chuyên gia về bản quyền nhằm nâng cao kiến thức, ý thức và các phương pháp tự bảo vệ bản quyền nội dung số”, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho hay.

Liên quan đến bảo vệ bản quyền báo chí, vừa qua, ThS. Hoàng Thị Bích Hạnh và nhóm nghiên cứu của Cục Báo chí đề xuất giải pháp về bảo vệ bản quyền báo chí ở Việt Nam trong thời đại số. Nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất ứng dụng công nghệ AI/Bigdata hỗ trợ đăng ký, giám sát tập trung bản quyền trên môi trường số và báo cáo vi phạm bản quyền (gọi là nền tảng Media-Hub).

Media Hub tự động giám sát, cảnh báo vi phạm bản quyền và ghi nhận bằng chứng pháp lý vi phạm; hỗ trợ tích hợp đăng ký bản quyền tự động trên các nền tảng mạng xã hội: Youtube, Facebook, đơn vị quản lý bản quyền…; tác giả khởi tạo quy trình khiếu nại, yêu cầu thanh toán phí bản quyền và theo dõi kết quả trên hệ thống. Đồng thời, hỗ trợ giám sát, cảnh báo vi phạm bản quyền và khiếu nại trực tuyến trên các nền tảng YouTube, Facebook, Soundcloud, Amazon, iTunes...

Theo nhóm nghiên cứu, đây là giải pháp tối ưu và có khả năng để triển khai nhanh, hiệu quả trong thực tiễn, làm cơ sở cho các công ty công nghệ tại Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các nền tảng công nghệ Make in Vietnam nhằm bảo vệ bản quyền báo chí Việt Nam. Hợp tác công tư theo mô hình xã hội hóa sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực từ xã hội (các chuyên gia công nghệ, luật sư, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan báo chí có quyết tâm trong việc bảo vệ bản quyền báo chí) để triển khai./.

Trường Thanh