Hiệp định về Biển cả mở "đường lớn" cho sự phát triển của Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 06:19, 01/08/2023
Hiệp định về Biển cả mở "đường lớn" cho sự phát triển của Việt Nam
Sau khi Hiệp định về Biển cả được thông qua, Hiệp định sẽ mở ký trong vòng 2 năm tính từ ngày 20/9/2023 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York (Mỹ). Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện quan trọng đón đầu cơ hội này để phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng
Vừa qua, tại New York (Mỹ), Hội nghị Liên Chính phủ của Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về Biển cả), đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ ba thực thi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hiệp ước về Biển cả này bao gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với các quy định tập trung chủ yếu vào: Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; Thiết lập khu bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường biển; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển;...
Hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Luật Biển - bản Hiến pháp về đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển. Hiệp định góp phần thực hiện chủ nghĩa đa phương, là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện thập kỷ Liên hợp quốc (LHQ) về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững.
Hiệp định về Biển cả quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển (ABMT), nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển với nhu cầu khuyến khích nghiên cứu khoa học biển. Hiệp định cũng thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…
Chủ động để đón đầu cơ hội phát triển
Để đi đến việc thông qua Hiệp ước Biển cả, các cơ quan nhà nước, tổ chức và chuyên gia khác nhau của Việt Nam đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, đàm phán bằng nhiều công sức, đã đem đến các diễn đàn LHQ không chỉ nhiệm vụ đầy trọng trách, mà còn là trách nhiệm với biển đảo quê hương. Đặc biệt, quá trình trù bị cho Hội nghị Liên Chính phủ, hoạt động vận động trong Đại Hội đồng LHQ và đàm phán không phải ngắn, đã kéo dài gần 20 năm và tập trung cao từ năm 2018 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của nước ta.
Sau khi Hiệp định về Biển cả được thông qua, Hiệp định sẽ mở ký trong vòng 2 năm tính từ ngày 20/9/2023 tại trụ sở LHQ, New York (Mỹ). Việt Nam cần phải tiếp tục chuẩn bị các điều kiện quan trọng để đón đầu cơ hội này.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam mong muốn “trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn… tham gia chủ động và có trách nhiệm giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương” (theo Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Vì thế, Việt Nam cũng có nhu cầu tận dụng các biện pháp xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, cũng như nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia để “tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến,” “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao,” từ đó “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học,” như các mục tiêu mà Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.
Cùng với Hiệp định về Đàn cá di cư (năm 1995) và Hiệp định thực thi Phần XI (1994) thì đây là Văn kiện thứ 3 nhằm thực thi hiệu quả Công ước Luật biển năm 1982. Hiệp ước Biển cả này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học, trong đó có hoạt động của nghề cá trên phạm vi rộng lớn của các đại dương (ngoài 200 hải lý) - di sản tự nhiên của loài ngoài.
Để chuẩn bị tốt cho việc tham gia vào Hiệp định, Việt Nam tiếp tục phải nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, cho toàn xã hội để tìm được sự đồng thuận cao nhất về vấn đề này. Cũng cần duy trì “nhiệt huyết” và kinh nghiệm từ quá trình đàm phán để thực sự biến cam kết quốc tế thành hành động ở cấp quốc gia, “hứa là làm” để nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong thế giới đại dương toàn cầu, xứng đáng là một quốc gia biển.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và tổ chức, địa phương liên quan phải chuẩn bị các phương án (kịch bản) để tích cực và chủ động tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông và ngoài biển cả.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Công nghệ đại dương; phát triển nghề cá viễn dương với đội hình ra biển có tổ chức, đủ mạnh và hiện đại. Cần ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại bỏ khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm
Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ về quản trị biển, về khoa học - công nghệ biển có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết, tư vấn các vấn đề quy định trong Hiệp ước Biển cả.