Kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm ở phạm vi quốc gia
Truyền thông - Ngày đăng : 16:20, 02/08/2023
Kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm ở phạm vi quốc gia
Việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có nguồn gốc động vật sẽ được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ từ nay đến năm 2030.
Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm ATTP có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo kế hoạch quốc gia kèm theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng các cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm
Mục tiêu chung trong giai đoạn 7 năm tới, sẽ xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Đồng thời, kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, ATTP, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Đáng chú ý, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý chuyên ngành thú y các cấp nhằm góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, phù hợp với kiến trúc điện tử 2.0 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Thiết lập vùng an toàn dịch bệnh phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới
Cùng với mục tiêu chung là các mục tiêu cụ thể để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Để thực hiện được các mục tiêu này, Chính phủ xác định nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Trong đó, thứ nhất, nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030 sẽ xác định và thiết lập vùng ATDB phù hợp với quy hoạch của tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và theo các quy định của tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH). Đi kèm với đó là việc: Thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh, vùng, cơ sở ATDB theo tiêu chuẩn của Việt Nam và của WOAH; chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chăn nuôi bảo đảm ATDB; tổ chức triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm chứng nhận ATDB, ATTP; tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm ATDB; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc; có kế hoạch dự phòng ứng phó khi phát hiện dịch bệnh động vật; duy trì, kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp; áp dụng công nghệ mới trong nghiên cứu, quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật...
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thứ hai là tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật. Trong đó các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, ATTP; giám sát vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước; giám sát vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm động vật xuất khẩu; giám sát các chỉ tiêu vi sinh, chất cấm, chất tồn dư trong các sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu; xây dựng và triển khai chương trình thông tin, tuyên truyền về vệ sinh thú y, ATTP; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật.
Thứ ba, nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Đáng chú ý, nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thứ tư xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y cho cả giai đoạn.
Trong nhóm giải pháp này, ngoài hoạt động xây dựng các hệ thống trực tuyến phục vụ công tác: kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP; quản lý thuốc; xây dựng hợp phần báo cáo số liệu thống kê ngành thú y; nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, chỉ đạo điều hành của ngành thú y thì hai giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y và rà soát, nâng cấp hệ thống VAHIS.
Trong giải pháp xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y, dữ liệu về đối tượng làm thủ tục dịch vụ công (người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan); dữ liệu về đối tượng xử lý thủ tục (công chức, viên chức ngành thú y); hồ sơ, kết quả xử lý; hệ thống văn bản tài liệu pháp lý sẽ được thực hiện. Cùng với dữ liệu chuyên ngành thú y (Data Warehouse): phòng, chống dịch bệnh động vật; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; kiểm dịch vận chuyển trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật; giết mổ động vật, vệ sinh thú y, ATTP; nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y và kháng thuốc; thống kê và báo cáo số liệu thống kê ngành. Bộ công cụ quản lý, phân tích dữ liệu, phục vụ tác nghiệp; kết nối với kho dữ liệu dùng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trong khi đó, giải pháp rà soát, nâng cấp hệ thống VAHIS cần tập trung rà soát, nâng cấp hệ thống VAHIS để bổ sung các hợp phần: quản lý thông tin về kết quả giám sát dịch bệnh trên động vật; dữ liệu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; dữ liệu về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; dữ liệu về quản lý chó, mèo nuôi và phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo; quản lý thông tin về dịch bệnh trên động vật hoang dã; các bộ công cụ phân tích dữ liệu, kết nối với dữ liệu dịch bệnh của WOAH (thông qua hệ thống WAHIS), và khu vực (ARAHIS); kết nối với hệ thống dữ liệu các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y
Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ giải pháp chung và cụ thể, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện kế hoạch với nhiều nhiệm vụ cụ thể. Trong nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các nhiệm vụ tổng thể, đồng bộ, đối với kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 – 2030, cần chỉ đạo tổ chức xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y. Chỉ đạo xây dựng, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), các hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y; quản lý thông tin thống kê và công tác chỉ đạo điều hành của ngành thú y.
Trong khi đó, Bộ Y tế phải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc, chia sẻ kịp thời thông tin về kháng thuốc trong y tế. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến mức dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư độc hại có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, lưu thông trong nước, nhập khẩu phù hợp với điều kiện của Việt Nam và hài hòa các quy định của quốc tế. Phối hợp, chia sẻ thông tin với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch, bảo đảm phù hợp, đáp ứng mục tiêu, giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.