Người dân Điện Biên bắt đầu được hưởng những giá trị từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:18, 02/08/2023
Người dân Điện Biên bắt đầu được hưởng những giá trị từ chuyển đổi số
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết người dân của tỉnh bắt đầu được hưởng những giá trị từ chuyển đổi số (CĐS) và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS.
Ngày 2/8, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị Giải pháp thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp (DN) tỉnh Điện Biên với mục tiêu hỗ trợ các DN tiếp cận các dịch vụ, giải pháp, sử dụng các nền tảng số. Từ đó, DN từng bước thực hiện CĐS góp phần giúp giảm chi phí, tối đa hoá hiệu suất làm việc, thích ứng linh hoạt, tăng tính minh bạch và hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, tính cạnh tranh qua đó làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho DN.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, UBND tỉnh đã mời các DN chuyên về nền tảng số, công nghệ số đến dự để giới thiệu những nền tảng số, sản phẩm, giải pháp công nghệ số phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD). Theo đó, các DN tạo ra một không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế các giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ trong hoạt động quản lý, SXKD cho các DN tỉnh Điện Biên.
Các DN tỉnh Điện Biên cũng có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ số, các chuyên gia về công nghệ để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hoá sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới.
CĐS đã lan toả ở tỉnh Điện Biên
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết CĐS hiện nay đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
Năm 2023 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó Tỉnh đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế số như: Tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 chiếm 10% GRDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Trên 70% DN thực hiện CĐS; có khoảng 40 DN công nghệ số.
Chỉ tiêu cụ thể về xã hội số như: Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Trên 70% người dân được tiếp cận, sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường).
“Làn sóng CĐS cùng với công tác truyền thông đã tạo sự lan tỏa, tham gia và hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, Phó Chủ tịch Vừ A Bằng nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch Vừ A Bằng cho biết người dân bắt đầu được hưởng những giá trị từ CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS, với các hoạt động phát triển mạnh như: Thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, mua bán hàng hóa, hợp đồng điện tử, hải quan điện tử, ký số, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các TTHC, BHXH, sử dụng thẻ BHYT điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa…
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn bản đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng với trên 9.000 thành viên đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng địa chỉ, hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng số cơ bản.
Thách thức cần giải quyết
Trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2023, số lượng DN trên địa bàn tỉnh Điện Biên là hơn 1.200 DN. Theo đó, Phó Chủ tịch Vừ A Bằng cho biết vai trò của các DN trong công cuộc CĐS tại địa phương ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vừ A Bằng cho biết, trong thời gian qua, các DN đang phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình CĐS như: Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19; nguồn lực đầu tư cho phát triển SXKD còn hạn chế; Hoạt động CĐS là lĩnh vực mới, nhận thức của các DN trên địa bàn tỉnh về CĐS trong SXKD chưa thật sự sâu sắc, còn nghi ngờ về tính năng, hiệu quả của việc CĐS. Các DN chưa mạnh dạn trong việc đầu tư ứng dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới trong SXKD.
Trong hơn 1.200 DN của tỉnh Điện Biên thì chủ yếu là DN nhỏ và vừa (SME), rất ít DN công nghệ số (có 27 DN cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin), 16 DN nền tảng số. Tỷ lệ SME sử dụng nền tảng số đạt 70,2%. SME tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx (chương trình hỗ trợ CĐS cho SME trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn) đạt tỷ lệ 68,6%. Số lượng DN thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%, DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt 0.36% (05 DN).
Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, một số DN đã nhận thấy CĐS là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất DN. Điều này đang góp phần tạo ra các DN y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, logistics, giao nhận, thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Chủ tịch Vừ A Bằng, đối với không ít DN, hoạt động CĐS vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, cụ thể:
Thứ nhất, trở ngại từ công nghệ. CĐS chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của DN được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên nền tảng của hệ thống Internet, chính vì vậy, đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật cũng như nhân lực.
Thứ hai, khó khăn từ vốn đầu tư. Đầu tư cho CĐS là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Thứ ba, thách thức từ nhận thức của DN, năng lực của DN; Hạn chế về thị trường và các giải pháp CĐS; Thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở SXKD CĐS.
CĐS là một cơ hội và hành trình không có điềm ngừng
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, CĐS là một hành trình không có điểm dừng, DN phải không ngừng cập nhật, đổi mới, cải tiến và chấp nhận cái mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Do đó, lãnh đạo DN cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình CĐS trong mọi hoạt động của DN, bao gồm cả quản lý, SXKD và chuỗi cung ứng toàn cầu. Quá trình CĐS gồm 3 yếu tố chính gồm: nhận thức, kỹ năng và công nghệ. Cả ba yếu tố này đều xoay quanh nền tảng số.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc CĐS trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy CĐS cho các DN trên địa bàn tỉnh, ông Vừ A Bằng đề nghị các các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong tâm các tháng cuối năm 2023:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tổng thể liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp, kết quả về CĐS của tỉnh nói chung và thúc đẩy CĐS cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chủ động rà soát, tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công khai, minh bạch góp phần đạt được mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm của tỉnh.
Thứ hai, người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, DN.
Thứ ba, từng Sở, ngành, địa phương công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); rà soát và đơn giản hóa các TTHC; thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan có liên quan cần công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; cấp phép kinh doanh có điều kiện,... để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN.
Thứ tư, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ CCVC, người dân, DN trên địa bàn tỉnh (hướng dẫn người dân và DN thực hiện giải quyết TTHC qua Dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí thời gian, đi lại).
Thứ năm, công khai đầy đủ quy hoạch, kế hoạch để người dân, DN tiếp cận được các tài liệu quy hoạch tỉnh Điện Biên; triển khai App DienBien smart để cung cấp thông tin, văn bản và là kênh trao đổi chính thức giữa chính quyền và người dân, DN.
Thứ sáu, cộng đồng DN tỉnh tăng cường tuyên truyền, phối hợp hướng dẫn thành viên Hiệp hội cài đặt Smart DienBien để tăng cường tương tác với các cấp chính quyền; tăng cường ứng dụng các nền tảng số vào trong hoạt động SXKD góp phần tăng năng suất, chất lượng công việc.
Thứ bảy, các DN nền tảng hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp cận và tham gia chương trình CĐS DN, nền tảng số sẽ là công cụ giúp DN CĐS và nâng cao năng lực cạnh tranh.
CKS là chìa khoá quan trọng để góp phần đưa người dân lên môi trường số
Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Misa, Hiệp hội DN tỉnh Điện Biên, Trung tâm Công nghệ TT&TT (Sở TT&TT) đã báo cáo chuyên đề: Nền tảng số để CĐS cho SME, hợp tác xã; CĐS - xu hướng tất yếu của DN tỉnh hội nhập và phát triển; triển khai App Smart Dien Bien (video clip, hướng dẫn cài đặt, sử dụng app); công bố kết quả chỉ số CĐS của năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện Sở TT&TT, Câu lạc bộ chữ ký số (CKS) và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng VNPT-CA, VIETTEL-CA, MISA-CA đã ký biên bản ghi nhớ CĐS cho các DN trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho biết: “CĐS là mục tiêu của Quốc gia, trong đó CKS chính là chìa khoá quan trọng để góp phần đưa người dân lên môi trường số. Bộ TT&TT nói chung, NEAC nói riêng luôn khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động nhằm cung cấp, phổ cập chứng thư số đến DN và người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các DN cũng như tổ chức cung cấp dịch vụ CKS công cộng cần hết sức thận trọng, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, pháp lý nhằm tránh xảy ra sai sót đặc biệt với các lĩnh vực hoá đơn điện tử, hoàn thuế và thủ tục hải quan”./.