Cần nhiều hơn chính sách để chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 19:00, 03/08/2023
Cần nhiều hơn chính sách để chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững
(ICTV) - Quá trình dịch chuyển năng lượng của Việt Nam theo hướng bền vững đang có những tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, để nắm bắt được xu hướng, các doanh nghiệp cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để có “ đòn bẩy” chuyển đổi, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Xu thế tất yếu
Để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần xem chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh là xu thế tất yếu và chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa. Dư địa vẫn còn rất lớn, khi hiện nay nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam mới chiếm khoảng 15,4% công suất lắp đặt trên toàn quốc (theo số liệu từ Bộ Công thương).
Đối với việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh định hướng: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”. Có thể nói đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hệ thống năng lượng đang có xu hướng chuyển từ hóa thạch sang tái tạo, chuyển từ nguồn hữu hạn (than, dầu, khí, uranium) sang vô hạn (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt). Đồng thời chuyển từ tập trung, quy mô lớn (từng khu đô thị, khu công nghiệp, từng bể than, bể dầu khí) sang phân tán, nhỏ lẻ (từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng cá nhân); môi trường và sinh thái trong việc sản xuất và tiêu dùng năng lượng sẽ được kiểm soát (hạn chế ô nhiễm).
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện 8, trong đó đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất. Vì thế, việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững là yêu cầu đặt ra với mỗi doanh nghiệp hiện nay.
Cần nhiều hơn chính sách đồng hành, hỗ trợ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Điều này đã đem đến nhiều lợi ích doanh nghiệp, đặc biệt khi dệt may là một trong những lĩnh vực tiêu thụ điện lớn. Việc phát triển điện mái, điện mặt trời giúp doanh nghiệp dệt may không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tài chính. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào năng lượng tái tạo song hành với phát triển sản xuất. Cũng không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này. Chính phủ cần có những hỗ trợ về mặt chính sách, khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh cho doanh nghiệp tiếp cận.
Đây chính là những công cụ để tăng cường lòng tin của nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng xanh, năng lượng xanh. Nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng có thể được cho phép vượt qua giới hạn tăng trưởng tín dụng để khuyến khích ngân hàng cho vay thêm các dự án xanh.
Theo đánh giá, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng không phải ngày một ngày hai, có thể Việt Nam cần những bước đệm chuyển tiếp từ chính sách, nguồn vốn. Ông Lurion De Mello, giảng viên cao cấp Khoa Tài chính ứng dụng, Đại học Macquarie (Australia) cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo cần hỗ trợ rất lớn từ cơ sở hạ tầng đồng bộ. Quá trình chuyển đổi không nên diễn ra quá nhanh, bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được sẽ gây ra lãng phí. Đơn cử, điện mặt trời ở Việt Nam đang mở rộng rất nhanh, trong khi công nghệ lưu trữ cũng như truyền tải chưa tốt, như vậy sẽ gây ra hao hụt lớn, làm thất thu về thuế và tăng chi phí đối với người dân.
Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) đã công bố cam kết đầu tư 15 triệu đô la Mỹ vào Quỹ chuyển dịch Năng lượng châu Á SUSI (SAETF) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sạch và bền vững, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng xanh cho khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh nêu trên, khoản đầu tư của BII hướng đến mục tiêu thu hút thêm các nhà đầu tư thương mại để mở ra nhiều cơ hội tài chính khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững cho Việt Nam.
Ông Cho Han Deog - Giám đốc Quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đánh giá: "Nhiều địa phương của Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển năng lượng tái tạo, đó là lợi thế mà nhiều nước không có. Ví dụ như đất nước chúng tôi, Hàn Quốc cũng nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo nhưng điều kiện tự nhiên không cho phép như Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc và các công ty nước ngoài khác sẵn sàng và mong muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Việt Nam".