Nâng tầm sản phẩm chè "made in Việt Nam"

Truyền thông - Ngày đăng : 19:01, 03/08/2023

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để chè Việt vươn xa, mang về giá trị cao cần tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng logistics để kết nối giữa sản xuất, chế biến, bảo quản; phát triển thị trường tiêu thụ…
Truyền thông

Nâng tầm sản phẩm chè "made in Việt Nam"

P.V 03/08/2023 19:01

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để chè Việt vươn xa, mang về giá trị cao cần tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng logistics để kết nối giữa sản xuất, chế biến, bảo quản; phát triển thị trường tiêu thụ…

Thách thức cho sự phát triển

Hiện nay, theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích chè cả nước hiện nay là hơn 120 nghìn ha. Diện tích chè kinh doanh thời gian qua luôn ổn định với 110 nghìn ha, năng suất tăng mạnh từ 7,47 tấn/ha lên 9,75 tấn/ha. Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân... 

ch___vietnam_26989.jpg
Diện tích chè của Việt Nam hiện nay khoảng 120 nghìn ha với trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng.

Mặc khác, các doanh nghiệp cũng sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, bảo đảm sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Shan tuyết tỉnh Hà Giang, Shan tuyết Suối Giàng, đảo chè Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các đồi chè Tâm Châu tỉnh Lâm Đồng, Long Cốc (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Linh Dương (Lào Cai), Tân Trào (Tuyên Quang), Hương Sơn (Hà Tĩnh)...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, nước ta đã có những thành tựu vượt bật trong phát triển về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè đang tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết, quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, ước tính bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè Việt Nam còn hạn chế, chè có tưới mới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).

Chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Sở dĩ chè ở vùng sâu, vùng xa trên núi cao chinh phục được khách hàng khó tính, phần vì đó là chè hái từ cây chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Mặt khác ở những khu vực núi cao, nông dân không bón phân vô cơ, không phun thuốc hóa học, nên dễ dàng đạt được chứng nhận chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ luôn được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng...

Hơn nữa, diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè Việt Nam quý hiếm vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, số nhà máy được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%; số nhà máy trung bình là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè là 20%...

Mạnh dạn đổi mới

Ngành NN&PTNT đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.

img_20220426_135627.jpg
Phát triển ngành sản xuất chè cần phải được quan tâm hơn nữa nhằm đem lại hiệu quả, giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất chè; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng chè; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng chè chủ lực gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái;

Đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…

Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

Các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè.

Bản thân các doanh nghiệp, HTX cũng cần phải linh hoạt trong phương thức sản xuất, đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức vận hành, mô hình liên kết... để phát triển. Ông Triệu Văn Mềnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết: Để đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu, HTX đã nâng công suất, đổi mới công nghệ cho phù hợp. Đặc biệt, HTX đã được đơn vị chứng nhận hữu cơ châu Âu chứng nhận gần 300ha chè tại các xã: Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán (Hoàng Su Phì). Đây chính là cầu nối để HTX xuất bán sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga và Đức...

P.V