Luật Thủ đô (sửa đổi): Động lực cho sự phát triển và hiện đại hóa
Truyền thông - Ngày đăng : 20:50, 03/08/2023
Luật Thủ đô (sửa đổi): Động lực cho sự phát triển và hiện đại hóa
Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp Thủ đô tháo gỡ, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý tăng dân số cơ học, ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng... làm động lực cho sự phát triển và hiện đại hoá.
Nhiều ý kiến đóng góp quý báu
Sau 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2012 đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, về cơ bản, Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay. Từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.
TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải phản ánh được những đặc thù, vượt trội của Hà Nội và yêu cầu của quản trị đô thị trong bối cảnh mới. Trong đó có đặc thù về tổ chức bộ máy, thu hút nguồn nhân lực, chế độ chính sách, tài chính - ngân sách… để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước.
Nhìn nhận vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội cấp bách, TS. Chu Mạnh Hùng cho rằng, TP Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ…
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, tiếp đó là các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng tổ chức không gian chức năng, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường là góp ý của PGS.TS. Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo nền tảng, cơ sở hay tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo và hòa bình của thế giới. Đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PGS. TS. Hoàng Tùng cũng cho rằng, bên cạnh các mô hình phát triển đô thị đã thực hiện trong những năm qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung mô hình mới là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Tuy nhiên, cần bổ sung mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông (sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ…). Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ cho việc cân bằng với tự nhiên của hệ sinh thái đô thị, giảm bớt mật độ xây dựng, hình thành thêm các không gian mở.
Cần phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô chỉ có một, có ý nghĩa đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, nhất là phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của Luật Thủ đô 2012, thể hiện bằng được yêu cầu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển.
Cũng theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...
Vừa rồi, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo Quốc lộ 6 nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết từ cuộc sống, thành phố đã bố trí kinh phí để thực hiện. Đối với các dự án cầu bắc qua sông Hồng theo quy hoạch, trước hết là các cầu theo tuyến đường Vành đai 4 hay đầu tư 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch mà không có cơ chế tài chính cho Hà Nội chủ động thực hiện thì rất khó đẩy nhanh được tiến độ.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan trung ương. Chính vì vậy, đối với một số nội dung các bộ, ngành có ý kiến cần xem xét lại quy định để đảm bảo phù hợp với các Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.
Chủ tịch UBND TP nêu đề nghị, giữ lại các phương án ban đầu do Hà Nội đã đề xuất và bổ sung các điều kiện để kiểm soát chặt chẽ.
"Đây là những nội dung quan trọng, cần thiết mà TP đã nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn trong quá trình tổng kết thi hành Luật Thủ đô và lập đề xuất chính sách, đánh giá tác động cụ thể trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết./.