Nền tảng Papaya và hành trình xây dựng niềm tin nhờ số hoá ngành bảo hiểm

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 14:10, 25/09/2023

Nhà sáng lập Papaya Phan Đức Hùng đã từng làm việc tại một công ty bảo hiểm và nhận thấy nhiều điểm hạn chế của ngành như thủ tục giấy tờ, thời gian xử lý hồ sơ lâu...
Make in Vietnam

Nền tảng Papaya và hành trình xây dựng niềm tin nhờ số hoá ngành bảo hiểm

Nguyễn Khiêm 25/09/2023 14:10

Nhà sáng lập Papaya Phan Đức Hùng đã từng làm việc tại một công ty bảo hiểm và nhận thấy nhiều điểm hạn chế của ngành như thủ tục giấy tờ, thời gian xử lý hồ sơ lâu...

Tóm tắt:
- Tại Việt Nam, mức độ đóng góp của doanh thu phí bảo hiểm vào GDP và chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ của toàn thế giới.
- Hiện nay, các DN bảo hiểm chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ hơn nên đã rất cởi mở trong việc thảo luận hợp tác với các Insurtech để cùng thúc đẩy thị trường.
- Để thúc đẩy thị trường, các DN bảo hiểm lớn cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các Insurtech để ra mắt các sản phẩm mới, khác biệt hơn.

Để giải quyết những bài toán này, nền tảng Papaya đã ra đời với mục tiêu xây dựng niềm tin ở khách hàng đối với sản phẩm cũng như cung cấp các dịch vụ cộng thêm để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng bảo hiểm.

Giải bài toán vận hành thủ công của ngành bảo hiểm

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2022 do BambuUp thực hiện, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), thị trường bảo hiểm Việt Nam có giá trị tương đối nhỏ (chỉ chiếm 0,5%) nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Bởi vì, thị trưởng bảo hiểm ở Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển vì mức độ đóng góp của doanh thu phí bảo hiểm vào GDP thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ của toàn thế giới và chi phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp.

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm (Insurtech) được coi là chìa khoá để thúc đẩy thị trường nhưng tại Việt Nam, các nền tảng này mới chỉ chiếm khoảng 2 - 3% doanh thu toàn ngành.

Tuy nhiên, việc thị trường bảo hiểm đang tăng trưởng mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường Insurtech nói chung sẽ sớm đạt mức hàng chục tỷ USD trong tương lai. Nhất là khi thị trường Insurtech ghi nhận một số tên tuổi đáng chú ý như Công ty công nghệ bảo hiểm Papaya, đơn vị đang từng bước số hoá quy trình bồi thường bảo hiểm và tham vọng mở rộng ra nhiều mảng ngành khác.

papaya-1.png

Nói về lý do ra mắt nền tảng Insurtech Papaya vào năm 2018, ông Phan Đức Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO cho biết, thời điểm đó, do từng làm việc tại một công ty bảo hiểm và nhận thấy những rắc rối khi khách hàng đòi quyền lợi bảo hiểm, cũng như cách xử lý của công ty bảo hiểm. Quá trình này phần lớn thực hiện thủ công như điền giấy tờ, gửi email qua lại có thể mất vài tuần.

Do đó, Papaya đã quyết định tập trung xây dựng giải pháp để đem lại trải nghiệm số hóa tốt hơn cho khách hàng của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm. Từ đó xây dựng niềm tin ở khách hàng đối với sản phẩm bảo hiểm để nhân rộng. Đó là lý do tại sao Papaya từng bắt tay với FWD ra mắt dịch vụ 24h E-Claim - Dịch vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm viện phí chỉ trong 24 giờ và hoàn toàn trực tuyến từng gây được không ít chú ý vào năm 2020.

Hiện tại, Papaya đang giúp cho hàng trăm ngàn khách hàng bảo hiểm ở mảng sức khỏe có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm một cách nhanh chóng, dễ dàng. Trong tương lai, Papaya sẽ đồng hành cùng các DN bảo hiểm đưa ra các sản phẩm mới cho thị trường cũng như cung cấp các dịch vụ cộng thêm để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng bảo hiểm.

phan-duc-hung.png
Theo ông Phan Đức Hùng, khó khăn đầu tiên của Papaya là chứng minh được năng lực và xây dựng được uy tín, niềm tin để các doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý tham gia hợp tác.

Trước khi khởi nghiệp với Papaya, ông Hùng đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các mô hình ở nhiều nước khác nhau, trong đó mô hình đã để lại ấn tượng là một công ty bảo hiểm mới ở Mỹ, với tên gọi là Lemonades. Tuy nhiên, nhà sáng lập Phan Đức Hùng cho rằng, để đem được mô hình này về nước để áp dụng là rất khó khăn, bởi các quy định ở Việt Nam rất khác.

Chưa kể, thị trường bảo hiểm vốn là một thị trường vô cùng khó khăn để khởi nghiệp và sự lựa chọn này có phần mạo hiểm nhưng ông Hùng tin tường rằng, chỉ cần mình hiểu được cái cách vận hành của nó thì sẽ tìm được lối đi.

Insurtech và xu hướng bắt tay với doanh nghiệp bảo hiểm để thúc đẩy thị trường

Nói về những điểm vượt trội trong mô hình công nghệ bảo hiểm của Papaya, với mô hình đại lý sẽ không đủ thời gian để giải thích hết cho khách hàng, vì trong một ngày có thể họ sẽ phải làm việc với nhiều khách hàng. Còn đối với một hệ thống online, khách hàng truy cập vào ứng dụng, họ sẽ có nhiều thời gian để tìm hiểu về những sản phẩm mà mình quan tâm.

Ngoài ra, khách hàng có thể gửi những thắc mắc của mình thông qua hình thức chatbot trực tiếp với đội ngũ tư vấn viên của Papaya và sẽ nhận được những giải đáp ngay tức thì.

papaya-2.png
Papaya ra đời với sứ mệnh xây dựng niềm tin ở khách hàng đối với sản phẩm bảo hiểm.

Cũng theo ông Hùng, khi là một startup tham gia thị trường bảo hiểm, một trong những khó khăn cần vượt qua trong thời gian đầu của Papaya là chứng minh được năng lực và xây dựng được uy tín, niềm tin để các DN bảo hiểm đồng ý tham gia hợp tác. Còn về điểm thuận lợi, đó là ngành bảo hiểm đang trong giai đoạn chuyển mình từ truyền thống sang số hóa, nên các DN bảo hiểm đã rất cởi mở trong việc thảo luận hợp tác với các Insurtech.

“Kỉ niệm đáng nhớ nhất là ngày đầu tiên hệ thống được triển khai cho hàng chục ngàn khách hàng của DN bảo hiểm đầu tiên Papaya hợp tác”, ông Hùng nói.

Bên cạnh sự tham gia của các startup như Papaya, thời gian qua, các DN bảo hiểm lớn đã có sự chuyển mình lớn trong thời gian qua khi đã đầu tư nhiều hơn cho việc chuyển đổi số (CĐS), nâng cấp hệ thống để tạo sự thuận lợi hơn trong việc hợp tác với các Insurtech. Điều này giúp cho các Insurtech có được tốc độ trong việc ra mắt các sản phẩm mới, kênh bán mới khi hợp tác với các DN bảo hiểm.

Song song đó, các quy trình và quy định của các DN bảo hiểm cũng đã được cập nhật để phù hợp hơn với sự CĐS của ngành từ giấy tờ sang các thủ tục online.

“Tuy nhiên, do các hệ thống công nghệ thông tin lõi của các DN bảo hiểm đã được xây dựng từ lâu nên còn nhiều hạn chế trong việc số hóa và kết nối với các Insurtech. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh số hóa, các DN sẽ cần sự đầu tư lớn để tiếp tục nâng cấp các hệ thống lõi”, ông Hùng chia sẻ thêm.

papaya-3.png

Với Papaya, ông Hùng khẳng định, công ty luôn xem các DN bảo hiểm là đối tác cùng nhau phát triển hơn là cạnh tranh trực tiếp. Việc Insurtech đồng hành cùng các DN bảo hiểm để đem lại các trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cũng như cung cấp các giải pháp bảo hiểm phù hợp tới những phân khúc khách hàng mới.

Do đó, những phân khúc khách hàng là thế mạnh của các DN bảo hiểm thì Papaya sẽ không lựa chọn để tham gia vào cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều phân khúc khách hàng mà bảo hiểm chưa chạm tới khi mà số lượng người dân có bảo hiểm ở Việt Nam còn ít.

“Đây là cơ hội để Insurtech cùng hợp tác với các DN bảo hiểm để tiếp cận, đem thêm nguồn doanh thu mới”, ông Hùng bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc bắt tay với các công ty công nghệ sẽ giúp cho các DN bảo hiểm chuyển đổi số một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tùy theo chiến lược kinh doanh, DN bảo hiểm sẽ phải xác định những thành phần nào trong hệ thống CNTT của mình cần tự chủ đầu tư xây dựng giải pháp hay nên bắt tay hợp tác với các DN khác để đi nhanh hơn.

Nhiều rào cản cho startup Insurtech gia nhập thị trường

Về tiềm năng thị trường, theo nhà sáng lập Papaya, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều dư địa để có thêm các Insurtech tham gia vào thị trường, đặc biệt là về lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe khi chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng cao.

Ngoài ra, vẫn còn những mảng bảo hiểm vẫn còn đang bỏ ngỏ như bảo hiểm cháy nổ nhà ở nhà chung cư, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nông nghiệp. Điều đó đã khiến gia tăng số lượng startup tham gia thị trường Insurtech sau dịch COVID-19, kể cả các công ty trong nước cũng như quốc tế.

dn-bao-hiem.png
Để thị trường bùng nổ ở Việt Nam, các DN bảo hiểm cần tiếp tục đầu tư mạnh về công nghệ và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với các Insurtech.

Mặc dù vậy, lĩnh vực bảo hiểm có nhiều quy định pháp lý chặt chẽ, có tính địa phương hóa cao và mỗi mảng của bảo hiểm cũng có những đặc thù rất khác nhau (như xe cơ giới, sức khỏe, nhân thọ, hay bảo hiểm cháy nổ) nên việc tham gia thị trường Insurtech đòi hỏi nhiều yếu tố cần để bắt đầu.

Với việc Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được ban hành đầu năm 2023, và tới đây là thông tư hướng dẫn thi hành luật sẽ tạo nhiều điều kiện cho việc thúc đẩy thị trường Insurtech. Đặc biệt là việc rút ngắn thời gian và thủ tục để phê duyệt các sản phẩm bảo hiểm mới.

Để thị trường bùng nổ ở Việt Nam, ông Hùng cho rằng, các DN bảo hiểm cần tiếp tục đầu tư mạnh về công nghệ và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với các Insurtech.

“Hơn nữa, việc DN bảo hiểm cởi mở đồng hành cùng các Insurtech xây dựng các gói sản phẩm bảo hiểm mới, tạo sự đa dạng cho thị trường là điều cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực này", ông Hùng kết luận.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Nguyễn Khiêm