Cục Viễn thông: Gtel vẫn đang hoạt động, cách thức “quản” thuê bao nhiều SIM, MNVO
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:34, 08/08/2023
Cục Viễn thông: Gtel vẫn đang hoạt động, cách thức “quản” thuê bao nhiều SIM, MNVO
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT tháng 8/2023, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết Gtel vẫn đang đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Gtel vẫn đang đảm bảo quyền lợi khách hàng
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin đến các cơ quan báo chí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực viễn thông.
Về thông tin phản ánh của người sử dụng về việc các trạm phát sóng của Gtel đã tắt sóng, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết Cục Viễn thông đã nhận được phản ánh.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết Gtel đã đưa ra giải pháp kỹ thuật để duy trì chất lượng, bảo vệ quyền lợi khách hàng. Gtel đã thực hiện chuyển vùng (roaming) với các DN, duy trì thuê bao Gtel thông qua hợp tác với các nhà mạng ảo (MNVO). Gtel cũng đã đưa ra phương án sử dụng thông qua các phần mềm để duy trì cuộc gọi, thông tin cho người dùng.
"Cục Viễn thông sẽ tiếp tục làm việc với Gtel để đảm bảo quyền lợi cho người dùng và có phương án tổ chức mạng lưới để đảm bảo tiêu chuẩn của dịch vụ di động", ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định.
Đến 31/8/2023, hoàn thành thông tin bao chính chính chủ
Theo Bộ TT&TT, để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan.., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ TT&TT tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM (trên 10 SIM).
Tính đến 19/7/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng cùng với sự ủng hộ, phối hợp của người dân, khách hàng, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực như: Đến giữa tháng 7/2023, theo số liệu các DN đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% các thuê bao đối với khách hàng là tổ chức.
Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.
Bộ TT&TT đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các DN tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.
Sơ bộ kết quả thanh tra thông tin thuê bao cho thấy vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh/thành phố khác nhau trong thời gian ngắn; nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên. Hiện nay, đã có 56 Sở TT&TT gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra về quản lý thông tin thuê bao về Bộ. 08 đoàn thanh tra do Bộ thành lập đã kết thúc thanh tra trực tiếp, hiện đang tổng hợp kết quả thanh tra.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết trong quá trình phát triển việc các thuê bao có tồn tại hiện trạng thuê bao không chuẩn hoá lại thông tin. Trong tháng 7/2023, Bộ TT&TT yêu cầu quyết liệt nhà mạng thực hiện truyền thông đến người sử dụng có các SIM có cùng giấy tờ, đặc biệt là người sử dụng trên 10 SIM.
Đến nay, với việc truyền thông mạnh mẽ của nhà mạng như nhắn tin, gọi điện chăm sóc khách hàng, gọi đến những người sở hữu 3 SIM. Hiện, 80% SIM đã được xử lý xác thực thông tin thuê bao thông qua các hình thức người sử dụng từ 3 SIM đã trực tiếp đến đại lý ký hợp đồng. Đối với SIM không thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao sẽ bị khoá.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết số thuê bao điện thoại di động không chỉ liên quan đến dịch vụ gọi điện thoại, nhắn tin mà còn liên quan đến sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài chính, giao dịch, kinh tế.... Vì quyền lợi người sử dụng, người sử dụng hãy nhắn tin đến tổng đài 1414 với cú pháp TTTB để xem đúng thông tin thuê bao của mình không thì sớm chuẩn hoá thông tin thuê bao để đảm bảo các dịch vụ được sử dụng an toàn và chung tay với nhà mạng có được dịch vụ văn minh, an toàn.
Dịch vụ của MNVO cung cấp ra xã hội cũng còn khiêm tốn
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã cũng thông tin về việc việc phát triển MNVO của Việt Nam. Hiện nay, đã có 5 MNVO, tức là nhà mạng không có hạ tầng, cung cấp dịch vụ di động thông qua mua sỉ lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng để cung cấp dịch vụ. Các nhà mạng ảo hiện nay có 2,5 triệu thuê bao. Đây là con số khiêm tốn.
Theo nhận định của Cục Viễn thông, các dịch vụ của MNVO cung cấp ra xã hội cũng còn khiêm tốn, chưa có những dịch vụ tạo ra thế mạnh cho các MNVO.
Để thúc đẩy MNVO phát triển khi chúng đã có mạng di động tốc độ truy nhập Internet tăng rất nhanh và vùng phủ sóng rộng hơn 89% dân số, đại diện Cục Viễn thông cho biết các MNVO nên nhìn nhận, tìm kiếm cung cấp dịch vụ trên nền Internet thực sự mang lại lợi ích cho người dùng như các dịch vụ về tài chính, học tập… hay những dịch vụ thị trường ngách mà nhà mạng lớn thường không cung cấp. “Đây là xu hướng đi đúng của thế giới và để thúc đẩy các nội dung phát triển, cung cấp nhiều dịch vụ ứng dụng viễn thông trên nền Internet băng rộng di động”.
Ngoài ra, để các MNVO có thể cung cấp dịch vụ dễ dàng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết quy định về việc thiết lập MNVO tương đối dễ dàng vì các MNVO không sở hữu hạ tầng. Do vậy, MNVO không phải xin cấp phép tần số, các cấp phép có những cam kết mà chỉ cần ký hợp đồng mua sỉ của các nhà mạng cung cấp dịch vụ là đã có thể cung cấp dịch vụ.
“MNVO tham gia thị trường cần có hướng đi vào thị trường ngách hấp dẫn thì có thuê bao cao ổn địn và có doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) cao”.
Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Luật viễn thông liên quan đến chính sách bán buôn chính là hành lang pháp lý minh bạch để cho các nhà mạng có hạ tầng và không có hạ tầng có thể đàm phán mà không bị áp đặt. Khi có chính sách như vậy thì nhà mạng MNVO có tìm kiếm hợp tác với nhà mạng có hạ tầng tốt nhất, mang lại cơ hội kinh doanh tốt nhất”.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng chia sẻ thực tế MNVO hiện nay có thể đàm phán với các nhà mạng có hạ tầng như MobiFone, Vinaphone, từ đó, để tìm cơ hội kinh doanh từ thị trường ngách để phát triển dịch vụ của mình.
Ví dụ, thị trường ngách ở nông thôn có thể là lĩnh vực nông nghiệp thông minh, các dịch vụ hỗ trợ người dân trong hoạt động nông nghiệp, ngành nghề sản xuất thông qua các ứng dụng di động. “Việc các nhà mạng tìm thấy thị trường ngách cho mình ở các khu vực khác nhau hoàn toàn là lựa chọn của DN không có việc bị nhà mạng có hạ tầng áp đặt kinh doanh”.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết mạng 4G tốc độ Internet cao của Việt Nam hiện nay cũng là cơ hội cho các MVNO phát triển dịch vụ ngách để cung cấp dịch vụ cho người dùng, theo đó, để tăng doanh thu./.