Hà Nội: Mở rộng tầm nhìn, nâng cao chất lượng giáo dục
Truyền thông - Ngày đăng : 13:07, 09/08/2023
Hà Nội: Mở rộng tầm nhìn, nâng cao chất lượng giáo dục
Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền TP. Hà Nội luôn không ngừng đổi mới các giải pháp qua từng giai đoạn.
Khẳng định vị trí dẫn đầu
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên cho biết, việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác GD&ĐT của Thủ đô, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của Nhân dân.
Quy mô giáo dục của thành phố tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên, chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới.
Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học, trở thành 1/4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Năm học 2022 - 2023, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế. Thống kê từ năm học 2014-2015 đến tháng 3/2023, học sinh Hà Nội đạt được tổng số 1.249 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, 124 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.
Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới, nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT được mở rộng. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Theo số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tại Hà Nội tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp. Về quy mô các trường THPT công lập, đến năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023 - 2024). Đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023 - 2024). Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023 - 2024).
Mở rộng tầm nhìn để phát triển tốt hơn
Thời gian tới, 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã được TP Hà Nội đề ra. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển GD&ĐT Thủ đô. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành GD&ĐT Thủ đô.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, ngành nên TP Hà Nội có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia rất cao. Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ đại học trong nhà trường, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị TP Hà Nội quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã đổi mới quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, ngoại ngữ, tin học.
10 năm qua, Sở được UBND thành phố Hà Nội cấp 353,1 tỷ đồng để tổ chức bồi dưỡng trong nước và nước ngoài cho gần 680.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 1.250 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng hằng năm…
Việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được coi trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, tận tâm với nghề và gắn bó với ngành./.