Muốn CĐS hiệu quả cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:49, 09/08/2023
Muốn CĐS hiệu quả cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá
Chuyển đổi số (CĐS) giờ đây chính là một nhiệm vụ chính trị, gắn liền với trách nhiệm không chỉ của riêng một bộ, ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đơn vị mà cần sự hợp sức, chung tay, ủng hộ của toàn thể mọi tầng lớp nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ này đạt hiệu quả thực chất, nhất là trong giai đoạn 05 năm (2021 - 2025) thì mọi hạn chế, nhược điểm phải được phát hiện nhanh để tháo gỡ, thay thế bằng những giải pháp tối ưu, gắn với quá trình có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện, triển khai nhiệm vụ này.
Vẫn còn thiếu kinh nghiệm, sự sát sao
Đưa ra quan điểm nội hàm phân tích về các vấn đề liên quan nêu trên, mới đây tại họp báo thường kỳ tháng 8/2023 do Bộ TT&TT tổ chức, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS Quốc gia, Bộ TT&TT đã chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện công tác này, đồng thời nhấn mạnh những ưu tiên cần đẩy mạnh, thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, hạn chế hiện nay đối với các đơn vị khi triển khai nhiệm vụ này vẫn chưa thực sự hiệu quả, kỳ vọng cao là bởi các văn bản chỉ đạo, điều hành hiện nay mặc dù đã đầy đủ tính pháp lý cơ bản, nhưng so với sự thay đổi, phát triển của các công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số hiện nay chưa tương xứng.
"Chúng ta vẫn còn những hạn chế khi triển khai, thực hiện việc mua sắm, đấu thầu phần mềm CNTT, công nghê số, và đây là một thực trạng đang diễn ra trong các đơn vị, cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước", ông Nguyễn Phú Tiến cho hay.
Các đơn vị mặc dù đã bám sát, thực hiện những yêu cầu của các văn bản quan trọng như: Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư 06/2011/TT- BTTTT ngày 28/02/2011 quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT… tuy nhiên, kết quả vẫn chưa cao, bởi lẽ các công nghệ mới đang thay đổi từng giờ nên luôn cần những yếu tố mới bổ sung, cập nhật, hoàn thiện mới.
Trong hạn chế này còn là việc các cơ quan nhà nước (CQNN) vẫn tồn tại tư tưởng e dè, né tránh trách nhiệm trong việc phê duyệt kế hoạch, triển khai dự án phát triển CNTT trong nội bộ đơn vị mình quản lý.
Cùng với đó, trong các CQNN, bộ phận cán bộ được giao trọng trách đảm nhiệm việc phát triển, triển khai, vận hành dự án CNTT còn thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức kỹ thuật, quản lý, đầu tư …
“Đặc biệt, một số lãnh đạo các cấp còn thiếu kinh nghiệm, sự sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành khi thực hiện nhiệm vụ này”, ông Nguyễn Phú Tiến đánh giá.
Cần thêm các quy định về việc kết nối
Với những hạn chế khách quan lẫn chủ quan nêu trên, ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, thời gian tới, Cục CĐS Quốc gia sẽ tích cực tham mưu, trình Bộ TT&TT các văn bản để hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng thực tế, phù hợp, đáp ứng, bắt kịp cùng tốc độ, xu hướng phát triển CNTT, đồng thời, vẫn đảm bảo tiến độ, tiến trình và nhu cầu đầu tư CNTT trong các đơn vị hiện nay.
Cục CĐS Quốc gia cũng sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan để ban hành tài liệu hướng dẫn; mở các khoá học riêng về quản lý đầu tư CNTT; lớp trực tuyến mở rộng cho nhiều đối tượng… “Cục CĐS cũng tích cực phối hợp với các đơn vị thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ này trong các đơn vị CQNN”, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Tiến, trong giai đoạn 05 năm (2021-2025), Bộ TT&TT tích cực, quyết liệt hơn ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, trọng tâm để thúc đẩy các đơn vị triển khai chương trình, chiến lược CĐS ngày càng thực chất, hiệu quả.
Cục CĐS tham mưu cho Bộ TT&TT đảm bảo chỉ đạo thúc đẩy phát triển các lĩnh vực:
Thể chế số: Hoàn thiện, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật giao dịch điện tử để trình Chính phủ ban hành (dự kiến 01/7/2024).
Hạ tầng số: Thúc đẩy các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, đặc biệt, là các quy định kết nối; Phấn đấu đảm bảo mạng cáp quang kết nối đến các hộ gia đình đạt 85%; thuê bao di động phổ cập mọi người dân đạt 90/100 dân…
Nền tảng số: Ưu tiên áp dụng, sử dụng các nền tảng số Make in Việt Nam và nhân rộng các mô hình nền tảng số đã sử dụng đạt hiệu quả.
Nhân lực số: Tăng cường cường đào tạo trên nền tảng trực tuyến để cung cấp các nội dung, kiến thức về CĐS tới toàn bộ cán bộ viên chức, công chức trong các cơ quan đơn vị.
Dữ liệu số: thúc đẩy, phát triển dữ liệu các cấp; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu các CQNN; chia sẻ dữ liệu mở rộng…
Chính phủ số: Thúc đẩy các đơn vị thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình…
Kinh tế số: Thúc đẩy phát triển các dịch vụ CNTT; thương mại điện tử; ban hành và điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp thực tiễn cũng như mục tiêu phát triển kinh tế...
Xã hội số: Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy, hỗ trợ DN, nhất là các DN công nghệ phát triển, ứng dụng các nền tảng số mới; thúc đẩy các hoạt động phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu, hưởng ứng thực hiện, áp dụng các công nghệ số giải pháp số vào cuộc sống hàng ngày; đẩy mạnh vai trò thực hiện nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng…
Như vậy, có thể nói với những quan điểm phân tích cùng những đề xuất giải pháp nêu trên, một lần nữa cho thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều điều cần phải nỗ lực, tích cực thực hiện, phấn đấu. Điều quan trọng hơn, muốn hướng đến lâu dài, bền vững, hiệu quả thì phải loại bỏ được những cản trở, nhược điểm chủ quan và khách quan; cần nhận diện, tháo gỡ, biến các thách thức, khó khăn trở thành thành cơ hội, tạo động lực thay đổi, chuyển hoá thành mục tiêu xây dựng xã hội số Việt Nam văn minh, thịnh vượng, phát triển bền vững./.