Cà Mau hướng tới xây dựng đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:44, 16/08/2023

TP. Cà Mau đã được công nhận là đô thị loại II và có những thay đổi lớn trong hơn 10 năm qua, trở nên xanh hơn và phát triển bền vững hơn, hướng tới đô thị thông minh (ĐTTM).
Chuyển đổi số

Cà Mau hướng tới xây dựng đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

TP. Cà Mau đã được công nhận là đô thị loại II và có những thay đổi lớn trong hơn 10 năm qua, trở nên xanh hơn và phát triển bền vững hơn, hướng tới đô thị thông minh (ĐTTM).

ca-mau-2.jpg
Cà Mau hướng tới xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Cà Mau đã có những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng ĐTTM. Đặc biệt, Cà Mau chú trọng quy hoạch đô thị và phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.

Xây dựng Trung tâm IOC, thúc đẩy khả năng đáp ứng nhanh của các tổ chức, đơn vị

Theo Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 22/12/2022 về thực hiện CĐS năm 2023 của tỉnh Cà Mau, tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, bao gồm các chức năng nền tảng như nền tảng giám sát, điều hành thông minh; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến.

Theo đó, dự án Trung tâm điều hành dịch vụ ĐTTM (IOC) Cà Mau đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trung tâm IOC là nơi cho phép tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu trên nhiều lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các lĩnh vực, dịch vụ thông minh thông qua hệ thống IOC.

Mục tiêu đầu tư Dự án IOC của Cà Mau nhằm triển khai thiết lập hệ thống thông tin để kết nối với các hệ thống, ứng dụng, cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ của địa phương và bên ngoài. Dữ liệu được kết nối và theo thời gian thực sẽ giúp lãnh đạo các cấp giám sát, điều hành, hỗ trợ quản lý chất lượng dịch vụ công (DVC) một cách tổng thể.

Ngoài ra, Trung tâm IOC cũng có khả năng phân tích dữ liệu lớn, cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị.

Trung tâm IOC sẽ đảm bảo tích hợp, hiển thị hình ảnh camera đầy đủ, rõ ràng phục vụ tốt cho công tác giám sát tại trung tâm điều hành, công tác phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý các vi phạm về an ninh trật tự theo quy định.

Tỉnh Cà Mau phê duyệt Trung tâm IOC nhằm thúc đẩy khả năng đáp ứng nhanh của các tổ chức, đơn vị đối với các vấn đề của địa phương. Điều này cũng nhằm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, từ đó phát triển kinh tế số và xã hội số (KTS-XHS). Dự án IOC Cà Mau sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2022 - 2024.

Ngoài ra, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác CĐS năm 2023 của Cà Mau sẽ tập trung phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển chính quyền số, KTS-XHS.

Theo đó, 100% DVC trực tuyến (DVCTT) toàn trình sẽ được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang sẽ phủ 100% xã, 100% trường học, bệnh viện và trên 70% hộ gia đình có nhu cầu. Ứng dụng dịch vụ thông tin di động được tăng cường, phấn đấu tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 75%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản và thường xuyên giao dịch thanh toán điện tử 50%.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau sử dụng thông tin giấy tờ, tài liệu được tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Theo đó, Cà Mau đẩy mạnh việc cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, đồng thời theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc sử dụng thông tin giấy tờ, tài liệu được tích hợp trên ứng dụng VNeID theo quy định.

Ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh, cảnh báo sớm thiên tai

ca-mau-1.jpg
Cà Mau sẽ số hóa và triển khai các giải pháp công nghệ để quảng bá du lịch, ứng dụng mô hình du lịch thông minh đối với các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh.

Theo Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cà Mau sẽ tổ chức triển khai hiệu quả “Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau” hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, kết nối, quảng bá…

Cụ thể, tỉnh sẽ số hóa và triển khai các giải pháp công nghệ để quảng bá du lịch, ứng dụng mô hình du lịch thông minh đối với các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh.

Dự án du lịch thông minh cũng sẽ triển khai hệ thống camera giám sát an ninh thông minh tại các địa bàn trọng điểm, từng bước đưa vào hoạt động tại các khu điểm du lịch trong tỉnh, đảm bảo hỗ trợ khách du lịch trong mọi trường hợp; cung cấp WiFi miễn phí tại các địa điểm du lịch. Các dự án về du lịch thông minh sẽ được Cà Mau triển khai từ năm 2023-2025.

Ngoài dự án về du lịch thông minh, Cà Mau cũng tiến hành triển khai hệ thống quản lý giao thông thông minh trên cơ sở số hóa hạ tầng giao thông sử dụng bản đồ số; phát triển dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải hành khách.

Công nghệ số được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn. Là vùng có địa hình thấp, sông ngòi bao quanh, vì vậy, Cà Mau chú trọng quy hoạch theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đồng thời gắn với phát triển bền vững, phát huy lợi thế đô thị biển.

Tỉnh chú trọng sử dụng công nghệ số để phát triển ĐTTM, hiện đại và thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Ứng dụng ĐTTM cho phép tìm và tạo giá trị mới từ cơ sở hạ tầng hiện có, tạo ra những nguồn doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp chính phủ và người dân tiết kiệm chi phí và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Đề án CĐS của tỉnh Cà Mau đã lên kế hoạch xây dựng và tổ chức triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉnh Cà Mau; số hoá và xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cung cấp, khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Cà Mau.

Các giải pháp thông minh sẽ được triển khai trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai./.

Đỗ Thêu