Điều kiện vận hành báo chí số và toà soạn số
Truyền thông - Ngày đăng : 15:34, 17/08/2023
Điều kiện vận hành báo chí số và toà soạn số
Chuyển đổi số (CĐS) báo chí nhằm đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sáng ngày 17/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số”.
Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng công nghệ trên thế giới, xu thế tất yếu hình thành những mô hình về tòa soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng; thảo luận về những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam.
Xây dựng tòa soạn số tại các cơ quan báo chí truyền thông
Tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
"Nếu xây dựng được tòa soạn số, chúng ta sẽ tận dụng được những lợi thế về mặt công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện các hoạt động báo chí. Tăng cường sức gắn kết với bạn đọc, có quy trình cải tiến về công nghệ, hoạt động của tòa soạn sẽ được rút ngắn thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn việc phân tích, quản lý dữ liệu", TS. Trần Quang Diệu cho hay.
Cũng theo TS. Trần Quang Diệu, “CĐS báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. CĐS báo chí cũng nhằm đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới. Đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của nền báo chí cách mạng Việt Nam”.
TS. Trần Quang Diệu cũng cho biết, CĐS báo chí truyền thông cần tập trung bám sát quy hoạch báo chí 2019 và Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình hội tụ, đặc biệt là tòa soạn số tại các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan báo chí trọng điểm như Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN); Đài truyền hình Việt Nam (VTV); Đài tiếng nói Việt Nam (VOV); Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… làm nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung. Hội tụ công nghệ và nội dung hướng tới việc tập trung cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông và sự kết hợp các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp một nền tảng thống nhất tại cơ quan báo chí truyền thông từ chức năng, phương thức phát hành, quyền sở hữu, hình thái tổ chức…
TS. Trần Quang Diệu lý giải: Tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng CNTT trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng và độc giả.
"Hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số”, TS. Trần Quang Diệu chia sẻ.
Điều kiện vận hành báo chí số và toà soạn số
PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, điều kiện để thực thi báo chí số là có một toà soạn số đặt trong một hệ sinh thái số và nguồn nhân lực có năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí số.
Các cơ quan báo chí cần hướng đến hệ sinh thái số để phát triển tốt nghiệp vụ báo chí số. Hệ sinh thái số và hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện được xây dựng trên cơ sở phối hợp 5 thành phần: Phần cứng (hardward), phần mềm (software), mạng lưới (network), các dịch vụ (services), nội dung (content).
Trong đó, Phần cứng, bao gồm: Trang thiết bị liên lạc; Phần cứng máy tính; Điện tử dân dụng; Nhà sản xuất thiết bị điện tử; Dịch vụ sản xuất và linh kiện điện tử; Thiết bị mạng; Thiết bị di động (cầm tay); Điện tử văn phòng; Chất bán dẫn…
Phần mềm, bao gồm: Phần mềm ứng dụng (như ERP, CRM, SCM, SaaS…); Phần mềm cơ sở hạ tầng (Vitualization, DBMS), phần mềm hệ thống (bao gồm OS và các phần mềm trung gian); Cổng và nền tảng Internet.
Mạng lưới, bao gồm: Nhà cung cấp dịch vụ thay thế; Cáp; Vệ tinh và băng thông rộng; Mạng có dây (Wireline): Mạng không dây (Wireless); Dịch vụ viễn thông tích hợp.
Các dịch vụ, bao gồm: Dịch vụ thương mại đa dạng và chuyên nghiệp; Dịch vụ tư vấn và hộ trợ công nghệ thông tin; Dịch vụ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm cả IaaS).
Nội dung, bao gồm: Quảng cáo, Phim ảnh và giải trí; Xuất bản, thông tin và báo chí
“Điều kiện quan trọng hơn là các nền tảng, công cụ số đi kèm với nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công cụ số và nền tảng số ấy. Đây là những vấn đề cốt yếu với cơ quan báo chí trong chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống sang báo chí số hiện nay”, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức, video tự động dựa trên từ khoá, TS. Trần Tiến Công - Khoa CNTT, Học viện Công nghệ BCVT cho biết: Chúng ta có thể sử dụng công nghệ tạo sinh văn bản tự động như: Chat GPT, LlaMa, Bard,… hoặc có thể sử dụng công nghệ tạo sinh ảnh tự động Midjourney, Canva, Picsart.
Chúng ta cũng có thể sử dụng kết hợp những công nghệ tạo sinh văn bản và ảnh tự động này để tạo ra những video phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian sinh tạo nội dung văn bản, ảnh và video…
Bên cạnh việc khẳng định những lợi thế trong việc áp dụng công nghệ AI, blockchain, tại Hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, việc sử dụng công nghệ báo chí tự động mà không có sự kiểm soát sẽ gây ra sự “hỗn loạn”. Vì công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, nếu áp dụng, sử dụng công nghệ không hợp lý thì công nghệ đó chỉ mang tính trình diễn. Do đó, cần có lộ trình CĐS cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các cơ quan báo chí./.