Ứng dụng công nghệ giúp DN tối ưu chi phí, xanh hoá tổ chức
Kinh tế số - Ngày đăng : 05:50, 18/08/2023
Ứng dụng công nghệ giúp DN tối ưu chi phí, xanh hoá tổ chức
Doanh nghiệp (DN) sản xuất nên áp dụng công nghệ để tinh gọn vận hành, tối ưu chi phí và xanh hóa tổ chức. Qua đó tại lợi thế cạnh tranh bền vững và tăng trưởng cân đối giữa ngắn hạn và dài hạn.
Xanh hóa và số hóa là xu thế bắt buộc
Tham luận lại hội thảo “Xanh hóa và số hóa sản xuất: Lợi thế cạnh tranh bền vững cho DN trọng điểm miền Trung” vừa được Base.vn và SGS Việt Nam đồng tổ chức, ông Tô Thanh Sơn, GHG/ESG Product Manager của SGS Việt Nam cho biết: “Xu hướng chuyển đổi xanh đòi hỏi DN sản xuất liên tục tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới và đạt chuẩn quốc tế, áp dụng công nghệ để thích ứng với bối cảnh. Về mặt pháp lý, chuyển đổi mô hình tổ chức từ “nâu” sang “xanh” vì mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm bắt buộc với mọi DN”.
Các chuyên gia nhận định ngành sản xuất muốn tăng trưởng cần đảm bảo chặt chẽ tiêu chí dựa trên cơ sở ESG (Environment – môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị DN) đúng với quy định của pháp luật. Theo đó, triển khai các kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và quản trị bền vững là yêu cầu mà khách hàng của DN sản xuất đặt ra.
“Trong 5 năm tới, các yêu cầu về sản xuất xanh và bền vững từ các thị trường nhập khẩu lớn sẽ ngày càng cao. Nếu không triển khai ESG sớm, nhà sản xuất sẽ không thể kịp thời đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường”, ông Tô Thanh Sơn nhận định.
Thực tế các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới - những khách hàng của ngành dệt may Việt Nam đang dần ưu tiên đặt hàng từ các nhà sản xuất đáp ứng điều kiện như sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu tái chế, không chứa chất độc hại trong sản phẩm. Vì vậy, chuyển đổi xanh là bắt buộc để DN giữ được vị trí, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Xanh hóa tổ chức nhờ đòn bẩy công nghệ
Ông Trương Bạch Dương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực miền Trung Base.vn cho biết thực trạng DN tập trung nhiều vào cải tiến công nghệ sản xuất, đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản xuất, giảm tải carbon nhưng chưa chú trọng đến tinh gọn vận hành, xanh hóa tổ chức.
Bằng chứng là nhiều DN có nhà máy rất “xanh” nhưng vận hành bằng bộ máy cồng kềnh, thiếu tính hệ thống. Quy trình phối hợp và tương tác giữa các bộ phận thường xuyên bị đứt gãy do xử lý thủ công trên các công cụ truyền thống, tiêu tốn giấy tờ bản cứng.
Theo ông Dương, việc chỉ đầu tư cải tiến sản xuất có thể giúp DN giải quyết bài toán tăng doanh thu trước mắt, nhưng nội bộ thường rơi vào tình trạng quá tải, dễ xảy ra sai sót hoặc lãnh đạo chậm trễ trong việc ra quyết định. Sự chênh lệch giữa hai cán cân sản xuất và vận hành kéo theo hệ quả là tăng chi phí ẩn trong tổ chức, lãng phí nguồn lực sẵn có và gặp khó khăn khi mở rộng quy mô sản xuất.
“DN sản xuất nên áp dụng công nghệ để tinh gọn vận hành, tối ưu chi phí và xanh hóa tổ chức. Đây có thể được coi là bước chuyển mình tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, làm đòn bẩy xây dựng chiến lược tăng trưởng cân đối giữa ngắn hạn và dài hạn”, ông Trương Bạch Dương gợi ý.
Nhiều nhà sản xuất đã xây dựng văn phòng “không giấy tờ” với mọi quy trình, văn bản được xử lý trên nền tảng số để giải quyết các bài toán vận hành trọng tâm về chất lượng sản xuất, doanh thu - chi phí, tiến độ - giao hàng và quản trị con người, đồng thời đảm bảo 3 “hơn”: nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả thống nhất quan điểm rằng chuyển đổi xanh sản xuất đòi hỏi một lộ trình đầu tư dài hạn. Trong đó, số hóa hệ thống vận hành DN nên là bước đầu tiên giúp giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho, thất thoát trong vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu sự cố khi sản xuất./.