Chuyển đổi số - cầu nối đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân Thủ đô

Truyền thông - Ngày đăng : 06:38, 18/08/2023

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) giúp chính quyền Hà Nội đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Truyền thông

Chuyển đổi số - cầu nối đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân Thủ đô

Đỗ Thêu 18/08/2023 06:38

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) giúp chính quyền Hà Nội đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.

anh-43.2.jpg
Các cấp chính quyền Hà Nội đa dạng hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố cho biết, từ đầu năm tới nay, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, công tác PBGDPL trên địa bàn bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố luôn chủ động, sáng tạo, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, phổ biến thực tiễn chấp hành pháp luật, chính sách mới liên quan tới các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ đô xoay quanh một số nội dung như: Đề án 06 của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 4, phòng, chống dịch bệnh, giao thông, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, chính quyền đô thị, CĐS, môi trường, trật tự an toàn xã hội...

Trên thực tế, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai, thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, ngày càng thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tham gia.

Điều đáng nói, các cấp chính Hà Nội đã đẩy mạnh CĐS, sử dụng nhiều ứng dụng mới theo phương thức hiện đại như: Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, chuyển tải dưới inforghapic, video điện tử, fanpage, màn hình Led, qua thiết bị điện tử tại nhà chung cư, khu đô thị, tin nhắn điện tử, thư điện tử... qua đó tiết kiệm được nguồn lực, chi phí và tăng tính hiệu quả cho công tác tuyên truyền PBGDPL tới người dân.

Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã thực hiện tốt vai trò tham mưu. Nhiều đơn vị sở, ban, ngành thành phố đã tích cực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô thực hiện tốt kỷ cương hành chính và chấp hành pháp luật. Người dân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, pháp luật về giao thông, pháp luật về PCCC và tích cực triển khai thực hiện Đề án số 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Những kết quả tích cực

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, công tác PBGDPL tại Thủ đô đã thu về nhiều kết quả tính cực.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố tăng 4,88% (86,40%) so với cùng kỳ năm 2022 (81,52%). Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương.

Số vụ việc phát sinh tiếp nhận hòa giải tiếp tục giảm 1.639 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022 (1.942 vụ việc). Đã có 556/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,03%. Nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.

Theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, những năm qua, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản triển khai công tác truyền thông chính sách trên địa bàn. Thường xuyên hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương tích cực tuyên truyền PBGDPL.

Qua đó, công tác truyền thông chính sách của TP Hà Nội đã được thực hiện chủ động, công khai, minh bạch, có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, tạo đồng thuận trong xã hội.

anh-43.1.jpg
Các cấp chính quyền Hà Nội đa dạng hình thức tuyên truyền PBGDPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trên tiền đề những kết quả đạt được, trọng tâm từ nay tới cuối năm 2023, Hội đồng PBGDPL thành phố tập trung tăng cường tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của Hội đồng trong việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố về công tác PBGDPL.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án PBGDPL được Trung ương và thành phố ban hành. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong tuyên truyền PBGDPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân./.

Đỗ Thêu