Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số

Truyền thông - Ngày đăng : 08:36, 18/08/2023

Tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) báo chí ở Việt Nam hiện nay là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, mạnh.
Truyền thông

Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số

Bình Minh {Ngày xuất bản}

Tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) báo chí ở Việt Nam hiện nay là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, mạnh.

Đây cũng là nội dung được tập trung thảo luận tại phiên 1 Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) tổ chức ngày 17/8, tại Hà Nội.

Tại phiên 1 về giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số, các tham luận của diễn giả là các chuyên gia công nghệ thu hút nhiều sự quan tâm như: “Toà soạn số trong bối cảnh CĐS báo chí ở Việt Nam hiện nay” của TS. Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; “Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản trị toà soạn số” của TS. Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC, Trưởng phòng lab blockchain - PTIT; “Ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa” của TS. Trần Tiến Công - Khoa CNTT, PTIT.

CĐS báo chí là vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ

Theo TS. Trần Quang Diệu, thực hiện CĐS các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, đây cũng là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.

Do đó, ông Diệu cho rằng, CĐS báo chí truyền thông cần tập trung vào bám sát Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/04/2023 phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Cụ thể, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đó chính là việc đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

1(1).png
Mô hình tòa soạn hội tụ. Ảnh: TS. Trần Quang Diệu

Từ việc xây dựng mô hình hội tụ tại các cơ quan báo chí trọng điểm (Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam…), sẽ là nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của cơ quan, đơn vị mình.

2.jpg
TS. Trần Quang Diệu trình bài tham luận. Ảnh: Bình Minh

Trên cơ sở tòa soạn số, cần phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Do đó, có thể phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện (viết, nghe, nhìn, trực tuyến) và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn (nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh) trên một sản phẩm báo chí. Đồng thời, phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số.

Để thực thi tốt hoạt động của tòa soạn số, theo TS. Trần Quang Diệu, các cơ quan hữu quan cần quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chuyên ngành báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ ĐH và các hệ sau ĐH. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác, bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại.

Blockchain giúp ngăn chặn việc vi phạm bản quyền

Về ứng dụng công nghệ blockchain trong tòa soạn, TS. Đặng Minh Tuấn chia sẻ, blockchain có vai trò quan trọng trong CĐS. Trong đó, ứng dụng blockchain trong tòa soạn được thể hiện qua các nội dung, gồm: Xác thực nội dung; quản lý quyền sở hữu; giao dịch quảng cáo và đối tác; theo dõi sự phân phối và tiếp thị.

Theo đó, blockchain có thể được sử dụng để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và đảm bảo rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố. Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung.

3.jpg
TS. Đặng Minh Tuấn: blockchain có thể được sử dụng để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí. (Ảnh: Bình Minh)

Bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản và quyền sở hữu trên blockchain, tòa soạn có thể bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền và tranh chấp liên quan đến sở hữu.

Mặt khác, blockchain cung cấp một cơ chế an toàn và minh bạch để quản lý giao dịch quảng cáo và đối tác; cho phép tòa soạn theo dõi quy trình phân phối và tiếp thị báo chí một cách minh bạch; cung cấp thông tin về số lượng bản sao được in, gửi đi, bán ra và tiếp cận độc giả…

Ngoài ra, TS. Đặng Minh Tuấn còn giới thiệu, thuyết trình về một số nội dung liên quan đến viện ứng dụng blockchain trong tòa soạn, như: Ứng dụng hợp đồng thông minh (smart contract) trong tòa soạn; ứng dụng NFTs trong tòa soạn; ứng dụng Web3 trong tòa soạn.

AI - xu hướng của báo chí hiện đại

Tham luận về “Ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa” của TS. Trần Tiến Công - PTIT cho hay, giải pháp ứng dụng công nghệ AI tiên tiến để xây dựng quá trình sinh tự động tin tức được xây dựng trên nền web. Phần mềm này nhận vào từ khóa và sinh ra một bài báo đầy đủ tiêu đề, nội dung, hình ảnh, chú thích của ảnh và video bản tin. Phần mềm này bao gồm những module chính.

Sau khi nhập từ khóa, hệ thống gọi API (Application Programming Interface) sinh văn bản (text) để tạo bài báo và chú thích. Module này còn bao gồm chức năng tạo chú thích ảnh từ từ khóa (key word).

Tiếp theo, khi nhập từ khóa, hệ thống gọi API để tạo ảnh. Sau khi hoàn tất sinh ảnh và text thì hệ thống gọi API đưa nội dung bài báo vào video. Nội dung bài báo được tạo ở module tạo bài báo từ từ khoá. Video có avatar AI nói những gì có trong bài báo bằng tiếng Việt thành 1 bản tin sử dụng công nghệ lipsync (nhép môi).

Ngoài ra, một module chỉnh sửa khuôn mặt dựa vào công nghệ deepfake cho phép thay avatar AI bởi bất cứ khuôn mặt nào chỉ bằng 01 ảnh chụp.

Đáng chú ý, TS. Trần Tiến Công cho biết, PTIT đã nghiên cứu phát triển và cho ra đời một phần mềm tiên tiến nhằm hỗ trợ quá trình sản xuất nội dung tin tức và video tự động, dựa trên việc phân tích và sử dụng từ khóa. Sản phẩm này đại diện cho một bước tiến quan trọng trong việc tự động hóa quy trình sản xuất nội dung truyền thông, giúp tối ưu hóa việc tạo ra nội dung chất lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Phần mềm này có khả năng tự động tạo ra các đoạn văn bản và video dựa trên từ khóa cụ thể, đồng thời tối ưu hóa sự tương thích với mục tiêu và ngữ cảnh cụ thể của mỗi bài viết hoặc video.

Mặc dù, sản phẩm này mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực truyền thông và tiếp thị, cho phép các tổ chức và cá nhân tận dụng hiệu quả sức mạnh của tự động hóa để tạo ra nội dung hấp dẫn và ảnh hưởng. Tuy nhiên, TS. Trần Tiến Công cũng lưu ý rằng, việc tự động tạo ra nội dung vẫn cần sự giám sát và can thiệp của con người để đảm bảo tính chính xác, thông tin chính thống và không gây hiểu lầm cho người tiêu thụ nội dung.

Có thể thấy, các tham luận nêu trên của 3 diễn giả có ý nghĩa rất quan trọng trong mảng CĐS ở lĩnh vực báo chí truyền thông. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí được đưa ra là một trong những nội dung có tính quyết định trong việc góp phần đưa nền báo chí nước nhà bắt kịp xu hướng của báo chí hiện đại trên thế giới./.

Bình Minh