Thế mạnh của PTIT trong đào tạo ngành học báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 13:41, 25/08/2023

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang dịch chuyển, đưa hàm lượng công nghệ vào đào tạo sinh viên báo chí theo định hướng báo chí số để phát huy được thế mạnh của PTIT.
Truyền thông

Thế mạnh của PTIT trong đào tạo ngành học báo chí

Bình Minh 25/08/2023 13:41

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang dịch chuyển, đưa hàm lượng công nghệ vào đào tạo sinh viên báo chí theo định hướng báo chí số để phát huy được thế mạnh của PTIT.

Từ năm học 2022 - 2023, PTIT tuyển sinh 17 ngành đào tạo, trong đó có những ngành đào tạo hoàn toàn mới, đáp ứng chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số.

Đáng chú ý, trong 17 ngành/nhóm ngành này, có các nhóm ngành học mới: Khoa học máy tính, công nghệ Internet vạn vật (IoT), mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chương trình kỹ thuật dữ liệu), công nghệ thông tin hướng ứng dụng và báo chí.

Đối với ngành học báo chí, mục tiêu của chương trình đào tạo của Học viện nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ Đại học (ĐH) ngành báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức, kỹ năng về báo chí, công nghệ số và quản trị dữ liệu nội dung, có năng lực thích ứng nhanh với các môi trường làm việc khác nhau trong bối cảnh công nghệ số liên tục thay đổi.

Chương trình đào tạo ngành học báo chí của PTIT được thiết kế dựa trên các tiêu chí gồm: tận dụng tối đa "chất xám công nghệ", cân bằng giữa lý thuyết và thực hành - định hướng công nghệ trong lĩnh vực báo chí số; phát huy lợi thế đi đầu trong đào tạo nhân lực ngành báo chí tại Việt Nam theo định hướng công nghệ; đào tạo nhân lực ngành báo chí có năng lực làm chủ động công nghệ, có khả năng học tập và bám sát những thay đổi của công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh với các cơ quan báo chí và các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ TT&TT theo tinh thần Bộ TT&TT là bộ vừa quản lý báo chí, vừa là bộ công nghệ. Vì vậy, không thể phát triển báo chí mà không gắn với phát triển công nghệ.

Nhìn nhận từ góc độ cá nhân nghiên cứu và đào tạo, TS. Lê Vũ Điệp, Bộ môn báo chí, Khoa Đa phương tiện - PTIT cho rằng, định hướng trên của người đứng đầu ngành TT&TT là đúng đắn. Bởi vì, Bộ TT&TT là Bộ đi đầu trong quản lý TT&TT.

Do đó, trước bối cảnh phát triển công nghệ thông tin như ngày nay đang tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực TT&TT thì đương nhiên, việc đào tạo báo chí truyền thông phải gắn với công nghệ. Đây chính là điều kiện tiên quyết. Có vậy, báo chí mới theo kịp được những tiến bộ ngày nay dựa trên ứng dụng về công nghệ.

sv-bao-chi-ptit-tham-quan-vov.png
Sinh viên báo chí PTIT đi thực tế tại VOV

TS. Lê Vũ Điệp dẫn chứng cụ thể từ chương trình đào tạo báo chí hiện nay của Học viện cũng đã bám sát với quan điểm này. Toàn bộ nội dung học tập của sinh viên báo chí PTIT được thiết kế dựa trên tinh thần gắn kết giữa nội dung báo chí và công nghệ.

Ví dụ, các sinh viên PTIT được học các học phần về trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng về dữ liệu, thiết kế số, quản trị số, các ứng dụng phân tích, đánh giá trên nền tảng xã hội.

z4633442585569_402d8a944b5a3844cb41a3cf62f324d6.jpg
TS. Lê Vũ Điệp: Toàn bộ nội dung học tập của sinh viên báo chí được thiết kế dựa trên tinh thần gắn kết giữa nội dung báo chí và các hàm lượng về công nghệ.

Trên thực tế, việc mở các ngành học mới từ năm học 2022 của Học viện không nằm ngoài mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng chiến lược CĐS quốc gia và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số.

Tâm đắc với nội dung này, TS. Lê Vũ Điệp chia sẻ, vì Học viện là một cơ sở đào tạo có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Do đó, khi Học viện mở ngành đào tạo về báo chí số thì có lợi thế khác biệt so với các cơ sở đào tạo báo chí truyền thống.

Tất nhiên, mỗi đơn vị đào tạo sẽ có một thế mạnh riêng. Đối với Học viện Công nghệ BCVT đã có một bề dày về đào tạo sinh viên lĩnh vực ICT thì hiện nay, Học viện dịch chuyển, đưa hàm lượng công nghệ nhất định vào đào tạo cho sinh viên báo chí theo định hướng báo chí số là hoàn toàn phù hợp và sẽ phát huy được thế mạnh của Học viện”, TS. Lê Vũ Điệp nhấn mạnh.

Phát huy lợi thế đào tạo báo chí của PTIT

3-12.jpg
Giám đốc PTIT Đặng Hoài Bắc: Việc hội tụ cả hoạt động đào tạo nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực truyền thông báo chí đã giúp Học viện có những lợi thế nhất định

Cũng đề cập về đào tạo ngành học báo chí tại PTIT, tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với PTIT tổ chức mới đây, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện chia sẻ: “Việc hội tụ cả hoạt động đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực truyền thông báo chí đã giúp Học viện có những lợi thế nhất định trong mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng trong toàn quốc".

Hiện tại, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc cũng cho biết Học viện đã có những sản phẩm lai ghép nghiên cứu về lĩnh vực báo chí có ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa. Ví dụ như các công nghệ AI, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR, AR),… Ngoài ra, Học viện cũng có giải pháp lắng nghe mạng xã hội (social listening), phục vụ cho các hoạt động quản trị truyền thông của đơn vị và các khách hàng có nhu cầu./.

Bình Minh