Vi phạm thanh toán cước truy nhập Internet ADSL/FTTH, khách hàng sẽ bị từ chối dịch vụ
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 18:16, 29/08/2023
Vi phạm thanh toán cước truy nhập Internet ADSL/FTTH, khách hàng sẽ bị từ chối dịch vụ
10 doanh nghiệp (DN) viễn thông đã ký kết thỏa thuận từ chối dịch vụ đối với khách hàng vi phạm thanh toán cước truy nhập Internet ADSL/FTTH.
Chiều ngày 29/8/2023, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã tổ chức ký kết thỏa thuận với 10 doanh nghiệp (DN) viễn thông về việc từ chối dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH. 10 DN viễn thông tham gia ký két gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom.
Theo nội dung thỏa thuận, các bên thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.
Các bên thống nhất chuyển dữ liệu khách hàng vi phạm của DN mình tới Hệ thống lưu trữ và hỗ trợ truy vấn khách hàng vi phạm được đặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ - Cục Viễn thông. Hệ thống này là trung gian để lưu trữ và hỗ trợ cho các DN cung cấp dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH truy vấn khách hàng vi phạm.
Các bên thống nhất cùng xây dựng hệ thống kỹ thuật và các quy trình; thực hiện cập nhật thông tin về khách hàng vi phạm lên hệ thống với các thông tin theo quy trình nghiệp vụ phối hợp.
Các bên cũng thống nhất hệ thống sẽ được các bên kiểm tra, đánh giá, xác nhận mức độ an toàn, bảo mật, quy trình an toàn khai thác trước khi đưa vào vận hành và cùng chi trả các chi phí thuê hạ tầng, thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống.
Cục Viễn thông là đơn vị chủ trì tổ chức, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các nội dung thỏa thuận. Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức đoàn công tác gồm đại diện Cục Viễn thông và các DN viễn thông để kiểm tra việc thực hiện thỏa thuận này.
Trong thời gian thử nghiệm từ khi thỏa thuận được các bên ký kết đến hết ngày 31/12/2023, các DN viễn thông và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Mạng và Dịch vụ tự đảm bảo các nguồn lực để triển khai thỏa thuận. Khi Hệ thống chính thức hoạt động, các DN viễn thông và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Mạng và Dịch vụ sẽ thực hiện đàm phán, thống nhất và giao kết hợp đồng trả chi phí thiết lập, duy trì và quản lý, khai thác Hệ thống theo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý.
Các DN viễn thông và Bộ TT&TT tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Thỏa thuận tới các khách hàng sử dụng dịch vụ truy nhập Intenet ADSL/FTTH.
Kết thúc thời gian thử nghiệm, Cục Viễn thông chủ trì cùng các DN viễn thông tiến hành sơ kết, đánh giá, đề xuất, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện Thoả thuận; hoàn thiện Hệ thống và các quy trình đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực, hiệu quả cho việc triển khai chính thức.
Phát hiện thuê bao nợ cước, kiên quyết không phát triển thuê bao trong tập khách hàng này
Chia sẻ về việc ký kết thoả thuận hợp tác này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết trong Luật Viễn thông quy định rõ việc các DN được chia sẻ với nhau thông tin về thuê bao nợ cước nhằm thực hiện việc thu hộ hoặc giảm thiểu thuê bao nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh có 40 DN cung cấp dịch vụ ADSL/FTTH tới hộ gia đình, chúng ta không thể chia sẻ song phương được mà cần có cam kết đa phương. Đây là lý do dẫn đến thỏa thuận ban đầu giữa các DN.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết tỷ lệ nợ cước từ xưa đến nay giữa các DN chưa được triển khai cụ thể, mặc dù đã có quy định. Đây là công tác thực thi, thể hiện các quy định trong Luật Viễn thông.
Thứ ba, đây là nhu cầu thực tế, khi các DN phát triển thuê bao, họ gặp vấn đề thuê bao nợ cước, sau đó chuyển sang nhà mạng khác sử dụng, mà không có chế tài cụ thể với các thuê bao đó. Đây cũng là một nội dung cần thực hiện nghiêm túc để các thuê bao có trách nhiệm trong quá trình sử dụng dịch vụ viễn thông.
Nội dung chính của thỏa thuận này là cung cấp CSDL thuê bao nợ cước để các DN có thể truy vấn xem thuê bao nào đang nợ cước, đồng thời không phát triển thuê bao trên tập danh sách nợ cước đó.
Để làm tốt việc này, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh: “Các DN cần có truyền thông tới người sử dụng. Thứ hai là thực hiện nghiêm túc, khi phát hiện thuê bao nợ cước, kiên quyết không phát triển thuê bao trong tập khách hàng này. Thỏa thuận này cũng đảm bảo việc người sử dụng dịch vụ viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định, hợp đồng đã ký kết với các nhà mạng”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phong Nhã, các nhà mạng sẽ có cơ hội để không bị thất thoát doanh thu cho nợ cước, đảm bảo khi thuê bao chuyển sang nhà mạng khác, các sợi cáp nối tới thuê bao không còn là rác thải “trên trời” nữa. “Điều này sẽ làm cho hạ tầng viễn thông Việt Nam được gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo nhà mạng có cơ hội phát triển thuê bao, cung cấp thêm dịch vụ mới trên nền mạng FTTH”.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh là đơn vị này khuyến khích các DN viễn thông còn lại chưa tham gia MoU chủ động tham gia và hy vọng sau thời gian thử nghiệm tỷ lệ nợ xấu của các nhà mạng giảm xuống, chất lượng đường FTTH tăng lên, tốc độ cao hơn và có nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền FTTH khi đầu tư ổn định, giảm rác thải.
Tại Lễ ký kết, 10 DN viễn thông tham gia hợp tác này đã đồng thuận cao với chủ trương này của cơ quan nhà nước về viễn thông. Bà Trần Thanh Thuỷ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết nhà mạng này sở hữu một số lượng thuê bao ADSL/FTTH lớn và đã mong mong muốn hợp tác này từ lâu rồi.
“Thực trạng nợ cước là một thực trạng nhức nhối. Việc phát triển thuê bao cần hài hoà các lợi ích khách hàng, DN và Nhà nước. Theo đó, cần có sự đồng thuận của nhà mạng để đạt được sự văn kinh doanh và thị trường lành mạnh. VNPT mong đây là bước đầu thử nghiệm và tiến tới được mở rộng, và không chỉ dừng lại ở dịch vụ Internet mà các dịch vụ viễn thông khác”, bà Trần Thanh Thủy cho hay.
Đại diện VNPT cũng cam kết thực hiện nghiêm túc thực hiện các nội dung trong thoả thuận; Sẵn sàng thử nghiệm cùng các nhà mạng để đưa ra đề xuất trong quá trình triển khai và thực hiện hiệu quả. Với sự vào cuộc của Cục Viễn thông sẽ siết lại thị trường đảm bảo thị trường viễn thông - CNTT phát triển lành mạnh.
Trong khi đó, ông Phan Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết việc việc ký kết thoả thuận là bước đầu, tiếp theo là xây dựng các hệ thống, quy trình, CSDL để đảm bảo mật an toàn dữ liệu nói chung. Quan trọng nhất để thực thi là cần sự giảm sát của Cục Viễn thông.
Theo Cục Viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm các quy định về nghĩa vụ thanh toán giá cước (gọi chung là “Khách hàng vi phạm”) là các khách hàng cá nhân đã ký kết hợp đồng và/hoặc đăng ký sử dụng các dịch vụ viễn thông với DN viễn thông nhưng không thực hiện đúng các quy định về nghĩa vụ thanh toán giá cước viễn thông theo quy định tại hợp đồng và/hoặc các tài liệu quy định về điều khoản sử dụng dịch vụ viễn thông.
CSDL khách hàng về khách hàng vi phạm là hệ thống lưu trữ thông tin dữ liệu về các khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước được thiết lập và sử dụng phục vụ cho mục đích tra cứu thông tin trong quá trình ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông./.