Phát triển kinh tế số tập trung công nghiệp ICT và kinh tế số ngành

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:59, 31/08/2023

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Phát triển kinh tế số (KTS) bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển KTS ngành.
Diễn đàn

Phát triển kinh tế số tập trung công nghiệp ICT và kinh tế số ngành

Hoàng Linh 31/08/2023 07:59

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Phát triển kinh tế số (KTS) bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển KTS ngành.

Ngày 30/8/2023, tại Trụ sở Bộ TT&TT, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề ‘Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực’.

phien-hop-kts-30082023(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên họp

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS chủ trì Phiên họp đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của KTS là một trong ba trụ cột của CĐS, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

KTS là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế

Chiến lược quốc gia về phát triển KTS, xã hội số (XHS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu KTS chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025, theo đó, ước tính KTS phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Theo đó, tại phiên họp một số địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã thảo luận và đưa ra các giải pháp. Theo đó, phiên họp nhấn mạnh KTS là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ. Các hoạt động KTS diễn ra trên không gian mạng sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý trong không gian thực. Và vì vậy, KTS còn là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Phát triển KTS với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ CĐS ngành, lĩnh vực. Việt Nam cần tìm ra các không gian phát triển mới trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.

Phiên họp đã thảo luận về không gian phát triển KTS trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch; (3) Nông nghiệp; (4) Logistics và (5) Dệt may.

KTS là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, phát triển KTS. Dùng chung thì triển khai nhanh. Dùng chung thì chi phí thấp. Dùng chung sẽ không gặp vấn đề kết nối, liên thông. Dùng chung thì dữ liệu tập trung. Chỉ có dữ liệu tập trung mới hình thành dữ liệu lớn, tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới.

Cách tiếp cận 04 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm:

(1) Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng DN công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng;

(2) Bộ TT&TT là cầu nối chia sẻ để DN tiếp cận được tới các bài toán;

(3) DN nền tảng (DN nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam và

(4) Địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho DN phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số.

Cách tiếp cận hệ sinh thái, Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các DN thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình CĐS thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực.

KTS bao gồm các hoạt động diễn ra trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi. Việc đo lường KTS nói chung và đo lường kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực là nhiệm vụ khó khăn, thách thức không chỉ ở Việt Nam mà với các quốc gia phát triển trên thế giới. Số liệu chính thức về tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam là do Bộ KH&ĐT (Tổng cục thống kê) công bố.

Xét thấy vai trò động lực quan trọng của CĐS, KTS với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013), để có cơ sở dự báo xu hướng, đánh giá tác động của chính sách đối với sự tăng trưởng KTS, trong thời gian Tổng cục thống kê chưa chính thức công bố, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) - Bộ TT&TT nghiên cứu phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về KTS.

Về thể chế, Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số. Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử, Bộ TT&TT xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số, quy định trách nhiệm của chủ quản nền tảng trong kết nối phục vụ đo lường, giám sát trực tuyến để phát hiện sớm sai phạm, góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia.

Tiếp đó là thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tại các địa phương, đặc biệt là 11 tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.

Việc thúc đẩy được thực hiện bằng các biện pháp chỉ đạo DN xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành các gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, các cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi v.v); tăng cường triển khai thực thi Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 30/12/2020 ban hành quy chuẩn thiết bị đầu cuối di động yêu cầu phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng.

Cụ thể: (i) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, lưu thông các máy điện thoại 2G Only, 3G Only; (ii) Triển khai giải pháp ngăn chặn máy 2G Only, 3G Only (không tuân thủ Quy chuẩn QCVN 117:2020/BTTTT) kết nối vào mạng viễn thông di động và triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Giải pháp tiếp theo là mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu (TTDL) lớn vùng và một Trung tâm CĐS vùng, tập trung các DNsố, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về CĐS để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng.

Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm phân công thành viên thiết lập danh mục thống nhất các tài nguyên dữ liệu công cộng cần thu thập dữ liệu; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng với TTDL lớn toàn vùng để thúc đẩy kết nối dữ liệu công cộng và các hệ thống kinh doanh liên quan; mở nhiều bộ dữ liệu công khai cho xã hội; khuyến khích các đơn vị, cá nhân công khai dữ liệu ngoài công lập theo quy định của pháp luật, đồng thời thúc đẩy tích hợp và đổi mới dữ liệu.

Phát triển KTS bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển KTS ngành

bo-truong-nguyen-manh-hung-30082023(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: KTS đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng và trở thành động lực chính để phát triển kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “KTS đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng và trở thành động lực chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong và sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra”.

Bộ trưởng cho rằng: Phát triển KTS bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển KTS ngành. Về lâu dài, KTS ngành sẽ là chính. “Việt Nam cần thúc đẩy CĐS để tạo ra KTS trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.

Bộ trưởng nhận định: “CĐS, phát triển KTS là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Bởi vậy, đặc điểm dân tộc, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành là yếu tố quyết định. Bài toán Việt Nam thì tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác, chúng ta sẽ mãi là người theo sau.

Theo Bộ trưởng, một lý luận về CĐS, phát triển KTS Việt Nam là có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.

Nói ý này, Bộ trưởng cho rằng để có niềm tin là Việt Nam có giá trị Việt Nam, để nói đến việc ứng dụng vào ngữ cảnh Việt Nam là điều quan trọng.

Để phát triển KTS, Bộ trưởng cho rằng chúng ta nên có một hình dung về nó. “KTS theo nghĩa rộng là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được nâng cao đáng kể bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số”.

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam muốn thành công cái gì thì phải cách mạng toàn dân. Cho nên mình mới có chiến tranh nhân dân, rất độc đáo. Chính chiến tranh nhân dân đó đã giúp Việt Nam thắng bất kỳ kẻ thù nào. Muốn như thế, chúng ta phải có hình dung mang nghĩa rộng, để ai cũng có thể làm được.

Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta dùng một sản phẩm số là chúng ta đã góp phần tạo nên KTS. Chúng ta mua sắm online là chúng ta đã tham gia KTS. Chúng ta sử dụng hạ tầng mạng viễn thông trong làm ăn, công việc là chúng ta tham gia KTS. Chúng ta sử dụng thể chế số để thay đổi việc vận hành trong nội bộ DN, đấy là chúng ta làm KTS. Chúng ta có kỹ năng số để chúng ta sử dụng các phần mềm số trong công việc, trong học tập, đấy là KTS”.

Bộ trưởng cũng nhận định: KTS được đặc trưng bởi giao dịch online, thế giới ảo không giấy tờ, không tiền mặt, mọi DN đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra công việc mới. Mọi giao dịch đều là điện tử, tích hợp, liên thông, an toàn từ đăng ký kinh doanh đến tuyển dụng lao động đến báo cáo, marketing, bán hàng, banking…

Người lao động có kỹ năng số để tự tin sáng tạo công nghệ số. Mọi người dân tự tin và an toàn sử dụng dịch vụ số. Chính phủ cung cấp dịch vụ công online dễ dùng, an toàn, sử dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu cá thể hóa. Chính sách của chính phủ thì thông minh và tạo ra môi trường số an toàn, tạo ra niềm tin số. Đó là hình dung của mình về KTS.

Phát triển KTS Việt Nam, theo Bộ trưởng, cơ bản phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp KTS vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Về KTS ngành, Bộ trưởng cho rằng còn gọi là số hóa các lĩnh vực kinh tế truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tức là ứng dụng công nghệ số vào các ngành truyền thống để tạo ra đầu ra mới. Đầu ra mới này đóng góp vào KTS.

Theo Bộ trưởng, "KTS không đứng riêng, mà là một nền kinh tế tích hợp đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh tế thực và làm cho nền kinh tế thực chất lượng và hiệu quả hơn. Cho nên bây giờ người ta hay nói đến “online to offline” là vì thế. Tức là trong hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khâu, một số khâu online được, có những khâu vẫn phải offline, vẫn phải vật chất, vật lý. Nhưng ở phần đưa lên online lại kích phần offline".

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: "KTS là chuyển nhanh một số khâu sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc các khâu còn lại. Bất kỳ một khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho nền kinh tế tăng trưởng và nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này thì sẽ thấy một thay đổi nhỏ có thể tạo nên một kết quả lớn./.

Hoàng Linh