Nguồn nhân lực số chất lượng cao trong kinh tế số
Diễn đàn - Ngày đăng : 05:45, 14/09/2023
Nguồn nhân lực số chất lượng cao trong kinh tế số
Chất lượng nguồn nhân lực (NNL) cũng được coi là một trong những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tuy nhiên, theo các số liệu của các tổ chức quốc tế, chất lượng lao động của lao động Việt Nam còn khá thấp và có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực và thế giới.
Việc làm của lao động Việt Nam chủ yếu là việc làm kỹ năng thấp. Nhóm việc làm có kỹ năng cao, bao gồm nhân lực số (được coi là NNL chất lượng cao) chiếm tỷ lệ thấp và thấp hơn so với bình quân của ASEAN và thấp hơn khá nhiều so với các nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng số.
Theo xếp hạng của WEF (2019), Việt Nam đứng thứ 97/141 quốc gia được xếp hạng về kỹ năng số, thấp hơn nhiều so với Singapore (thứ 5), Malaysia (thứ 11). Thậm chí còn thấp hơn cả Philippines (thứ 22) và Thái Lan (66). Để thực hiện mục tiêu của Đảng đã nêu trên, cần phải tập trung nâng cao chất lượng NNL thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ).
Tuy nhiên, cho đến nay, thế nào là NNL chất lượng cao, NNL số vẫn đang là vấn đề còn tranh luận cả về tiếp cận và nội hàm. Bài viết góp phần làm rõ vấn đề này cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) ở Việt Nam, qua đó đề xuất một số hàm ý chính sách để phát triển NNL.
Nguồn nhân lực số và nguồn nhân lực số chất lượng cao
Nguồn nhân lực số
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về NNL và vì vậy, có nhiều cách “phát biểu” về khái niệm này. Ví dụ, theo UNDP, “Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của con người hiện có hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong một cộng đồng”.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB): “Nguồn nhân lực là toàn bộ “vốn con người” bao gồm: thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp... mà mỗi cá nhân sở hữu”. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), NNL là toàn bộ số người trong độ tuổi có khả năng lao động, hiểu theo nghĩa rộng, đây là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội; theo nghĩa hẹp, là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự nghiệp phát triển xã hội...
Từ các cách nêu khái niệm trên có thể thấy NNL không chỉ là số lượng (quy mô) mà còn là chất lượng của con người với tư cách là một tập hợp người của một quốc gia, vùng, địa phương, tổ chức có đầy đủ các tố chất về trí lực và tâm lực đã, đang và sẽ sử dụng hoặc được sử dụng để tạo ra những lợi ích cho xã hội.
Với cách tiếp cận như trên, có thể hiểu NNL số là những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có các tổ chất về trí lực và tâm lực làm việc trong kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS).
Nguồn nhân lực số chất lượng cao
Câu hỏi luôn được đặt ra? Thế nào là NNL chất lượng cao? NNL chất lượng cao có đồng nhất với NNL có trình độ cao? Đây là những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng, còn nhiều tranh luận. Có quan điểm cho rằng, NNL chất lượng cao là những người có trình độ từ cao đẳng trở lên (Nguyễn Bá Ngọc, 2018). Quan điểm này dường như cũng đồng nhất với quan điểm cho rằng những người có trình độ từ cao đẳng trở lên là thuộc nhóm nhân lực KHCN (Tăng Văn Khiên, 2011)...
Một quan điểm khác cho rằng, NNL chất lượng cao được hiểu là một bộ phận đặc biệt của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng nhu cầu cao của thực tiễn; có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao; kỹ năng lao động giỏi; khả năng thích ứng nhanh, làm chủ công nghệ sản xuất; có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; có khả năng vận dụng sáng tạo tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao (Nguyễn Thị Hoa, 2022, Tạp chí Dân tộc).
Theo chúng tôi, NNL chất lượng cao, trước hết phải là một bộ phận của NNL quốc gia. Đó là bộ phận tiên tiến của NNL quốc gia, có trình độ, có kỹ năng nghề nghiệp cao và có năng lực nghề nghiệp, nghĩa là có khả năng thực hiện công việc một cách hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp. Như vậy, NNL chất lượng cao không thuần túy và không thể đồng nhất với trình độ đào tạo cao mà ngoài trình độ đào tạo (có kiến thức thực chất), để hình thành năng lực còn có các thành tố kỹ năng và thái độ đối với công việc.
Như vậy, có thể hiểu NNL số chất lượng cao là NNL được đào tạo ở một trình độ nhất định, có kỹ năng số, có những kỹ năng làm việc và thái độ làm việc nghiêm túc để hoàn thành tốt một công việc nào đó trong CĐS. NNL số chất lượng cao tuy chiếm tỷ lệ không cao trong NNL quốc gia, nhưng lại có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển KT-XH đất nước, nhất là trong CĐS. Để xác định là NNL số chất lượng cao, dựa vào những đặc điểm như: đạt được trình độ đào tạo nhất định, trong đó có CNTT; có năng lực làm việc tốt, mang lại được hiệu quả cao cho công việc và cho xã hội; Có khả năng định hướng cho những NLĐ để tạo ra mặt bằng chất lượng chung cho NNL số.
Tuy nhiên, để đánh giá được NNL số chất lượng cao phải lượng hóa được những đặc điểm nêu trên, nghĩa là phải có các tiêu chí, tiêu chuẩn để đo lường, đánh giá.
Chuyển đổi số và kinh tế số
CMCN 4.0 còn được gọi là cuộc Cách mạng số, hình thành kỷ nguyên số, đã được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Cuộc CMCN 4.0 ra đời buộc thế giới phải chuyển từ nền kinh tế
truyền thống sang nền KTS; đồng thời đã làm thay đổi xã hội - hình thành XHS. Nhưng để vận hành được một nền KTS, một XHS phải có nguồn nhân lực mới, đó là nhân lực số. Cũng từ đó mà xuất hiện khái niệm “chuyển đổi số”.
Vậy CĐS là gì? Chung nhất, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Những thành tố quan trọng trong CĐS bao gồm: công nghệ; môi trường số và giá trị mới được tạo ra. Trong đó, thành tố công nghệ được coi là mắt xích quan trọng nhất, giúp kết nối và định hình hai thành tố còn lại.
CĐS có thể được hiểu một cách đơn giản hơn là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT với sự xuất hiện một số công nghệ mang tính đột phá của CMCN 4.0. Không nên hiểu một cách giản đơn CĐS là số hóa, là sự chuyển từ “giấy” sang “số”. Số hóa thực ra chỉ là một công đoạn đầu (về mặt kỹ thuật) của quá trình CĐS. CĐS (digital transformation) là một quá trình từ áp dụng số hóa (digitization) đến ứng dụng số hóa (digitalization) ở mức độ cao.
Nội hàm của CĐS rất rộng và đa dạng nhưng có chung nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam có 3 trụ cột chính gồm: chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở...), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử...), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa, công dân...). Các trụ cột này được coi là thế “kiềng ba chân” của CĐS. CĐS thành công khi và chỉ khi phát triển đồng thời cả ba trụ cột này.
KTS (digital economy), còn được gọi là kinh tế Internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (website economy) là 1 trong 3 trụ cột của CĐS. Có nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra, theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, có thể coi KTS là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) mà công nghệ số được áp dụng.
Trong nền KTS, các doanh nghiệp sẽ dần chuyển đổi từ quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình liên kết các khâu sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động; đồng thời tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để vận hành được nền KTS phải có NNL số, nhất là NNL số chất lượng cao.
Theo nhiều chuyên gia, đặc trưng của NNL số được thể hiện trên các phương diện như: (1) Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác của các hoạt động kinh tế; (2) Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) mới; (3) Có tác phong kỷ luật và đạo đức, văn hóa, trong đó có văn hoá số trong công việc; (4) Có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo.
Đây được xem như điều kiện đủ và là tiêu chí đặc trưng của NNL số. Để thỏa mãn các phương diện trên nhất thiết đòi hỏi NNL số phải được đào tạo bài bản và liên tục được đào tạo bổ sung mới.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã ưu tiên và hỗ trợ phát triển kỹ năng số cho mọi thành viên trong xã hội, nhất là lực lượng lao động (LLLĐ). Các nước châu Âu, thông qua khung năng lực số cho công dân châu Âu - DigComp. Khung năng lực số cho công dân châu Âu gồm 21 năng lực, chia thành 5 nhóm: (1) Hiểu biết thông tin và dữ liệu (gồm 3 năng lực); (2) Giao tiếp và cộng tác (gồm 6 năng lực); (3) Sáng tạo nội dung số (gồm 4 năng lực); (4) An toàn (gồm 4 năng lực) và (5) Giải quyết vấn đề (gồm 4 năng lực).
Trong bối cảnh CĐS, theo nhiều nghiên cứu, trong đó có WEF, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới trong nền KTS, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số. NNL chất lượng cao phải có được những kỹ năng cao, không chỉ các kỹ năng nghề nghiệp mà còn cả những kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng số. Không thể nói người có trình độ đại học (ĐH), sau ĐH, nhưng không có được kỹ năng số ở một trình độ nhất định là người thuộc nhóm NNL chất lượng cao được. Ngoài các kỹ năng nghề nghiệp, NLĐ cần được trang bị những “kỹ năng mềm” khác đặc trưng cho kỷ nguyên số, đó là các kỹ năng: số, phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, xã hội...
Các kỹ năng này được thể hiện ở các cấp độ khác nhau. Theo Ngân hàng thế giới (WB) kỹ năng số gồm các cấp độ cơ bản (có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số để thực hiện các công việc cơ bản). Cấp độ kỹ năng trung bình (có khả năng sử dụng phần mềm chuyên nghiệp để phân tích, sáng tạo, quản lý và thiết kế). Cấp độ kỹ năng cao cấp (có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu trong CNTT và truyền thông, ví dụ như lập trình, quản lý hệ thống; điện toán đám mây, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn (big data), phát triển web, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm...).
Như vậy, CĐS, vô hình trung, có vai trò rất to lớn trong việc nâng tầm vốn con người trong KTS và XHS, đòi hỏi con người phải tự nâng tầm mình, có những kỹ năng mới mà trước đó chưa từng có. Các kỹ năng mới, như nêu trên, không chỉ là kỹ năng chuyên môn (được số hóa) mà còn có các kỹ năng mềm, nhất các kỹ năng xã hội, hành vi, trở thành công dân số, có văn hóa số. Về mặt xã hội, để CĐS, đòi hỏi phải phát triển LLLĐ có kỹ năng số (digital skill). Kỹ năng số là một loạt các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép mỗi người tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
Để có những kỹ năng này, NLĐ, một mặt tự đào tạo, mặt khác, thông qua hệ thống trường lớp, đặc biệt là các trường lớp mở, ảo, trực tuyến, trực tiếp, “trường, lớp số”... Vấn đề đặt ra là những kỹ năng này được đào tạo như thế nào, ai công nhận những giá trị tự tích lũy, tự đào tạo của NLĐ; việc đánh giá những kỹ năng này thế nào?...
Mô hình trường học truyền thống sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với sự thay đổi của KHCN dưới tác động của CMCN 4.0. Phải chăng đây chính là cốt lõi của CĐS trong giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nghĩa là mức độ chúng ta ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và quản trị nhà trường như thế nào?
Thách thức và vấn đề đặt ra đối với phát triển NNL chất lượng cao ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê, LLLĐ ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người. LLLĐ ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,2% LLLĐ cả nước.
Chất lượng lao động được đo lường theo nhiều cách khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam, theo thông lệ, thường đo lường thông qua trình độ đào tạo. Theo số liệu thống kê, LLLĐ đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên (còn gọi là có văn bằng, chứng chỉ - VBCC) năm 2022 ước tính là 13,4 triệu người, chiếm 26,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa nông thôn và thành thị; giữa lao động nam và lao động nữ. Nếu như ở thành thị, tỷ lệ lao động có VBCC đạt 36,7% (2020), thì ở nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt 16,3%. Tương tự, nếu như tỷ lệ lao động nam có VBCC là 26,9% (2020), thỉ tỷ lệ này ở lao động nữ chỉ đạt 20,9%.
Hơn nữa có sự bất hợp lý trong cơ cấu lao động trong nhóm lao động qua đào tạo (có chuyên môn kỹ thuật (CMKT) - có VBCC từ sơ cấp trở lên). Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thông thường, trong cơ cấu nhân lực có CMKT, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng phải lớn hơn so với trình độ ĐH. Trong khi đó ở nước ta dường như xu hướng ngược lại, tỷ lệ lao động có trình độ ĐH lớn hơn so với số lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (Bảng 1).
Tuy nhiên, như đã nêu, trình độ đào tạo thông qua VBCC ở nước ta chưa thực sự tương xứng với chất lượng lao động và càng không thể nói người có văn bằng cao hơn là người có chất lượng hơn so với người có văn bằng thấp hơn mà cần phải xem xét cả kỹ năng nghề nghiệp của họ nữa.
NNL số chất lượng cao, như đã nêu, có vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định trong tăng trưởng kinh tế và phát triển KT-XH, đến năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Theo WEF (2021), việc đầu tư nâng cao chất lượng NNL thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng cho LLLĐ có tiềm năng thúc đẩy GDP toàn cầu thêm 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và tạo ra hiệu ứng tạo ra việc làm mới cho trên 5,3 triệu lao động. Tuy nhiên, trước tác động của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, NNL Việt nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Những thách thức đó là:
Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn quá thấp trong tổng LLLĐ. Như đã nêu trên, tỷ lệ lao động có VBCC ở Việt Nam mới chỉ chiếm 25 - 26%, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước khác là 60%. Hơn nữa, trong cơ cấu lao động có kỹ năng, tỷ lệ lại mất cân đối giữa số có trình độ ĐH với các bậc trình độ cao đẳng và trung cấp. Điều này dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thất nghiệp có trình độ ĐH khá cao (chiếm tới 40% lao động thất nghiệp qua đào tạo).
Thực tế này mặt khác cho thấy chất lượng của đội ngũ lao động trình độ ĐH trở lên của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, không phản ánh đúng giữa chất lượng và văn bằng được đào tạo. Sự không phù hợp giữa bằng cấp đào tạo và chất lượng nghề nghiệp trong thực tế của NLĐ có xu hướng ngày càng rộng hơn, đặc biệt ở nhóm lao động trình độ ĐH trở lên. Năm 2012 có 15,43% lao động có trình độ ĐH trở lên làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống. Đến năm 2017, tỷ lệ này tăng lên đến 23%. Điều này phản ánh một thực tế, VBCC của người có VBCC thường cao hơn chất lượng thực sự của họ. Theo Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu lao động có việc làm, lao động có kỹ năng thấp chiếm tới 34,5%; lao động có kỹ năng bậc trung chỉ chiếm 7,8% và bậc cao là 3,4% (việc đánh giá này chủ yếu dựa vào năng lực và vị trí việc làm thực tế).
Trong so sánh quốc tế của WEF (2019) xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN, chưa trở thành nhân tố chính trong các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng kinh tế.
Trước bối cảnh CMCN 4.0, mức độ sẵn sàng của NNL Việt Nam còn rất thấp trong so sánh quốc tế (đứng thứ 70/100 quốc gia, trong khi đó Singapore thứ 2. Malaysia đứng thứ 21, Thái Lan đứng thứ 53-WEF, 2018)1. Đặc biệt, Việt Nam đang thuộc nhóm cuối trong các nước ASEAN trong bảng thứ hạng về lao động có chuyên môn cao, xếp thứ 81/100 nước, chỉ hơn Indonesia (83) và Campuchia (87), trong khi đó Singapore là 1/100, Malaysia xếp thứ 45 (WEF, 2018).
Chất lượng NNL thấp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam, dù đã được cải thiện, nhưng vẫn rất thấp trong so sánh với các nước trong khu vực. Theo báo cáo của tổ chức Năng suất châu Á (2021), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 3 lần so với Thái Lan [2].
Hệ lụy của chất lượng NNL thấp là thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong so sánh quốc tế khá thấp. Theo WEF (2019), năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 67/141 quốc gia được xếp hạng, chỉ trên Lào và Campuchia ở khu vực ASEAN, trong đó đặc biệt tiêu chí kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ xếp thứ 93/141. Đây là thách thức rất lớn đối với phát triển, nâng cao chất lượng NNL Việt Nam, nếu không thay đổi mạnh mẽ các hoạt động đào tạo và đào tạo lại.
Từ khía cạnh kỹ năng của NNL, ngoài kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng chuyên môn), lao động Việt Nam còn thiếu rất nhiều các kỹ năng khác (gọi là kỹ năng mềm), như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, ngoại ngữ, làm việc trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng số... Theo ILO, trong quan niệm về phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thấy 75% sự thành công của NLĐ là kỹ năng mềm chứ không phải là kỹ năng kỹ thuật.
Do đó, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, trong đó có kỹ năng số cho NLĐ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng NNL số quốc gia. Phát triển, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ chính là gia tăng hàm lượng chất lượng cho NNL. Quá trình này được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo các cơ sở GD-ĐT (đào tạo trong nhà trường) và được thực hiện tại DN, tại nơi làm việc (đào tạo ngoài nhà trường) với những phương thức và hình thức khác nhau, như đào tạo ban đầu, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo có hướng dẫn, tự đào tạo... trong đó đào tạo, đào tạo lại ngoài nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh CMCN 4.0.
Hàm ý chính sách
Từ thực tế nêu trên, để có được NNL số chất lượng cao, như mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa ra, đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước của một nước công nghiệp hiện đại, theo chúng tôi, cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, để hình thành năng lực lao động cho NLĐ tương lai ngay trong nhà trường (đào tạo ban đầu), theo hướng mở và linh hoạt. Chuyển từ đào tạo chuyên sâu sang đào tạo diện rộng, chuyển từ chú trọng kiến thức, kỹ năng hẹp sang đa kỹ năng, bao gồm cả các kỹ năng mềm, kỹ năng số, để hình thành năng lực thích ứng cho người học. Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách cho CĐS trong giáo dục ĐH và GDNN, trong đó tập trung xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn trường học số; các quy định về phát triển chương trình đào tạo số, quy định về kiến thức, kỹ năng số theo các trình độ đào tạo; quy định về VBCC số... Hình thành các nhà trường số, nhà trường thông minh với các hoạt động đào tạo và hoạt động quản trị trên môi trường số.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động kết nối mạnh mẽ giữa đào tạo trong nhà trường với thực tế hoạt động của DN số với thực tế sản xuất và các ngành kinh tế với các mô hình và hình thức đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các “kỹ năng mềm”, kỹ năng số.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường lao động có khả năng kết nối cung - cầu lao động với phân lớp thị trường lao động số có chất lượng cao. Thiết lập tổ chức dự báo và tăng cường công tác dự báo nhu cầu trên nền tảng số.
Thứ tư, đổi mới chính sách sử dụng lao động theo hướng chú trọng năng lực làm việc thay vì dựa vào VBCC cả trong khâu tuyển dụng và sử dụng. Tạo cơ chế và môi trường làm việc để nhân lực số chất lượng cao được phát huy hết khả năng, nChất là khả năng sáng tạo, phục vụ cho nền KTS.
1. WEF (2018), Readiness for Future of Production Report.
2. APO(2021), APO Prductivity Databook 2020
Tài liệu tham khảo:
1. APO (2021), APO Prductivity Databook 2020
2. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2018, 2019, 2020, 2021..
3. Đề tài Khoa học cấp Nhà nước, mã số KX.03.10/11-15 (2015) “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay”.
4. Gardner, A. (2021, 3 16). BNN Bloomberg. Retrieved from Remote work listings in U.S. doubled in year, job site finds: https://www.bnnbloomberg.ca/re... doubled-in-year-jobsitef-inds-1.157752)
5. ILO (2020), Digital skills and the future of work.
6. Kenechi Okeleke, Henry James & Yoonee Jeong: Advancing Digital Societies in Asia, GSMA Head Office, United Kingdom, 2016, tr.6, 9.
7. Kỷ yếu Hội thảo (2011), Trường ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhu cầu cấp bách”.
8. Neil Selwyn: What is Digital Sociology?, Politics Press, UK & USA, 2019, tr.11.
9. Ngân hàng thế giới (WB, 2019), Tương lai việc làm Việt nam: Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn, Báo cáo tổng quan.
10. Vũ Thị Loan, Mạc Văn Tiến và cộng sự (2016) “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN”. Đề tài KHCN cấp nhà nước.
11. Young Hyun Lee, 2011. Methodology for Technical and Vocational Education and Training in Viet Nam- Lessons from Korean Experences. Hankyong National University.
12. Võ Quế (2020) Những vấn đề cơ bản về phát triển NNL chất lượng cao, Viện nghiên cứu phát triển du lịch
13. Tổng cục thống kê (2020), Điều tra Lao động- việc làm
14. Simon Lindgren: Digital Media & Society, SAGE, USA, Indian, Singapore, 2017, tr.4.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT - Chuyên đề Kinh tế số Xã hội số tháng 9/2023)