Đưa ASEAN thành một cộng đồng số và khối kinh tế hàng đầu

Kinh tế số - Ngày đăng : 08:08, 08/09/2023

Ngày 7/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Kinh tế số

Đưa ASEAN thành một cộng đồng số và khối kinh tế hàng đầu

Ánh Dương {Ngày xuất bản}

Ngày 7/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

3333.jpg
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia từ ngày 05-07/9/2023. (Ảnh: VOV)

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (JCC) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo.

Hội nghị lần này tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm việc thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Ngày 7/9, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch, trong đó tái khẳng định vai trò trung tâm của khối; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; duy trì và thúc đẩy hòa bình, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bên cạnh đó, Tuyên bố của Chủ tịch cũng đề cập đến nhiều nội dung chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, thống nhất các định hướng củng cố và nâng tầm hợp tác, chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn và bứt phá trong tương lai.

Xây dựng một ASEAN kiên cường, đổi mới, năng động và lấy con người làm trung tâm

Một loạt văn kiện đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao, trong đó có Thỏa thuận ASEAN IV, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng.

Hiệp định ASEAN IV đóng vai trò là nền tảng vững chắc và phản ánh cam kết nỗ lực hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các văn kiện đi kèm nhằm xây dựng một ASEAN kiên cường, đổi mới, năng động và lấy con người làm trung tâm, có khả năng đón đầu các cơ hội và giải quyết các vấn đề liên quan, cũng như những thách thức đang nổi lên và trong tương lai.

ASEAN đã thông qua Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN về Phát triển Hiệp định Khung về Kinh tế số, trong đó nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc phát triển một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế số ASEAN vững mạnh, tăng cường hội nhập và chuyển đổi số (CĐS) khu vực hướng tới Cộng đồng Kinh tế số ASEAN 2045.

Đối với lĩnh vực đô thị thông minh (ĐTTM), các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao tiến bộ đáng kể mà Mạng lưới ĐTTM ASEAN (ASCN) đạt được trong việc triển khai các kế hoạch hành động và sáng kiến khu vực về thành phố thông minh. ASEAN hoan nghênh việc hoàn thành Báo cáo Giám sát và Đánh giá ASCN năm 2023, cũng như các thành phố thành viên mới từ việc mở rộng thành viên ASCN; Đồng thời đánh giá cao các đối tác bên ngoài vì sự hỗ trợ và hợp tác của họ trong việc thực hiện các Sáng kiến ASCN.

ASEAN cũng đặc biệt ghi nhận những tiến bộ trong việc thực Kế hoạch Hành động ASEAN về Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ASEAN giai đoạn 2016-2025 (APASTI 2016-2025). Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu ứng dụng trong việc biến kiến thức khoa học thành các giải pháp thực tiễn phục vụ nhu cầu của ASEAN và khuyến khích tăng cường vai trò của Ban Tư vấn COSTI (BAC), khai thác hiệu quả Quỹ Khoa học, Công nghệ và ĐMST (ASTIF).

Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục ASEAN cam kết đẩy nhanh quá trình CĐS của hệ thống giáo dục ở ASEAN như một phần nỗ lực nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi sau sau đại dịch, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia học tập của những nhóm dân cư bị thiệt thòi. Tuyên bố cũng ghi nhận việc hoàn thiện Lộ trình Tuyên bố về CĐS các Hệ thống giáo dục ở ASEAN.

Đưa ASEAN thành một cộng đồng số và khối kinh tế hàng đầu

Mặc dù phải đối mặt với tình trạng thắt chặt tài chính trên diện rộng và lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định ASEAN vẫn là một điểm sáng trong năm 2023, có triển vọng tăng trưởng tốt hơn so với toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài để duy trì và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực thông qua thúc đẩy các lĩnh vực chuyển đổi như nền kinh tế số và kinh tế xanh nhằm củng cố vị thế của ASEAN là trung tâm tăng trưởng.

ASEAN ủng hộ những nỗ lực nhằm điều chỉnh việc nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) phù hợp với chương trình CĐS và bền vững của ASEAN, cũng như các ưu tiên mới nổi như nền kinh tế tuần hoàn, tính bền vững, an ninh lương thực, thương mại và môi trường.

Tuyên bố Chủ tịch cũng đánh giá cao những nỗ lực nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận và hiểu biết về tài chính số với việc hoàn thành Hướng dẫn triển khai nhằm tăng cường hiểu biết về tài chính số trong ASEAN, xây dựng Bộ công cụ chính sách ASEAN về tăng cường sử dụng thanh toán số MSME và tiếp cận tài chính số.

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ số trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế đổi mới, toàn diện, kiên cường và bền vững trong khu vực với việc thông qua Hiệp định Khung Kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) và nghiên cứu DEFA ASEAN được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55 và hoan nghênh việc khởi động các cuộc đàm phán ASEAN DEFA tại Hội đồng AEC lần thứ 23 nhằm hướng tới một cộng đồng kết nối kỹ thuật số hàng đầu.

ASEAN cũng đánh giá cao tiến bộ tích cực trong việc thực hiện Lộ trình Bandar Seri Begawan - Chương trình nghị sự về CĐS ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và hội nhập kinh tế số của ASEAN của ASEAN, đạt 46% hoàn thành các mục tiêu hành động và mong muốn hoàn thành đầy đủ vào năm 2025.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng ghi nhận sự tiến bộ trong việc thực hiện Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử (TMĐT) và khuyến khích tăng cường phối hợp giữa Ủy ban điều phối ASEAN về TMĐT và kinh tế số (ACCED) với các Cơ quan chuyên ngành khác để đảm bảo triển khai kịp thời các sáng kiến. Đồng thời cũng hoan nghênh Ngày bán hàng trực tuyến ASEAN (AOSD) 2023, được triển khai trong tháng 8/2023 bên lề Hội nghị AEM lần thứ 55, giúp tăng thời gian trải nghiệm cho người tiêu dùng với các sản phẩm và thương hiệu chất lượng, tạo sự an toàn và tin tưởng vào TMĐT.

ASEAN ghi nhận tiến trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM 2025), nhằm mục đích biến ASEAN thành một cộng đồng số và khối kinh tế hàng đầu, được hỗ trợ bởi các dịch vụ, công nghệ, hệ sinh thái số an toàn.

Thành lập ASEAN CERT nâng cao an ninh mạng trong khu vực

Đối với lĩnh vực an ninh mạng, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN (2021-2025), Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) lần thứ 3 đã thông qua Khung hoạt động của Nhóm Ứng phó Khẩn cấp máy tính ASEAN (CERT) vào tháng 2/2023, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thành lập ASEAN CERT như một phương tiện nâng cao năng lực an ninh mạng trong khu vực, bao gồm thông qua trao đổi thông tin và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất.

ASEAN đã khởi xướng triển khai Dự án Lá chắn an ninh mạng ASEAN từ năm 2023 - 2026 để bổ sung cho các nỗ lực xây dựng năng lực hiện có của ASEAN, bao gồm Trung tâm an ninh mạng xuất sắc ASEAN - Singapore (ASCCE) và Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản (AJCCBC), nhằm ghi nhận tầm quan trọng của các hoạt động nâng cao nhận thức về an ninh mạng và các chương trình xây dựng khả năng phục hồi an ninh mạng trong khu vực.

Hơn nữa, Tuyên bố của Chủ tịch cũng nêu rõ vấn đề lừa đảo trực tuyến đang ngày càng phổ biến trong khu vực ASEAN, gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân, dẫn đến suy thoái kinh tế. Hội nghị các quan chức cấp cao về kỹ thuật số ASEAN lần thứ 3 vào tháng 2/2023 đã nhất trí thành lập Nhóm công tác về chống lừa đảo trực tuyến (WG-AS) cũng như khuyến khích triển khai ngay lập tức để ứng phó với những thách thức này./.

Ánh Dương