Chung cư cũ, cuộc sống mới: Hà Nội thúc đẩy cải tạo đô thị bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 13:48, 11/09/2023

Với quyết tâm chỉnh trang bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, thời gian qua các cấp chính quyền Hà Nội đã đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ trên tinh thần cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp (DN).
Truyền thông

Chung cư cũ, cuộc sống mới: Hà Nội thúc đẩy cải tạo đô thị bền vững

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Với quyết tâm chỉnh trang bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, thời gian qua các cấp chính quyền Hà Nội đã đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ trên tinh thần cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp (DN).

anh-51.1.jpg
Hà Nội đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ trên tinh thần cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người dân - DN.

Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị

Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, quy mô từ 2 - 5 tầng, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. Trong đó, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân.

Thời gian qua, thành phố đã tiến hành kiểm định được 401 chung cư cũ, thực hiện việc di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm cấp độ D. Hà Nội cũng đã hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng đối với 18 chung cư cũ, 14 dự án đang được triển khai. Thành phố đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư, đồng thời có nhiều biện pháp để ưu đãi, kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn ở một số dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn chậm. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô và phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, cần phải có biện pháp cụ thể để giải quyết, đặc biệt là các khu có đặc thù khó khăn.

Trong đó, cần có thêm tiêu chí độ khó khăn để từ đó thành phố có những cơ chế đặc thù cho một số dự án (như xem xét việc điều chỉnh quy hoạch để được nâng tầng hoặc mở thêm đường giao thông, hỗ trợ chủ đầu tư được nhận thêm đất trống khác để bù đắp...).

TS. Đỗ Xuân Trọng - Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra một số đề xuất góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là cần quy định cụ thể hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Qua đó đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô và Luật Nhà ở, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người dân - DN với các giải pháp cho từng chủ thể.

Bên cạnh đó, cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân ở các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xuống cấp về phương án thiết kế, chính sách di dân và các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ. Qua đó, vừa tạo tâm lý sẵn sàng cho người dân vừa có thể tham khảo ý kiến người dân ở khu vực này; Tạo cơ chế để người dân sở hữu chung cư cũ, nhà ở cũ được góp vốn cùng nhà đầu tư để cải tạo, sau đó người dân sẽ có những ưu đãi nhất định trong việc chọn căn, chọn tầng tuỳ theo tỉ lệ vốn góp.

Người dân có thể tham gia giám sát cộng đồng đối với dự án, đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ, thiết kế đã được thông qua. Các nhà đầu tư được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với các hộ nhất định không chịu di dời, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tiến độ dự án.

Đảm bảo quyền lợi người dân

anh-51.2.jpeg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cải tạo chung cư cũ là một trong những giải pháp để chỉnh trang bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho rằng, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa chung cư thì nên cải tạo chung cư theo từng khu.

Về giải pháp, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nơi nào có 4 - 5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4 - 5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại chỉ làm 1 - 2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Làm như vậy, người dân sẽ có không gian sống bảo đảm hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích, còn cách làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn.

Thực tế, thời gian qua, việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ được cả người dân và các ban, ngành TP Hà Nội đồng tình, nhất quán. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn được đảm bảo song song giữa nghĩa vụ và quyền lợi.

Nói về chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố, bà Trần Thị Hương (trú tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: “Việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là điều rất cần thiết, vì không ai muốn ở nhà cũ, hư hỏng, tường vôi bong tróc. Nhưng phải đảm bảo tiến độ, lợi ích thỏa đáng cho người dân. Mong rằng với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ ngày một khang trang, hiện đại hơn”./.

Đỗ Thêu