Cần nhanh chóng tạo môi trường thuận lợi để chữ ký số đi vào thực chất

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 13:55, 12/09/2023

Nhiều người dân đã biết đến và cũng quan tâm đến chữ ký số (CKS), tuy nhiên lại chưa biết sử dụng vào cái gì, khi thiếu ứng dụng sử dụng, thiếu môi trường để ký số.
Chuyển động ICT

Cần nhanh chóng tạo môi trường thuận lợi để chữ ký số đi vào thực chất

Tâm An 12/09/2023 13:55

Nhiều người dân đã biết đến và cũng quan tâm đến chữ ký số (CKS), tuy nhiên lại chưa biết sử dụng vào cái gì, khi thiếu ứng dụng sử dụng, thiếu môi trường để ký số.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS (CA công cộng) và các chuyên gia về CKS đã bàn thảo giải pháp tạo môi trường ký số tại Hội nghị Giao ban quý III/2023 do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đã tổ chức ngày 11/9.

446f857c01b9d4e78da8(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, NEAC và các CA công cộng cũng đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến hồ sơ thuê bao, triển khai cấp chứng thư số HSM (Hardware Security Module) (một thiết bị vật lý được dùng để bảo vệ và quản lý các cặp khóa chứng thư số cho các ứng dụng có tính xác thực mạnh và xử lý mật mã) và việc tích hợp chữ ký số (CKS) vào cổng dịch vụ công (DVC).

Cụ thể, về vấn đề hồ sơ thuê bao, NEAC yêu cầu các thuê bao phải có đầy đủ hồ sơ trước khi được cấp chứng thư số, tránh tình trạng cấp chứng thư số trước và hoàn thiện hồ sơ sau.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng kẽ hở về việc cung cấp hồ sơ thuê bao để làm giả chứng thư số. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn thông tin và mất niềm tin của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) vào chứng thư số.

Đối với vấn đề này, NEAC cho biết sẽ có những chế tài xử phạt theo quy định đối với các CA công cộng không thực hiện nghiêm túc quy trình cấp chứng thư số.

Về việc cấp chứng thư số HSM, hiện nay NEAC và các CA công cộng đang trong quá trình nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật để xem xét hạ tầng HSM có đáp ứng được các yêu cầu về bảo mật của chứng thư số hay không.

Tại hội nghị, các CA công cộng cũng đưa ra nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, công nghệ HSM chưa thể áp dụng cho tất cả các đối tượng sử dụng chứng thư số do chưa chắc chắn về khả năng bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) của hệ thống này.

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC đề nghị Câu lạc bộ CKS và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) kết hợp cùng các CA công cộng nghiên cứu và đưa ra đề xuất nếu giải pháp này đáp ứng được với những đối tượng nhất định nào thì sẽ có thông tư để hướng dẫn triển khai.

828e5cf6db330e6d5722.jpg
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC phát biểu tại Hội nghị.

Đối với việc tích hợp tính năng ký số vào các cổng DVC qua hệ thống eSign, NEAC cho biết hiện nay đang được gấp rút triển khai tại các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, NEAC nhận thấy có tình trạng nhiều địa phương và một số CA công cộng đang sử dụng hệ thống tích hợp riêng dẫn đến việc người dân không có nhiều lựa chọn sử dụng chứng thư số của các nhà cung cấp khác nhau.

NEAC yêu cầu các CA công cộng và các địa phương phối hợp và thống nhất sử dụng hub eSign của NEAC vào cổng DVC nhằm đảm bảo việc tích hợp trở nên đơn giản hơn và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN. Hiện tại, hệ thống eSign cũng đang trong quá trình tích hợp vào cổng DVC quốc gia.

Cần nhanh chóng tạo ra môi trường ký số

Tại Hội nghị, các CA công cộng cũng đưa ra ý kiến về việc cần tạo thêm nhiều môi trường để người dân, tổ chức, DN có thể sử dụng chứng thư số. Điều này là rất cần thiết và quan trọng để CKS đi vào thực tiễn.

Trao đổi về hiệu quả cũng như khó khăn trong việc triển khai việc cấp miễn phí CKS, đại diện VCDC nhấn mạnh một trong những khó khăn để CKS đi vào thực tiễn, đó làm sao để CKS sau khi cấp có thể được sử dụng thường xuyên.

Trên thực tế nhiều người dân đã biết đến và cũng quan tâm đến CKS, tuy nhiên, họ lại chưa biết sử dụng vào cái gì, khi thiếu ứng dụng sử dụng, thiếu môi trường để ký số.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại diện của Viettel cũng cho biết các DN vẫn tích cực trong việc hỗ trợ cấp, phát miễn phí CKS nhưng kết quả triển khai cũng như tần suất sử dụng của người dân chưa được như mong muốn do còn thiếu môi trường để sử dụng.

“Để chương trình này đi vào thực chất và hiệu quả, đạt được mục tiêu như mong muốn cần nhanh chóng mở rộng môi trường ký số cho người dân, DN”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, nhiều đại diện CA công cộng cũng nhất trí rằng NEAC cần thành lập một tổ trong đó gồm các thành viên của NEAC, DN CA, đơn vị liên quan để thường xuyên rà soát đánh giá hiệu quả của chương trình, những khó khăn trong quá trình triển khai từ đó có những kế hoạch triển khai tiếp theo cho phù hợp.

Đại diện NEAC cho biết, trong thời gian tới, NEAC sẽ nghiên cứu và có các cuộc hội thảo với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) để đưa ra giải pháp tích hợp tính năng ký số vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đây có thể là điểm bùng nổ để thúc đẩy việc sử dụng CKS cá nhân trong các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, việc này cần có sự chung tay vào cuộc của Câu lạc bộ CKS và giao dịch điện tử và các CA công cộng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị Giao ban hàng quý là việc cần thiết để cùng nhau điểm lại các công việc đã làm được, cũng như trao đổi về các khó khăn vướng mắc của các DN để nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức các đoàn công tác liên ngành bao gồm thanh tra các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công an và một số bộ ngành liên quan để siết chặt hơn việc quản lý và có những chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm pháp luật để tạo một môi trường an toàn, lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thư số cũng như các dịch vụ mới sau khi Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực./.

Tâm An