Đẩy mạnh thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô phồn vinh

Truyền thông - Ngày đăng : 15:36, 13/09/2023

Là nơi tập trung đông nhất các cơ quan khoa học lớn, nhiều trường đại học hàng đầu, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút, giữ chân nhân tài, góp phần vào công cuộc kiến thiết một Thủ đô ngày càng phồn vinh, hiện đại.
Truyền thông

Đẩy mạnh thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô phồn vinh

Đỗ Thêu 13/09/2023 15:36

Là nơi tập trung đông nhất các cơ quan khoa học lớn, nhiều trường đại học hàng đầu, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút, giữ chân nhân tài, góp phần vào công cuộc kiến thiết một Thủ đô ngày càng phồn vinh, hiện đại.

anh-52.1.jpg
Thu hút, giữ chân nhân tài được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiền tài là tài sản vô giá

Để thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô ngày một phồn vinh, những năm qua Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan. Cụ thể, Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô hiện hành quy định: “HĐND TP. Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách ưu đãi để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ… trên cơ sở cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện”.

anh-52.2.jpg
Những năm qua, chính quyền Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhân tài, góp phần xây dựng Thủ đô ngày một phồn vinh.

Mới đây, Hà Nội có Quyết định số 2755/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố… Các văn bản pháp quy nêu trên kết hợp cùng quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, TP Hà Nội đã tạo thành một hệ thống pháp lý cơ bản về thu hút sử dụng nhân tài.

Một trong số những hình thức thu hút nhân tài mà TP Hà Nội triển khai thường xuyên là tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Chương trình bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, giúp tạo dựng môi trường phù hợp cho nhân lực trẻ, chất lượng cao phát huy sở trường, năng động và sáng tạo phục vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Trải qua 20 năm tổ chức, chương trình đã tuyên dương 2.067 thủ khoa xuất sắc.

Ngoài ra, Hà Nội cũng tuyên dương, khen thưởng các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, công nhân… với nhiều hình thức khen thưởng như tặng Bằng khen, ghi danh trong sổ vàng truyền thống của thành phố. Những hoạt động này đã khích lệ, động viên người tài cống hiến cho Thủ đô, đất nước.

Tạo cơ chế, chính sách để thu hút, giữ chân nhân tài

Theo TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong lần sửa đổi Luật Thủ đô lần này cần nghiên cứu mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút, theo đó không chỉ khoanh vùng là “nhân tài” và trong lĩnh vực khoa học công nghệ như quy định hiện hành mà mở rộng hơn.

Việc thu hút và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những nhân lực này. Chính sách này có ý nghĩa lớn trong việc phát huy sức mạnh tri thức của toàn dân tộc, bổ sung tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với nhân tài. Cụ thể là, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh được quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô, thành phố được sử dụng ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Các chính sách này phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, bảo đảm nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài.

“Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng gắn với tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. Như vậy, không chỉ chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công mà khi đã vào làm việc, họ có cơ hội tốt tiếp tục học tập, nâng cao năng lực trình độ để phát huy năng lực của bản thân, bắt kịp các xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Đoàn Trung Kiên nêu quan điểm.

Trong khi đó, PGS. TS. Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội) cho biết, từ lâu, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức thu hút, trọng dụng nhân tài, gây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, câu chuyện sử dụng người tài còn nhiều vấn đề cần phải bàn từ cơ chế đến chính sách đãi ngộ, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng nhân tài.

Ngoài ra, cần phải có một định nghĩa cụ thể về nhân tài, ở từng cấp độ, lĩnh vực, vị trí; Phải thay đổi quan niệm sinh viên thủ khoa là người tài. Nhiều thủ khoa học giỏi nhưng kỹ năng, kinh nghiệm làm việc còn thiếu sót nên phải theo dõi, trải qua thử thách trong quá trình công tác, đến khi đạt kết quả thì mới có thể đánh giá đó có phải là nhân tài hay không.

“Cơ chế, chính sách hiện nay đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của thành phố trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, lương và các chế độ đãi ngộ trong một số trường hợp không phải là yếu tố duy nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng, được phát triển và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự động viên, ghi nhận kịp thời sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ này tiếp tục cống hiến cho các cơ quan của thành phố”, PGS. TS. Bùi Thị An nhấn mạnh./.

Đỗ Thêu