3 nền tảng số Việt "bình dân hoá" sử dụng, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số

Make in Vietnam - Ngày đăng : 16:06, 14/09/2023

Các sản phẩm nền tảng số Việt Nam như AI Chat, Viettel Money, Cửa khẩu số đã giúp tăng năng suất lao động, xóa nhòa khoảng cách thành thị - nông thôn nhờ tài chính số hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và chuyển đổi số (CĐS) xuất nhập khẩu (XNK).
Make in Vietnam

3 nền tảng số Việt "bình dân hoá" sử dụng, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số

TP 14/09/2023 16:06

Các sản phẩm nền tảng số Việt Nam như AI Chat, Viettel Money, Cửa khẩu số đã giúp tăng năng suất lao động, xóa nhòa khoảng cách thành thị - nông thôn nhờ tài chính số hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và chuyển đổi số (CĐS) xuất nhập khẩu (XNK).

dsc05636(1).jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS).

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt tận dụng sức mạnh mô hình ngôn ngữ lớn

Mở đầu bài chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển KTS và XHS lần thứ nhất ngày 14/9/2023 với chủ đề “Thời điểm vàng để DN tạo đà bứt phá nhờ ứng dụng AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models - LLM)”, ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng Giám đốc Cốc Cốc đã điểm lại câu chuyện gây bão của ChatGPT vào tháng 11/2022, khi ứng dụng này đã đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng.

dnb03321-copy.jpg
Ông Nguyễn Vũ Anh: Cơ hội bứt phá cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường sẽ thuộc về DN biết cách tận dụng sức mạnh của AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn.

Theo ông Vũ Anh, có 2 lý do khiến ChatGPT có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử phát triển sản phẩm của giới công nghệ, so với bất kỳ sản phẩm nào. Đầu tiên, giao diện trò chuyện (chat interface) giúp mọi người có thể dễ dàng giao tiếp với AI, và điều đó hữu ích với tất cả mọi người. Lý do thứ hai là vì có sự đột phá về chất lượng văn bản mà nó có thể tạo ra.

Dù vậy, ChatGPT đã gặp những hạn chế với các ngôn ngữ mà OpenAI có “ít tài nguyên”. Bởi vì, 46% dữ liệu được OpenAI sử dụng cho huấn luyện là bằng tiếng Anh, còn tiếng Việt chỉ chiếm khoảng 1% dữ liệu huấn luyện.

Điều này có hàm ý là chất lượng văn bản tạo ra bằng tiếng Việt sẽ không tốt bằng tiếng Anh. Để dễ hình dung, nếu tính theo thang điểm 10, thì văn bản do GPT tạo ra bằng tiếng Anh có thể đạt mức 10/10, còn với tiếng Việt là khoảng mức 7/10”, ông Vũ Anh nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, Cốc Cốc AI Chat đã ra mắt phiên bản beta vào tháng 5/2023. Về mặt công nghệ, nó tương tự như những gì các công cụ tìm kiếm lớn khác đang làm khi kết hợp GPT LLM với công cụ tìm kiếm của mình.

Đối với Cốc Cốc bài học quan trọng nhất mà chúng tôi thấy được sau khi ra mắt Cốc Cốc AI Chat là nó chỉ hữu ích cho một tỷ lệ người dùng nhất định”, Tổng Giám đốc Cốc Cốc cho biết thêm.

Cụ thể, trong khoảng 250.000 người dùng đã đăng ký dùng thử Cốc Cốc AI Chat, chỉ có khoảng 10% lượng người dùng thực sự quay lại hàng tháng và nhu cầu sử dụng tập trung vào 4 lĩnh vực: sáng tạo nội dung, tìm kiếm đề xuất ý tưởng, CNTT (IT) và nghiên cứu.

Cốc Cốc cũng ghi nhận kết quả tương tự khi thực hiện thử nghiệm các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) trong nội bộ công ty. Theo đó, 3 lĩnh vực mà Generative AI đang mang lại giá trị cao nhất: Sáng tạo nội dung trong marketing; kỹ thuật phần mềm (software engineering) và phân tích dữ liệu.

Từ đó, ông Vũ Anh tin rằng có nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt Nam tận dụng sức mạnh của LLM để bứt phá trong thời gian tới. Trước mắt, các DN có thể cân nhắc triển khai là sử dụng các công cụ Generative AI để tăng năng suất trong nội bộ.

Do các công cụ AI tạo sinh đã có sẵn trên Internet trực tuyến và việc mở tài khoản, bắt đầu thử nghiệm khá dễ dàng nên cách tiếp cận mà Cốc Cốc đề xuất là các DN hãy lựa chọn và đề cử đội ngũ chuyên gia nội bộ - những người có khả năng tìm hiểu, học cách sử dụng những công cụ đó, và hiểu được khả năng cũng như những hạn chế của công cụ.

Sau đó, họ có thể xác định những lĩnh vực có tiềm năng tăng năng suất cao nhất và bắt đầu thử nghiệm, để dẫn dắt các thành viên khác khai thác công cụ, phục vụ các mục tiêu công việc đặc thù. Từ đó các DN sẽ có thể mở rộng phạm vi áp dụng theo mức độ liên quan, và nhân rộng ra quy mô toàn tổ chức.

Chưa đầy 1 năm kể từ khi ChatGPT được phát hành và các công cụ Generative AI đang không ngừng được cải thiện, với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Vì vậy, AI tạo sinh không còn là tương lai, nó đang hiện hữu và tạo ra cú hích mạnh mẽ với nền kinh tế. Không có thời điểm nào tốt hơn ngay lúc này để DN tích cực sử dụng AI tạo sinh.

Cơ hội bứt phá cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường và đột phá tăng trưởng sẽ thuộc về DN nào sớm thấu hiểu và biết cách khai phá, tận dụng sức mạnh của nó”, ông Vũ Anh kết luận.

Viettel Money và sứ mệnh “bình dân hoá” sản phẩm tài chính số

Cũng tại diễn đàn, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, dù trong những năm gần đây, thanh toán điện tử liên tục tăng mạnh nhưng kinh tế - tài chính số của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với toàn cầu và mới chủ yếu “bùng nổ” trong phân khúc dịch vụ thanh toán số, trong khi các mảng dịch vụ khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Vì vậy, việc phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một mục tiêu rất quan trọng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển hệ sinh thái tài chính số.

Với việc ra mắt Viettel Money, lần đầu tiên chỉ bằng số điện thoại Viettel, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, sử dụng mọi nơi, mọi lúc với hơn 300 tính năng, tiện ích đa dạng.

Tính tới nay, Viettel Money đã có nhiều tăng trưởng vượt bậc với kỷ lục đạt gần 1 tỷ giao dịch/năm. Hiện tại, Viettel Money có gần 25 triệu khách hàng, Mobile Money đạt gần 4 triệu thuê bao, mục tiêu đến hết năm 2023 đạt 5 triệu người dùng. Số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel hiện chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Chúng tôi mong muốn có thể tiếp tục bình dân hoá các sản phẩm tài chính số để không người Việt nào bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy kinh tế số - xã hội số, thu hẹp dần và tiến tới xóa nhòa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn”, ông Việt bày tỏ.

Để làm được điều này, trong thời gian tới, Viettel Money sẽ chú trọng phát triển sản phẩm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thân thiện với mọi người dân, trở thành hệ sinh thái tài chính số toàn dân.

Đồng thời, tận dụng lợi thế công nghệ hàng đầu của Viettel để đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, an ninh an toàn, tốc độ xử lý nhanh, ứng dụng các công nghệ AI, dữ liệu lớn (big data), phân tích dữ liệu hiện đại để tối ưu trải nghiệm, gia tăng điểm chạm khách hàng.

Tiếp theo, Viettel Money sẽ mở rộng xây dựng hệ sinh thái toàn diện trên mọi lĩnh vực, làm giảm áp lực trên các phương thức đóng phí truyền thống, hạn chế tập trung đông người cũng như việc người dân phải xếp hàng chờ đợi…;

Phát triển đa dạng các giải pháp tài chính (vay, tiết kiệm,…), để từ Viettel Money, khách hàng có thể dễ dàng so sánh và lựa chọn giữa các dịch vụ tài chính của nhiều nhà cung cấp.

Tôi tin tưởng rằng, hệ sinh thái tài chính số toàn diện Viettel Money sẽ tạo ra những cột mốc quan trọng trong tiến trình số hóa tại Việt Nam, tạo đòn bẩy phát triển KTS, XHS trong tương lai”, ông Việt nói.

dnb02589-copy.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn quốc gia phát triển KTS và XHS lần thứ nhất.

Cửa khẩu số giúp thời gian xử lý trung bình chỉ còn 1/3 so với trước

Nói về nền tảng Cửa khẩu số góp phần thúc đẩy phát triển KTS, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT-IT cho biết, trước đây, mặc dù số lượng hàng hóa XNK cho đường bộ rất lớn nhưng các khâu thực hiện thủ tục tại cửa khẩu còn thủ công, sử dụng nhiều hệ thống rời rạc. Vì vậy, chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ tại cửa khẩu sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo hiệu quả kinh tế khi XNK hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.

Đại diện VNPT cho rằng, thông qua trung tâm điều hành, hệ thống cửa khẩu thông minh sẽ giúp: DN có thể tạo tờ khai từ bất kì đâu; Giám sát người và phương tiện ra vào cửa khẩu; Bãi xe thông minh; Quản lý xe tự hành.

Hiện, VNPT đã triển khai Cửa khẩu số cho cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành dưới mô hình Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai (từ tháng 8/2023) và tích hợp thành công các hệ thống tự động hóa như CameraAI, barrie tự động, hệ thống loa thông minh...

Kết quả với 150 DN sử dụng cùng số phương tiện xấp xỉ 300 xe/ngày, số lượng điểm chạm đã giảm từ 10-12 xuống 4-5 điểm chạm với thời gian xử lý trung bình chỉ còn bằng 1/3 so với trước đây.

Dù vậy, theo ông Kiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống Cửa khẩu số đã gặp không ít tồn tại gồm: Chưa có nền tảng Cửa khẩu số áp dụng chung cho tất cả các cửa khẩu nên dữ liệu giữa các cửa khẩu chưa liên thông với nhau, DN vẫn phải khai báo nhiều lần; Chưa có cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành về hải quan, thuế, biên phòng; Chưa kết nối được dữ liệu quản lý phương tiện vận tải, dữ liệu dân cư để hỗ trợ định danh và khai báo thông tin xuất nhập khẩu nhanh chóng.

Ngoài ra, việc chưa có cơ chế liên thông dữ liệu với các nước bạn để tự động hóa trong quy trình xuất nhập khẩu, đồng bộ được thông tin XNK hay chưa ứng dụng được đầy đủ các công nghệ như 5G, IoT, dữ liệu lớn để tự động hóa, tối ưu công các quản trị, vận hành cửa khẩu cũng là những bất cập của giải pháp.

Từ đó, Phó Tổng Giám đốc VNPT đã đưa ra đề xuất đối với chính phủ, bộ, ngành để có thể triển khai đồng bộ mọi cửa khẩu trên toàn quốc để giải quyết các hạn chế của hoạt động XNK truyền thống cũng như liên thông giữa các Cửa khẩu số.

Chúng tôi cũng mong muốn cho phép các đơn vị đã có kinh nghiệm và tiên phong trong việc xây dựng Cửa khẩu số tham gia thiết kế và thực thi ở quy mô quốc gia”, ông Kiên bày tỏ

Với các địa phương, ông Kiến cũng mong muốn các tỉnh, thành ứng dụng, khai thác hệ thống Cửa khẩu số để có các điều tiết cần thiết cho việc sản xuất, lưu thông và XNK hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển KTS tại địa phương./.

TP