Coi chuyển đổi số là “căn cốt” trong từng hộ gia đình
Diễn đàn - Ngày đăng : 22:41, 15/09/2023
Coi chuyển đổi số là “căn cốt” trong từng hộ gia đình
Chuyên đề thảo luận chuyển đổi số (CĐS) trong khuôn khổ hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Chuyên đề được tổ chức ngày 15/9 thực sự mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa to lớn, hướng chung đến mục tiêu, khát vọng đảm bảo sự phát triển bền vững, toàn diện, toàn cầu đang diễn ra trên thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện bức tranh “hệ sinh thái số toàn cầu” bền vững, trong đó tập trung phục vụ, tăng hiệu quả mọi lợi lợi ích số cho người dân trên thế giới.
Việc hợp tác toàn cầu sẽ đảm bảo không gian mạng an toàn, lành mạnh, bền vững
Trao đổi về lợi ích, các giá trị to lớn mà CĐS đang mang lại hiện nay, ông Lưu Bá Mạc, đại biểu của Việt Nam cho rằng, nhất thiết, các tổ chức, quốc gia cần chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Mặt khác, CĐS đang giúp các quốc gia cải cách nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, tăng tính minh bạch, hiệu quả quản lý nhà nước, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Với những giá trị, lợi ích đó, CĐS thực sự đang ảnh hưởng, quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, để đảm bảo những kết quả tạo ra tốt nhất, hiệu quả nhất các đất nước, quốc gia cần xây dựng thể chế, chính sách đúng, phù hợp, gắn với thực tế để thúc đẩy phát triển CĐS.
Hơn nữa, muốn làm tốt điều này cần tập trung lấy con người làm trung tâm, đồng thời, thúc đẩy cơ sở hạ tầng số, hệ sinh thái cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả, biến việc thực hiện nhiệm vụ CĐS thành phương thức phát triển bền vững.
Hơn nữa, cũng để tạo thuận lợi cho tiến trình phát triển CĐS, việc xây dựng, phát triển nền tảng số cho mỗi quốc gia cũng cần được coi là giải pháp mang tính đột phá, là cơ sở hạ tầng mềm của không gian số, giúp giải quyết vấn đề cụ thể của CĐS.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tạo ra ngân hàng lưu trữ dữ liệu người dùng; thu hút, gia tăng số lượng người dùng; tạo ra các nền tảng với chi phí thấp, nhưng đảm bảo chất lượng cao.
Đặc biệt, để quá trình CĐS diễn ra thuận lợi, hiệu quả cần nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; giải pháp đồng bộ để bảo vệ chủ quyền số của mỗi quốc gia. “Việc hợp tác khu vực và toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo không gian mạng an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lưu Bá Mạc, ở chủ đề ngày hôm nay, muốn CĐS cho hoạt động của nghị viện hiệu quả cần xác định đây là nhiệm vụ không thể tách rời mà là một hoạt động tổng thể. Vì vậy, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các chương trình nghị sự, của Quốc hội phải luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên.
Và điều quan trọng, ông Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, CĐS là mang tính thể chế nhiều hơn cuộc cách mạng công nghệ thông thường và khoa học công nghệ, đổi mới chính là bước tiến nhanh với vô số đột phá. Nhờ ưu điểm này, giúp tạo ra bước đột phá nhiều mặt trên quy mô không chỉ một quốc gia mà rộng hơn là phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.
Đồng tình cao với những quan điểm đánh giá, nhận định của của ông Lưu Bá Mạc, nghị sĩ Cynthia Lopez Castro, Mexico cho rằng, hiện nay những khó khăn, thách thức mà CĐS đang đối mặt chính là mức độ phổ quát Internet ở mỗi quốc gia là khác nhau, không đồng đều.
Do đó, muốn điểm hạn chế này được khắc phục cần điểm chung là các quốc gia phải hỗ trợ, tìm giải pháp để nâng cao tỷ lệ về quyền được tiếp cận các công nghệ số cho mọi người dân. Trường hợp khi đã tiếp cận tạo được kết quả cao thì các quốc gia cần bảo vệ người dân các quyền, lợi ích số dựa trên việc ban hành hành lang pháp lý, pháp luật số.
“Đặc biệt cần, tăng cường xây dựng, thực thi các điều khoản quy định pháp luật hoặc các đạo luật số có khả năng đảm bảo, bảo vệ phòng chống các hành vi, bạo lực các đối tượng yếu thế là phụ nữ, trẻ em trên môi trường không gian mạng”, nghị sĩ Cynthia Lopez Castro nhấn mạnh.
Coi CĐS là vấn đề “căn cốt” trong từng hộ gia đình
Cũng chia sẻ thẳng thắn về quan điểm thành quả trong việc CĐS của quốc gia, đất nước mình, Nghị sĩ từ Iran nhận định, sự kiện chính là dịp để chúng ta đánh giá việc cần thiết, tầm quan trọng trong vấn đề nâng cao nhận thức trong việc hướng đến CĐS, đổi mới sáng tạo từ công nghệ số trong mục tiêu chung thúc đẩy, phát triển tiến bộ thế giới. Iran luôn mong muốn được trao đổi những kiến thức, kỹ năng, xây dựng cơ chế để thúc đẩy hoạt động CĐS này ngày một bền vững…
“Hơn nữa, cách làm của Iran chính là luôn đẩy mạnh việc trao quyền cho giới trẻ, cụ thể tích cực tăng cường về đào tạo các kỹ năng, năng lực, kiến thức số cho giới trẻ…”, Nghị sĩ Iran nhấn mạnh.
Cũng cùng quan điểm về việc tập trung trang bị các kỹ năng, kiến thức công nghệ số cho giới trẻ, bà Bà Yetunde Bakare, Giám đốc YIAGA Africa còn nói thêm, đây chính là các đối tượng nòng cốt giúp mỗi quốc gia thu hẹp khoảng cách phát triển số, năng lực số trong bối cảnh CĐS.
Qua sự kiện này, bà Yetunde Bakare cho rằng, với công nghệ số, các nghị sĩ trẻ có thể mở rộng hiểu biết, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình lập pháp. Khi đó, công việc của các nghị sĩ sẽ thực chất hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch giải trình của các nghị sĩ.
Ở quan điểm khác, Nghị sĩ Ireland chia sẻ, chính phủ Ireland từ lâu đã luôn coi trọng, tập trung thực hiện việc số hoá mọi lĩnh vực của đất nước mình. Cụ thể, chính phủ luôn tạo các cơ chế, chính sách ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình CĐS mọi hoạt động, quy trình quản trị. Hơn nữa, có cơ chế băng thông cáp quang rộng cho mọi đối tượng cộng đồng, người dùng sử dụng.
“Đặc biệt, Ireland luôn ủng hộ mọi sự phát triển, tiến bộ của kỷ nguyên số và mong muốn mọi quốc gia tiếp cận mạnh mẽ hơn việc CĐS, coi việc CĐS chính là một tầm nhìn thúc đẩy mọi sự phát triển; coi CĐS là vấn đề “căn cốt” trong từng hộ gia đình”, Nghị sĩ Ireland nhấn mạnh.
Đối với quan điểm khác từ Nghị sĩ Nam Phi cho biết, CĐS ở quốc gia này đã được quy định rõ ràng, là nhiệm vụ của Bộ TT&TT Nam Phi. Hơn nữa, Quốc hội Nam Phi cũng có một ủy ban giám sát về CĐS và Quốc hội Nam Phi đã xây dựng chiến lược phát triển CNTT tập trung vào nhiệm vụ CĐS và đổi mới sáng tạo.
“Ngoài ra, Nam Phi có đội ngũ kỹ sư tốt cũng như có chiến lược phát triển công nghệ số, có nhiều công cụ phát triển đổi mới sáng tạo”, Nghị sĩ Nam phi nhấn mạnh.
Như vậy, bên cạnh những quan điểm, ý kiến nêu trên, diễn đàn còn ghi nhận thêm nhiều ý kiến khác của các Nghị sĩ, tuy nhiên, tựu trung cho các quan điểm, ý kiến này chính là thông điệp, mong muốn về sự hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm lẫn nhau vì mục tiêu thúc đẩy hành trình số hoá ở mỗi quốc gia nhanh, hiệu quả bền vững. Quan trọng hơn, để mọi người dân trên thế giới được bình đẳng, tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ số an toàn, chất lượng, hữu ích nhất./.