Chuyển đổi quy hoạch đô thị cho tương lai cần thích ứng với biến đổi khí hậu
Truyền thông - Ngày đăng : 15:49, 16/09/2023
Chuyển đổi quy hoạch đô thị cho tương lai cần thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong năm quốc gia đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trước tình hình này, các biện pháp cấp bách cần được triển khai nhằm tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai; đồng thời xây dựng các kế hoạch và chiến lược dài hạn để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu tại các khu vực đô thị hoá tại Việt Nam
Thực tế rà soát theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh.
Trong 20 năm gần đây, nhiệt độ trung bình của quốc gia đã tăng khoảng 0,4°C so với giai đoạn 1981 - 1990. Mặc dù nhiệt độ cực đại tăng ở một số vùng nhưng lại giảm ở một số khu vực ở phía Nam. Những đô thị có mật độ dân cư cao, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đang chịu sự tác động nghiêm trọng.
Những tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập lụt phải nhắc đến như: TP. Hải Phòng đang phải đối mặt với 5-10% diện tích bị ngập; trong khi tỉnh Thái Bình gần như một nửa diện tích (50-60%) bị ngập; tỉnh Nam Định phải đối phó với mức ngập từ 30-40%, và TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận khoảng 20% diện tích bị ngập.
Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn ở các tỉnh như Kiên Giang và Hậu Giang, khi diện tích ngập lụt lên tới 80%. Thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu phải đối mặt với mức ngập từ 5-10% và 40-50% diện tích tương ứng. Sóc Trăng và Cà Mau cũng không nằm ngoài tầm tác động, khi mất lần lượt 25-30% và 40-50% diện tích do ngập lụt.
Theo Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12 năm 2017, trên toàn quốc có 813 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại I, 05 đô thị trực thuộc Trung ương, 45 đô thị quy mô lớn và vừa là trung tâm kinh tế của tỉnh và khu vực, 724 đô thị loại vừa và nhỏ. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh với tỷ lệ đô thị hóa trung bình là 35,7%.
Hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Các khó khăn đang đối mặt trong quá trình lập quy hoạch hiện nay
Về không gian, kiến trúc, việc lồng ghép quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nhận được sự chú trọng đúng mức. Hầu hết các đô thị ở Việt Nam đã hình thành từ lâu và sau đó mới được quy hoạch phát triển mở rộng, dẫn đến sự thiếu đồng bộ. Tình trạng này làm giảm khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, trong đó diện tích cây xanh và hồ điều hòa đang thiếu trầm trọng. Các đô thị hiện nay ít có cây xanh, không gian sống thu hẹp và hồ điều hòa bị san lấp để xây dựng nhà ở, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, việc xây dựng đã làm mất đi 94-95% các mặt nước và cấu trúc tự nhiên của thành phố. Ví dụ, mật độ cây xanh tại mô hình đô thị Linh Đàm trước đây là 5m2 - 6m2/người, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 0,4m2/người. Mất đi diện tích cây xanh và hồ điều hòa ảnh hưởng đến chất lượng không khí và tăng nhiệt độ. Trong mùa mưa bão, thiếu hồ dự trữ gây ngập úng, gây bất lợi cho cuộc sống của cư dân.
Về hạ tầng kỹ thuật và giao thông, đa số đô thị ở Việt Nam không đủ khả năng chống đỡ áp lực phát triển xã hội. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, với mật độ dân số ngày càng tăng. Hệ thống giao thông phát triển không đồng bộ, đường giao thông hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về hạ tầng xã hội, công trình nhà ở, cây xanh, khu vui chơi, bệnh viện và nhiều hạng mục khác tại các đô thị vẫn còn thiếu. Vì lợi ích, một số quy hoạch đô thị đã bị nhà đầu tư giảm diện tích cây xanh để xây dựng nhiều nhà cao tầng hơn. Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sử dụng kính làm tăng hiện tượng hấp thu nhiệt, tăng nhiệt độ ở đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống.
Như vậy có thể thấy sự thiếu đồng bộ và kết cấu hạ tầng đô thị chưa được điều chỉnh thích hợp đã dẫn đến những hệ lụy. Sự gia tăng dân số đô thị cùng với tình hình xây dựng nhà cao tầng ngày càng tăng ở các khu vực thành thị, đặt thêm áp lực lớn lên hệ thống giao thông và hạ tầng thoát nước. Mặc dù có các quy định về cốt mặt bằng trong xây dựng đô thị, nhưng thực tế, từng khu vực thường tuân theo quy hoạch riêng, khiến cho sự không đồng nhất trong kiểu kiến trúc và cốt nền. Khi mưa lớn kéo dài, những khu vực có cốt nền thấp dễ dàng biến thành điểm ngập úng.
Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị
Để giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực đô thị, việc quy hoạch đô thị được xem là một trong những biện pháp quan trọng. Đây là quá trình “tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị”. Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi của khí hậu sẽ góp phần làm giảm sự tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân thành thị.
Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đô thị, Chính phủ đã thực hiện các đề án quy hoạch nhằm giảm thiểu hậu quả của hiện tượng này. Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020". Mục tiêu chung của đề án này là tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tận dụng hợp lý tài nguyên trong cải tạo và nâng cấp đô thị, tăng cường quản lý và phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương.
Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 cũng phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030". Mục tiêu tổng quát của đề án này là đảm bảo đô thị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát không khí, đất, nước theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng với việc tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn ở các cấp để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Luật Quy hoạch đô thị năm 2020 xác định: “Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm họa ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị” (khoản 3, Điều 6).
Trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các đô thị ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu vừa được coi là thách thức cũng vừa là cơ hội.
Đó là mở ra cơ hội để xem xét lại tính bền vững của quy hoạch hiện tại, liệu chúng thực sự đảm bảo môi trường hay vẫn coi việc phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, đó là cơ hội giúp đơn giản hóa quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, để bảo đảm quản lý hiệu quả từ phía nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư đô thị.
Quan trọng hơn, cơ hội này còn mở ra khả năng tăng cường sự minh bạch trong quá trình quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tham gia rộng rãi của cộng đồng. Điều này hỗ trợ việc đưa ra các quyết định khoa học, xem xét lợi ích của tất cả các bên liên quan thay vì chỉ một nhóm nhỏ. Cuối cùng, cơ hội này còn giúp kết nối với cộng đồng quốc tế, tận dụng những ý tưởng mới và xu hướng tiên tiến, từ đó tránh những sai lầm mà nhiều nước phát triển đã gặp phải.