Vận hội mới để Học viện Công nghệ BCVT thực hiện giấc mơ lớn

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:22, 17/09/2023

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Thế hệ hôm nay có điều kiện hơn thế hệ đi trước thì phải có giấc mơ lớn hơn và phải có những đóng góp lớn hơn cho Học viện”.
Diễn đàn

Vận hội mới để Học viện Công nghệ BCVT thực hiện giấc mơ lớn

Hoàng Linh 17/09/2023 15:22

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Thế hệ hôm nay có điều kiện hơn thế hệ đi trước thì phải có giấc mơ lớn hơn và phải có những đóng góp lớn hơn cho Học viện”.

Ngày 17/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã mít-tinh kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Bưu điện - Vô tuyến điện (1953 - 2023), đơn vị tiền thân của Học viện.

Buổi Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các đơn vị đối tác, các địa phương nơi trường từng đóng quân và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên (CBCNV), giảng viên, học viên và sinh viên Học viện.

anh-lu-niem-70-nam-3.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm thành lập trường Bưu điện - Vô tuyến điện

70 năm đã trôi qua kể từ khi mái trường Bưu điện - Vô tuyến điện (VTĐ) đầu tiên được thành lập ngày 7/9/1953 tại xã Cao Vân - Huyện Đại từ - Tỉnh Thái Nguyên với nhiệm vụ với nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp: Đào tạo cán bộ có khả năng tương đương với Trưởng ty; Hệ sơ cấp: đào tạo theo hai ban là Ban Khai thác nghiệp vụ, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khai thác Bưu vụ và Điện thoại viên; Ban Kỹ thuật đào tạo điện khí và điện tuyến viên. Đây là trường đào tạo cán bộ Bưu điện đầu tiên dưới chế độ mới.

anh-luu-niem-70-nam-2.jpg
Các thế hệ sinh viên của Học viện Công nghệ BCVT vui mừng gặp gỡ trong ngày kỷ niệm 70 năm

Trải qua nhiều lần đổi tên như: Trường Chuyên nghiệp Bưu điện, trường Cán bộ Bưu điện - Truyền thanh, trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật Thông tin Liên lạc (TTLL), Trường Cán bộ Bưu điện, Trung tâm Đào tạo BCVT 1 và nay là Học viện Công nghệ BCVT, mặc dù quy mô và cấp độ đào tạo có thay đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, song mái trường này vẫn là “cái nôi” đào tạo cán bộ lớn nhất trong cả nước về BCVT và CNTT.

Sứ mệnh đào tạo nhân lực cho ngành TT&TT qua các thời kỳ

bo-truong-nguyen-manh-hung-17092023.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Học viện phải luôn bám sát sự phát triển của Bộ, của Ngành, của đất nước và của thời đại.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường Bưu điện - VTĐ, đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ BCVT ngày nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thân ái gửi đến các thế hệ CBCNV, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hôm nay thực sự là một ngày hội lớn của trường, các thế hệ đã hội tụ về đây, trong không khí vui tươi, phấn khởi của lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên của Học viện. “Tôi rất vui mừng tới dự, chung vui cùng một sự kiện nhiều ý nghĩa, ấm áp tình thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè của thầy và trò Học viện”, Bộ trưởng bày tỏ.

70 năm trước đây, năm 1953, chỉ 8 năm sau ngày cách mạng thành công, Đảng và Nhà nước ta, ngay trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, đã quyết định thành lập một trường riêng để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bưu điện. “Sứ mệnh ban đầu đặt ra là đào tạo cả lớp tinh hoa, những người trưởng ngành, trưởng ty và cả đông đảo lực lượng thực hành, triển khai. Cách đào tạo của trường thì có thể thay đổi, ngành nghề có thể mở rộng, nhưng sứ mệnh ban đầu ấy thì Học viện nên giữ và phải giữ, Bộ trưởng căn dặn.

Bộ trưởng khẳng định, “Ngành bưu điện đã liên tục phát triển cùng với sự phát triển của đất nước, cùng với thời đại, từ bưu điện rồi đến BCVT, rồi đến CNTT và công nghệ số, rồi nhập với báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, truyền thông và thông tin cơ sở. Để hôm nay, chúng ta là ngành TT&TT.

Hầu như trong mọi giai đoạn phát triển của Ngành, Bộ trưởng cho biết đều có một trường ĐH riêng cho ngành, thể hiện tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo Ngành về tầm quan trọng của đào tạo, của nhân lực, của con người.

Hiện nay, ngành TT&TT có đủ bộ ba về đào tạo: một ĐH TT&TT, một cao đẳng TT&TT và một trường đào tạo cán bộ TT&TT. “Tất cả ba trường của Bộ đều phải đào tạo đủ các lĩnh vực của Bộ, phải là trường số một về đào tạo các lĩnh vực của ngành TT&TT, là trường số một về đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành TT&TT. Học viện phải luôn bám sát sự phát triển của Bộ, của Ngành, của đất nước và của thời đại.

Suốt 70 năm qua, cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhà trường đã trải qua nhiều lần đổi tên, từ trường Bưu điện - Vô tuyến điện (VTĐ) sang Đại học Kỹ thuật TTLL và nay là Học viện Công nghệ BCVT. Nhưng ở giai đoạn nào, Bộ trưởng nhấn mạnh “Trường cũng hoàn thành sứ mệnh cao cả là trồng người của mình.

Nhà trường đã đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý có năng lực và tâm huyết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của Ngành trong suốt các thời kỳ cách mạng, từ trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, rồi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và sau đó là Đổi mới và nay là xây dựng Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ trưởng ghi nhận.

Giữ gìn bản sắc để đi xa

tri-an-70-nam.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu của trường Bưu điện - VTĐ qua các thời kỳ được Học viện tặng kỷ niệm chương tri ân và tôn vinh.

Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Nhà trường, Học viện đã tổ chức lễ khánh thành Bia kỷ niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên khi thành lập trường Bưu điện - VTĐ tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các thế hệ thầy cô và trò Học viện. Đây không chỉ đơn giản là một tấm bia kỷ niệm mà còn là tấm lòng tri ân, biết ơn của cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện hôm nay với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ thầy và trò đầu tiên của nhà trường”,

Cũng theo Bộ trưởng, “Không giữ gìn quá khứ thì sẽ không có bản sắc và cũng không đi xa được. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc nếu không thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống. Biết ơn phải luôn là một giá trị cốt lõi, căn bản của Học viện.

Nhận thức sâu sắc thay đổi để đổi mới đào tạo

Bộ trưởng nhận định: Ngành ta đang bước vào cuộc Đổi mới lần hai, với nhiều đặc điểm mới rất quan trọng. Học viện cần nhận thức sâu sắc những thay đổi này để đổi mới đào tạo. Đổi mới lần 2 thì nội hàm của viễn thông đa thay đổi. Hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng TTLL, thì nay trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, gọi là hạ tầng số, tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH).

Hạ tầng số thì ngoài viễn thông còn có điện toán đám mây (ĐTĐM), Internet vạn vật, cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng trên không gian mạng. Hạ tầng số là hạ tầng của chuyển đổi số (CĐS). Hạ tầng số là để số hoá thế giới thực và hình thành một không gian mới, không gian số, hay còn gọi là không gian mạng. Loài người có thêm một không gian sống mới là không gian mạng để sống, làm việc và sáng tạo. Lần đầu tiên loài người thay vì tiêu sài và làm cạn kiệt các loại tài nguyên thì sinh ra một loại tài nguyên mới vô hạn, đó là dữ liệu.

Đổi mới lần 1 thì chủ yếu dựa trên công nghệ nước ngoài. Đổi mới lần 2 thì chủ yếu phải dựa trên công nghệ Việt Nam phát triển. Chúng ta đã nghiên cứu sản xuất được được thiết bị, mạng lưới viễn thông, đã làm chủ nền tảng số, công nghệ ĐTĐM, nền tảng IoT.

Đổi mới lần 1 thì tập trung vào trong nước. Đổi mới lần 2 còn là đi ra nước ngoài, chinh phục thị trường quốc tế. Đổi mới lần 1 là phổ cập viễn thông, Internet. Đổi mới lần 2 là phổ cập công nghệ số đến từng doanh nghiệp (DN), từng hộ gia đình, từng người dân để họ có công cụ hiện đại để làm ăn. Nó giống như phổ cập điện, nước.

Vậy, theo Bộ trưởng, “Thay vì phổ cập dịch vụ thì phổ cập công cụ lao động hiện đại, biến công cụ đắt tiền thành dịch vụ giá rẻ”.

Đổi mới lần 2 cũng nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của công nghệ, sử dụng có trách nhiệm các công nghệ số mới, nhất là AI, bởi vì công nghệ số cũng có sức mạnh phá huỷ không kém sức mạnh phát triển thị trường.

Đổi mới lần 2 thì công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Nhân lực số, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản. Đổi mới sáng tạo số trở thành động lực phát triển cơ bản.

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), theo Bộ trưởng, tạo ra một điểm gẫy trong tiến trình phát triển. Khi đó tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. “Đây cũng chính là lúc những ước mơ lớn của Học viện sẽ có cơ hội để thực hiện. Lúc này ước mơ càng lớn thì càng có cơ hội để thực hiện”.

Công nghệ số của cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ mở rộng giới hạn của Học viện. Những khó khăn lớn, kéo dài của Học viện nhiều chục năm nay như thiếu giáo viên, thiếu học liệu chất lượng, thiếu phòng lab thực tập, thiếu đất, thiếu kết nối với các cựu sinh viên, quy mô của Học viện tăng chậm… sẽ được giải quyết bằng những cách tiếp cận mới”, Bộ trưởng nhận định.

toan-canh-ky-niem-70-nam-ptit.jpg
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

Hãy đi con đường của mình và viết nên câu chuyện của thế hệ mình

Cũng theo Bộ trưởng, thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận có thể biến một việc rất khó, không khả thi thành một việc khả thi. Ước mơ lớn và góc nhìn mới là dấu hiệu và cũng là điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo Học viện thời CĐS.

Lãnh đạo của Học viện phải là các nhà lãnh đạo thời CĐS. Mỗi thế hệ phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Chỉ có như vậy thì dòng chảy của Học viện mới liên tục. Học viện đang có một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và có khát vọng. Hãy đi con đường của mình và viết nên câu chuyện của thế hệ mình. Hãy đến một đích mới, tìm và tìm ra thế hệ kế tiếp và rời đi để cho một thế hệ khác viết nên một trang mới nữa của Học viện”.

Cách tốt nhất để tôn vinh các thế hệ đi trước là làm cho Học viện phát triển và làm cho Học viện phát triển lên một tầm cao mới. Thế hệ hôm nay có điều kiện hơn thế hệ đi trước thì phải có giấc mơ lớn hơn và phải có những đóng góp lớn hơn cho Học viện. Thế hệ lãnh đạo Học viện hôm nay phải nhận lấy trách nhiệm này.

bang-khen-cp-cho-ptit-2018-2022(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Học viện về những thành tích trong giai đoạn 2018 - 2022.

Bộ trưởng mong muốn toàn thể CBCNV, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên Học viện tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu và 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành và phương châm hành động mới “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Học viện.

Tin tưởng thế hệ sinh viên mới của Học viện

ong-do-trung-ta-17092023.jpg
GS. TSKH. Đỗ Trung Tá chúc Học viện ngày càng phát triển, xứng đáng là trường ĐH số đầu tiên, đóng góp sự phát triển CĐS của Quốc gia.

Là cựu sinh viên, giảng viên của trường, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT xúc động nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng là sinh viên, giảng viên của trường.

GS. TSKH. Đỗ Trung Tá cũng chia sẻ để có sự trưởng thành ngày hôm nay là có sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè và mỗi sinh viên cần nhất sự kiên nhẫn, say mê và cống hiến. “Thế hệ sinh viên hôm nay cần chú ý một số điểm: thông minh hoá hạ tầng số; tri thức hoá nguồn nhân lực và toàn cầu hoá mọi tiềm năng của đất nước; tiêu chuẩn hoá cuộc sống như tiêu chuẩn và đạo đức về AI phục vụ phát triển”, GS. TSKH Đỗ Trung Tá bày tỏ mong muốn.

GS. TSKH. Đỗ Trung Tá cũng bày tỏ tin tưởng nhiều sinh viên giỏi của Học viện sánh vai cường quốc trên thế giới, không phụ lòng sự dìu dắt, tin tưởng của Học viện và đóng góp cho sự phát triển KT-XH của đất nước và chúc Học viện ngày càng phát triển, xứng đáng là trường ĐH số đầu tiên, đóng góp sự phát triển CĐS của Quốc gia.

ong-ngo-viet-lam.jpg
Cựu sinh viên Ngô Viết Lâm cam kết góp phần đưa ngành công nghệ Việt Nam có vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ông Nguyễn Viết Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rikkei Soft, cựu sinh viên D99 bày tỏ niềm tự hào về truyền thống 70 năm của nhà trường, nghĩa tình của ngành Bưu điện và biết ơn các thế hệ đi trước, thầy cô đã giúp các sinh viên trưởng thành.

Thay mặt các cựu sinh viên của Học viện, ông Ngô Viết Lâm cũng cam kết và hứa trở thành những người tốt để tiếp nối truyền thống của Ngành, cố gắng góp phần đưa ngành TT&TT, ngành công nghệ Việt Nam có vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.

Là thế hệ sinh viên đi trước, cựu sinh viên Ngô Viết Lâm cũng cho biết sẽ dìu dắt, hỗ trợ các thế hệ sinh viên tiếp nối các thế hệ đi trước của Học viện.

anh-luu-niem-70-nam.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực thời CĐS

Trong thời gian qua, Học viện đã và đang trở thành điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trong chiến lược CĐS Giáo dục ĐH, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo định hướng lai ghép đa ngành, đa lĩnh vực như Truyền thông Đa phương tiện, thương mại Điện tử, công nghệ tài chính, IoT, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, báo chí số… để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Cuộc CMCN 4.0. Trong thời gian tới, Học viện sẽ mở thêm một số ngành đào tạo định hướng CĐS như ngành kinh tế số, công nghệ Game, …

Trong hoạt động nghiên cứu Khoa học, Học viện luôn duy trì vị thế là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện các hoạt động Nghiên cứu Khoa học theo đặt hàng từ DN và từ xã hội, khẳng định là một trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực BCVT và CNTT của Quốc gia.

Bên cạnh các đề tài, nhiệm vụ theo đặt hàng từ các cơ quan, tổ chức, DN, Học viện là địa chỉ hợp tác đáng tin cậy trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các hãng, các công ty lớn trong và ngoài nước như Qualcomm, Samsung, Naver, VinGroup, Naver, VNPT…

ong-dang-hoai-bac.jpg
Giám đốc Đặng Hoài Bắc: Học viện là một trong các trường ĐH dẫn đầu về CĐS giáo dục với một hệ sinh thái số hoàn chỉnh dành cho sinh viên.

PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện khẳng định: “70 năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè trong nước và quốc tế, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ và sinh viên, Trường Bưu điện - VTĐ trước đây và ngày nay là Học viện Công nghệ BCVT đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ chiến đấu và sản xuất kinh doanh, đã có những đóng góp và cống hiến to lớn cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

Trường đã vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - giáo dục - đào tạo đã được Đảng, Nhà nước, Ngành và nhân dân tin tưởng giao phó. Hiện Học viện là một trong các trường ĐH dẫn đầu về CĐS giáo dục với một hệ sinh thái số hoàn chỉnh dành cho sinh viên”, Giám đốc Học viện nhấn mạnh.

ong-tu-minh-phuong.jpg
GS. TS. Từ Minh Phương: Học viện sẽ nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn nữa để trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo xuất sắc, đóng góp nhân lực, tri thức và chuyển giao công nghệ phục vụ CĐS quốc gia.

Tiếp nối lịch sử 70 năm của trường, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết: “Giữ vững tinh thần “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới, tập thể, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện sẽ nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn nữa để xây dựng Học viện trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo xuất sắc, đóng góp nhân lực, tri thức và chuyển giao công nghệ phục vụ CĐS quốc gia. Giữ vững tinh thần tiên phong trong CĐS đào tạo, khẳng định vai trò trường ĐH hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu cho ngành và cho đất nước”./.

Hoàng Linh