Đẩy mạnh triển khai công nghệ số, Thái Lan hướng tới hoàn thiện chính phủ số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:08, 18/09/2023

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh thực hiện trên toàn cầu, Thái Lan đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số của quốc gia.
Chuyển đổi số

Đẩy mạnh triển khai công nghệ số, Thái Lan hướng tới hoàn thiện chính phủ số

Tâm An 18/09/2023 06:08

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh thực hiện trên toàn cầu, Thái Lan đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số của quốc gia.

Để thực hiện được mục tiêu này, mới đây, ông Prasert Chandraruangthong, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Kinh tế số của Thái Lan (DES), đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, bao gồm phát triển ví điện tử, thiết lập nền tảng chuỗi khối (blockchain) quốc gia và chuyển đổi một chính phủ số hóa hoàn toàn.

Những sáng kiến này nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận liền mạch với các dịch vụ khác nhau của chính phủ, từ đó thúc đẩy sự tham gia của họ vào lĩnh vực công.

thailand-digital-government.jpg

Xây dựng một ứng dụng hợp nhất các nền tảng của chính phủ

Một trong những ưu tiên trước mắt của Thái Lan là triển khai chiến lược "Go Cloud First", trong đó vạch ra một khuôn khổ toàn diện với mục tiêu mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây để phục vụ cả khu vực công và tư. Trọng tâm chính là tạo ra các nền tảng đám mây công cộng và riêng tư được tiêu chuẩn hóa để tăng cường quản lý dữ liệu của chính phủ, từ đó đưa Thái Lan trở thành một trung tâm quan trọng trong lĩnh vực này.

Về ID kỹ thuật số, Thái Lan đã thiết lập các tiêu chuẩn mạnh mẽ để đảm bảo tính bảo mật. Hiện nay, quốc gia này có hai dịch vụ nhận dạng số quan trọng: ThaiD và ID kỹ thuật số quốc gia (NDID), cho phép người dùng có thể xác minh danh tính của họ trong không gian số, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trực tuyến khác nhau.

xm3wlshir7ri4c30c6qh.jpg

Với hơn 10 triệu người dùng, Thái Lan vẫn đang tiếp tục mở rộng sự tham gia của người dân, hệ thống này đã tạo sự thuận tiện, minh bạch trong việc tương tác và hoạt động trong hệ thống chính phủ, từ đó xây dựng niềm tin và độ tin cậy cao hơn.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang nỗ lực để triển khai Chính phủ số thông qua kế hoạch tổng thể tích hợp. Kế hoạch này liên quan đến việc tạo ra một ứng dụng hợp nhất các nền tảng của chính phủ, sử dụng blockchain để lưu trữ dữ liệu an toàn, thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

Dữ liệu của chính phủ có vai trò then chốt trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế dữ liệu ngày càng phát triển. Các sáng kiến dữ liệu mở phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bộ Xã hội và Kinh tế số cũng đã thành lập Viện Dữ liệu lớn để xây dựng các chiến lược tận dụng tiềm năng của dữ liệu lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Thái Lan cũng xác định việc cân bằng việc sử dụng dữ liệu với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân là điều cần thiết, do đó, thúc đẩy chính phủ và khu vực tư nhân tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Thông qua cách tiếp cận Dịch vụ một cửa, chính phủ Thái Lan cũng cam kết tăng cường tính minh bạch trong quy trình mua sắm và thanh toán thông qua công nghệ số, đưa chính phủ tiến gần hơn trong việc trở thành Chính phủ số.

shutterstock_2137325629-scaled.jpg

Đẩy mạnh phát triển TPTM thông qua dữ liệu lớn

Thành phố thông minh (TPTM) cũng là một lĩnh vực khác mà Thái Lan đang tập trung phát triển. Việc sử dụng dữ liệu lớn để phát triển đô thị ngày càng được chú trọng. Thông qua việc tích hợp, thu thập và phân tích cũng như quản lý dữ liệu thành phố thông qua Nền tảng dữ liệu thành phố (CDP), Thái Lan đang nỗ lực chuyển đổi các thành phố thành các TPTM.

Trong khi đó, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan (DEPA) cũng đã thực hiện các sáng kiến bao gồm thúc đẩy việc sử dụng IoT trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là phát triển TPTM.

Cách tiếp cận này nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp có khả năng đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững thông qua các công nghệ đổi mới như IoT.

Ví dụ, những nỗ lực này bao gồm tích hợp dữ liệu với các dịch vụ xếp hàng xe tải tại Cảng Laem Chabang, cải thiện các hoạt động của thành phố ở Yala thông qua công nghệ camera và IoT để quản lý khiếu nại cũng như giải quyết các thách thức về thu thuế và quản lý chất thải tại Thành phố Phuket thông qua cơ sở hạ tầng NB-IoT.

Về hệ thống IoT, công nghệ LoRaWan (một giao thức IoT công suất thấp bao gồm công nghệ vô tuyến LoRa, cho phép triển khai mạng mở, đáng tin cậy và tiết kiệm) và NB-IoT (ông nghệ vô tuyến LTE được cấp phép cung cấp độ trễ thấp và bảo mật mạnh mẽ) được Thái Lan ưa chuộng hơn vì hiệu quả sử dụng năng lượng và độ tin cậy cao so với 5G.

DES cam kết mang đến cho các công ty khởi nghiệp Thái Lan cơ hội để đóng góp vào sự tiến bộ công nghệ của đất nước và thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ ở các thành phố và nuôi dưỡng hệ sinh thái nền kinh tế số là những bước quan trọng để thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy sự phát triển. Các sáng kiến Hợp tác công-tư (PPP) và sáng kiến kết hợp cùng đầu tư (Matching Fund) là một trong những cách tiếp cận để đạt được những mục tiêu này.

Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cũng là một ưu tiên của Thái Lan. DES đã triển khai các chương trình đào tạo trong các cơ quan chính phủ và tư nhân để đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin cơ bản về công nghệ; đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng ví điện tử, khuyến khích các cá nhân tìm hiểu về các công nghệ mới nổi như blockchain, tập trung vào tính minh bạch và phân phối tài chính hiệu quả.

Đặc biệt, các sáng kiến quan trọng của DES cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, với việc triển khai đám mây y tế công cộng quốc gia, kết nối lịch sử y tế trên toàn quốc để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe liền mạch và tốt hơn cho người dân./.

Tâm An