Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 18:49, 18/09/2023

Những năm gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và tương lai sẽ còn có tốc độ bứt phá hơn nữa khi tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng lên. Kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ tiềm năng lớn để mở rộng mô hình kinh tế chia sẻ.
Truyền thông

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

T.H {Ngày xuất bản}

Những năm gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và tương lai sẽ còn có tốc độ bứt phá hơn nữa khi tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng lên. Kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ tiềm năng lớn để mở rộng mô hình kinh tế chia sẻ.

Nền kinh tế chia sẻ là nơi những tài nguyên sẵn có được khai thác chung giữa những người dùng thông qua nền tảng là công nghệ, nó giúp kết nối những người có tài nguyên sẵn sàng chia sẻ tài nguyên và những người cần một cách hiệu quả hơn.

Những chủ trương và chính sách tạo điều kiện phát triển kinh tế chia sẻ

Xác định được tiềm năng và tầm quan trọng của mô hình kinh tế chia sẻ trong sự phát triển của kinh tế đất nước, ngày 12/08/2019, Chính phủ đã có Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

Động thái này thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội, nhằm tối ưu hóa tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ở cấp độ cao hơn, ngày 27/09/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nghị quyết 52/NQ-TW cũng chỉ rõ phải "Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới".

Đặc biệt, phát triển kinh tế chia sẻ là một trong những giải pháp lớn để phát triển kinh tế đất nước mà tại chương trình làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước ngày 14/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi và phát triển bền vững.

photo1536165016083-15361650160831251620116-0727.jpg
Các ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe trên điện thoại thông minh. (Ảnh: Internet)

Tiềm năng để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông; dịch vụ lưu trú, du lịch; dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) - chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech).

Có thể thấy, dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông như GrabTaxi và Uber, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be là các ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe trên điện thoại thông minh, hướng tới mục tiêu cải tiến thị trường taxi bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu quả cho cả hai bên cung (công ty vận tải) và cầu (hành khách).

Về loại hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch cũng có 3 mô hình: mô hình Airbnb, mô hình Luxstay, mô hình Travelmob. Với một thị trường hàng trăm triệu dân như Việt Nam cùng hạ tầng công nghệ ổn định thì những mô hình này đang có điều kiện thuận lợi để phát triển và người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân với chi phí hợp lý.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, một phương thức cho vay trực tuyến mới xuất hiện là cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending/P2P Lending). P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính. Nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số, thủ tục, quy trình cho vay, giải ngân cũng được tối giản, tiết kiệm thời gian.

Loại hình này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.

Có thể nói, những mô hình này sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, đón đầu của Việt Nam, bởi lẽ nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội lập nghiệp và rất nhiệt huyết tìm kiếm ý tưởng mới trong kinh doanh thông qua các nền tảng công nghệ.

Các mô hình kinh tế chia sẻ này giúp giải quyết các vấn đề mà cách kinh doanh truyền thống chưa giải quyết được, như: gia tăng quyền hạn cho các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh, thay đổi cách thức marketing, mua bán sản phẩm, tạo ra luồng thông tin ngày càng công khai, minh bạch giữa người tiêu dùng, người sản xuất…

Để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, ngoài việc phát triển các nền tảng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thì vấn đề quan trọng hiện nay là hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành.

Có thể thấy rằng "kinh tế chia sẻ" đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số (Digital Economy), là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp tại nhiều quốc gia. "Kinh tế chia sẻ" vẫn còn nhiều không gian rộng lớn để phát triển và lấp đầy những khoảng trống của các thị trường kinh doanh truyền thống hiện tại.

Tận dụng cơ hội để phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ cũng là tận dụng cơ hội của Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 - sự phát triển của thời đại số, bắt kịp xu hướng chung của thế giới, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số.

T.H