Phát triển kinh tế số địa phương: tránh hiện tượng "trăm hoa đua nở"

Kinh tế số - Ngày đăng : 06:08, 19/09/2023

Kinh tế số (KTS) là một trụ cột chuyển đổi số (CĐS) của địa phương. Vì vậy, phát triển KTS phải đặt trong tổng thể phát triển đồng đều các trụ cột CĐS của địa phương, như chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh. Như vậy, mới tạo nền tảng vững chắc để phát triển KTS.
Kinh tế số

Phát triển kinh tế số địa phương: tránh hiện tượng "trăm hoa đua nở"

Anh Minh 19/09/2023 06:08

Kinh tế số (KTS) là một trụ cột chuyển đổi số (CĐS) của địa phương. Vì vậy, phát triển KTS phải đặt trong tổng thể phát triển đồng đều các trụ cột CĐS của địa phương, như chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh. Như vậy, mới tạo nền tảng vững chắc để phát triển KTS.

Đặc trưng của nền KTS Việt Nam: trẻ và có nội lực mạnh mẽ

Đứng trước bối cảnh mới mà kỷ nguyên số đặt ra, nền kinh tế buộc phải có sự chuyển dịch tương ứng, đi cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hình thành nên những nền tảng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là kiến tạo nên những nguồn tài nguyên mới, giá trị mới và cả những phương thức vận hành mới của đời sống kinh tế-xã hội.

Trong đó, nền KTS phải bao gồm tất cả các ngành trong nền kinh tế truyền thống của kinh tế quốc gia. Tất cả các ngành này đang cố gắng đưa công nghệ số vào hoạt động của mình, để tối ưu và tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới so với cách thức kinh doanh truyền thống.

tctk-5.jpg
Nền KTS phải bao gồm tất cả các ngành trong nền kinh tế truyền thống của kinh tế quốc gia.

Theo bà Phan Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn CĐS, Tập đoàn VNPT, đặc trưng của KTS Việt Nam là trẻ và đang trong giai đoạn phát triển ở những bước đầu tiên. Tính đến tháng 6/2023, KTS chiếm khoảng 15% GDP của cả nước và cũng theo các số liệu thống kê, so sánh với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á thì đến 2025, dự báo Việt Nam sẽ chiếm khoảng 18,6% giá trị thị trường KTS của khu vực Đông Nam Á.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, cùng với Indonesia, đang đứng trong top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng KTS cao nhất. Trong đó, tính từ năm 2015, Việt Nam có tốc độ trung bình tăng trưởng KTS hằng năm là 38% so với mức trung bình 33% của khu vực Đông Nam Á.

Đây chính là một những số liệu thực tế đặc trưng cho sự trẻ và nội lực phát triển mạnh mẽ của nền KTS Việt Nam”, bà Phan Thanh Ngọc nói.

Tính đến năm 2025, chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ trọng KTS phải đạt 20% GDP cả nước. Chỉ tiêu này được nhận định sẽ thành công, chứng tỏ nền KTS Việt Nam không chỉ trẻ mà còn có tốc độ phát triển tốt, và Việt Nam hoàn toàn có những nội lực mạnh mẽ để phát triển KTS.

phan-thanh-ngoc-vnpt-2.jpg
Bà Phan Thanh Ngọc: nền KTS quốc gia nói chung và KTS ở địa phương nói riêng của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi và thách thức.

Theo VNPT đánh giá, nội lực đó sẽ quyết định sự gắn kết chặt chẽ của 4 thành phần tham gia vào nền KTS Việt Nam, bao gồm: Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách để tạo ra các hành lang pháp lý, cơ chế phát triển nền KTS; Thứ hai là các DN, bao gồm các DN về công nghệ thông tin, viễn thông, cả toàn thể cộng đồng DN của nền kinh tế Việt Nam; Thứ ba là các cá nhân, tức là trực tiếp các đối tượng người tiêu dùng và người tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp KTS; Và đối tượng thứ tư tạo ra những giá trị sáng tạo, bản sắc KTS riêng của Việt Nam, đó là đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo (ĐMST), cụ thể là các trường đại học, các trung tâm ĐMST, các công ty khởi nghiệp và các viện chiến lược, viện nghiên cứu.

Theo đại diện VNPT, nền KTS quốc gia nói chung và KTS ở địa phương nói riêng của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện CĐS quốc gia. Thứ hai, tất cả các địa phương có lực lượng lao động hầu hết đều trẻ và năng động, dễ dàng tiếp cận các kỹ năng số, khả năng áp dụng kỹ thuật số cao.

Thuận lợi tiếp theo là ngành công nghiệp phần mềm tăng trưởng mạnh, các ngành kinh tế nền tảng có sự phát triển nhanh, tích cực. Và cuối cùng, sự xuất hiện của mạng 5G và những tác động của công nghệ di động thế hệ mới lên các ngành kinh tế.

Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi, các địa phương vẫn gặp những khó khăn, thách thức khi phát triển KTS.

Khó khăn, thách thức phát triển KTS tại địa phương

Nói về khó khăn, bà Phan Thanh Ngọc cho rằng “chúng ta cần nhìn nhận thực tế các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ số của các DN còn yếu và thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính cạnh tranh so với quốc tế và so với đối thủ nước ngoài ở trong nước”.

Thứ hai, vấn đề đầu tư kỹ thuật số để thúc đẩy KTS tại các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, dù đã có rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy, song sự phối hợp kết nối hai chiều giữa DN và chính quyền ở các địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.

Không những vậy, các địa phương còn phải đối mặt với không ít thách thức khi thực hiện phát triển KTS. Đầu tiên là vấn đề cơ sở hạ tầng và đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai KTS để bắt kịp nhu cầu tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương.

Thứ hai là ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với các thương nhân và DN bán lẻ tại địa phương theo hình thức truyền thống.

Một vấn đề nữa là phương pháp, công cụ đo lường để đánh giá hiệu quả triển khai KTS trong địa phương còn chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, những chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể tại các địa phương vẫn còn chưa đồng đều.

dti.png
Nguồn: https://dti.gov.vn/xep-hang-2022

Bảng tổng hợp chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xếp hạng năm 2022 cho thấy, với 15 tỉnh, thành phố xếp đầu cả nước, trong 8 chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số trưởng thành số của tỉnh, thành phố, 2 chỉ số bao gồm chỉ số hoạt động KTS và chỉ số hoạt động xã hội số đều thấp hơn so với các chỉ số còn lại. Điều đó cho thấy các địa phương đang thiếu những hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng về việc triển khai KTS và xã hội số so với các trụ cột CĐS khác.

Đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy KTS tại địa phương

KTS là một trụ cột CĐS của địa phương. Vì vậy phát triển KTS phải đặt trong tổng thể phát triển đồng đều các trụ cột CĐS của địa phương, như chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh. Như vậy mới tạo nền tảng vững chắc để phát triển KTS”, bà Phan Thanh Ngọc nói.

KTS không chỉ là những ngành kinh tế mới, ứng dụng CĐS mà nó chính là các ngành kinh tế truyền thống nhưng được chuyển đổi dần dần bằng công nghệ số. Vì vậy, vấn đề ở đây chính là “áp dụng công nghệ số". Nhưng bà Ngọc đã đặt vấn đề về việc áp dụng CNS tại địa phương, trong đó áp dụng như thế nào để tránh hiện tượng "trăm hoa đua nở", áp dụng "theo trend" và không có lộ trình, hệ thống.

Theo Data61, tổ chức nghiên cứu kỹ thuật số hàng đầu Australia thuộc CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia), việc áp dụng công nghệ số phải theo đặc thù của lĩnh vực, ngành nghề và trong từng lĩnh vực, ngành nghề lại phải áp dụng phù hợp theo từng đối tượng.

Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp ở Việt Nam sẽ có sự khác biệt giữa DN làm nông nghiệp và các hộ nông dân. Đối với DN làm nông nghiệp, các công nghệ được quan tâm và tập trung đầu tư sẽ là các công nghệ phân tích dữ liệu tức thời để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đối với hộ nông dân khi ứng dụng công nghệ số, họ sẽ quan tâm và tập trung vào các thiết bị tự động để tự động hóa, giảm thiểu sức lao động.

Tương tự như vậy, trong từng ngành nghề, lĩnh vực, việc ứng dụng công nghệ số cũng không giống nhau do do đặc thù ngành nghề. Ví dụ với chế biến thực phẩm, công nghệ được quan tâm nhất là giám sát và kiểm soát quy trình. Nhưng đối với ngành cơ khí sản xuất, tự động hóa thì công nghệ về robotics và tự động hóa là được quan tâm nhất. Vì vậy, ở địa phương, cần có định hướng phù hợp cho DN khi áp dụng CNS.

Đại diện VNPT cũng cho rằng cần lựa chọn một số ngành kinh tế mũi nhọn theo đặc trưng của địa phương để ưu tiên đẩy mạnh CĐS. Đặc biệt, với các ngành kinh tế truyền thống như y tế, giáo dục, nông nghiệp khi CĐS, cần phát triển thành hệ sinh thái và hệ sinh thái đó phải tạo thành một chu trình khép kín từ chính quyền, tổ chức, DN đến người dân.

Do đó, DN cần được định hướng và khuyến khích đổi mới tư duy, từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ đơn lẻ thành những sản phẩm, dịch vụ cung cấp theo hệ sinh thái, có tính liên thông. Tiếp theo, DN phải đa dạng hóa kết hợp giữa sản phẩm, dịch vụ lõi với sản phẩm, dịch vụ vệ tinh, tạo ra giá trị mới. Địa phương cần xây dựng một nền tảng kết nối chung để có thể tạo ra các chuỗi cung ứng liên kết DN, từ sản xuất đến vận tải, logistics....

Đề xuất cuối cùng được Giám đốc Tư vấn CĐS VNPT đưa ra là khi thực hiện CĐS nói chung và phát triển KTS nói riêng, mỗi tỉnh, thành phố cần lựa chọn một đơn vị mạnh về CĐS để cùng đồng hành trong quá trình thực hiện.

Bởi vì phát triển KTS cũng như thực hiện CĐS là một quá trình lâu dài, vì vậy cần có đơn vị đồng hành từ tư vấn cung cấp các giải pháp tổng thể và đồng hành cùng với địa phương trong việc thực hiện CĐS”, bà Phan Thanh Ngọc nói./.

Anh Minh