Năm 2024, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 5,5%
Truyền thông - Ngày đăng : 15:56, 21/09/2023
Năm 2024, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 5,5%
Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank - WB) về tình hình kinh tế vĩ mô, dự kiến nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi và đạt mức tăng trưởng 5,5% vào năm 2024.
Theo đó, WB dự kiến tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 4,7% trong năm 2023, dự báo phục hồi dần lên mức 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững với tốc độ tăng 6% (so cùng kỳ), đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
WB dự báo, năm 2023, cân đối ngân sách đạt bội chi ở mức thấp là 0,7% GDP, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục hỗ trợ phần nào cho nền kinh tế trong điều kiện vẫn còn những thách thức trong triển khai đầu tư công. Bắt đầu từ năm 2024, Chính phủ sẽ từng bước quay lại củng cố tình hình tài khóa cho phù hợp với Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030.
Nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh ở mức an toàn 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025.
Với chỉ số này, nợ công của Việt Nam năm 2022 thấp hơn một số quốc gia trong khu vực - Indonesisa (40,9%) GDP, Philipines và Thái Lan (cả hai ở mức 60,9% GDP) và Ấn Độ (89,2% GDP). Cho thấy, chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ có thể được tiếp tục thực hiện mà không ảnh hưởng đến bền vững nợ.
Theo WB, các động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thời gian tới đến từ chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế trong giải ngân đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, tạo việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế khác. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua việc cải cách thể chế, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.
WB cũng đề cập đến khả năng thiếu điện là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Vì vậy, cần đầu tư cho truyền tải năng lượng, hình thành khả năng chống chịu biến đổi khí hậu toàn cầu.