Lợi ích từ EVFTA đối với doanh nghiệp Việt
Truyền thông - Ngày đăng : 15:57, 21/09/2023
Lợi ích từ EVFTA đối với doanh nghiệp Việt
Sau ba năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mang lại những lợi ích nhất định, đặc biệt, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt tập trung đầu tư, khai thác.
Hoạt động xuất khẩu khởi sắc
EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do thứ tư mà Liên minh châu Âu (EU) ký kết với Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020,
EVFTA cam kết loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. EVFTA còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác như bảo hộ sở hữu trí tuệ, giảm thủ tục hải quan, bảo vệ môi trường, mua sắm của chính phủ và giải quyết tranh chấp.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, dẫu gặp phải nhiều biến động do đại dịch COVID-19, sau 3 năm thực hiện EVFTA, quan hệ kinh tế - thương mại thực sự trở thành “điểm sáng” trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam-EU, với mức tăng trưởng hai con số. Đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. 7 tháng năm 2023, chịu tác động không thuận lợi từ thương mại toàn cầu nhưng thương mại Việt Nam - EU vẫn đạt 33,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 25 tỷ USD.
Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)...
Doanh nghiệp cần chủ động, nhanh nhạy hơn
Tuy đạt nhiều tín hiệu khả quan, nhưng phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật thực thi EVFTA đều ban hành chậm so với mốc yêu cầu của Hiệp định là ngày 01/8/2020 (trung bình các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại hàng hóa ban hành chậm 66 ngày). Việc ban hành chậm ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả tận dụng cam kết EVFTA giai đoạn đầu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong tuân thủ quy tắc xuất xứ EVFTA quy định. EU là một thị trường khắt khe với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, yêu cầu an toàn cho hàng hóa công nghiệp; các tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch cao với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, thực phẩm từ nước ngoài. Điều này là một trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì phần lớn nguyên liệu sản xuất hàng hóa được nhập từ Trung Quốc và các nước trong ASEAN, khó kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng.
Hơn nữa, gần sáu năm qua, thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU vì các hành vi khai thác bất hợp pháp làm cho xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn. Thủy sản là ngành được ưu đãi nhất về thuế, nhưng cơ hội này sẽ không được tận dụng triệt để nếu không gỡ được "thẻ vàng" IUU.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU không có thương hiệu riêng hoặc được phân phối thông qua nhãn hiệu nước ngoài, dẫn đến hạn chế tăng lợi nhuận, tiềm ẩn rủi ro cao trong hoạt động vận chuyển sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tự chủ tìm hiểu và tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nhận thức của doanh nghiệp đối với EVFTA, gần 94% doanh nghiệp đã nghe nói hoặc biết về EVFTA nhưng chỉ 40% trong số đó hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về cam kết của Hiệp định này đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Trước thực tế đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn, quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA; tập trung nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ nhanh chóng; xây dựng, phát triển thương hiệu, thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn để đáp ứng yêu cầu từ thị trường 500 triệu dân này.
So với các FTA khác, EVFTA được các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền và phổ biến tốt hơn tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ mới chỉ áp dụng chung cho tất cả các ngành và các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung cụ thể vào các ngành có mặt hàng chiến lược để tận dụng mọi lợi ích từ Hiệp định này. Cần tạo kết nối giữa tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình thực thi EVFTA, bao gồm các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các Hiệp hội nhằm hình thành một chuỗi có sự hỗ trợ lẫn nhau. Cần xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu.