Vai trò của liên kết kinh tế trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 16:27, 21/09/2023

Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.
Truyền thông

Vai trò của liên kết kinh tế trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam

T.H {Ngày xuất bản}

Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Tầm quan trọng của việc liên kết kinh tế

Như chúng ta đã biết, toàn ngành nông nghiệp hiện nay đang quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra, là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD.

Để hoàn thành mục tiêu này trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp quan trọng là cần thúc đẩy tốt hơn nữa vai trò của liên kết kinh tế.

Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp. Do vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Vai trò của liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là vô cùng cần thiết, giúp nông dân thấy được và tự nguyện hợp tác với nhau. Các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý; từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, hợp tác xã), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các doanh nghiệp.

Việc liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, sẽ xác định được loại sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo lý thuyết quản trị chuỗi, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Việc liên kết nông dân với người kinh doanh, chế biến, buôn bán dọc theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cơ hội kinh tế, giúp nhiều gia đình thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững.

Tuy liên kết kinh tế trong nông nghiệp nước ta thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể, đòi hỏi cần phải khắc phục hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, theo đánh giá của Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thuộc Ban Kinh tế Trung ương thì việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp ở các địa phương là hướng đi đúng đắn, trong đó không thể thiếu vai trò của hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực và các đô thị lớn, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng”.

Chủ trương đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thoát ra khỏi tư duy trong phạm vi địa giới hành chính huyện, tỉnh, thành phố; tập trung xây dựng chiến lược quốc gia, vùng, miền và chế biến nông sản; đổi mới tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại và cơ chế, chính sách tương thích nhất để hỗ trợ, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường. Đây là những vấn đề mấu chốt như trục xương sống trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta.

nn2.png
Vai trò của liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là vô cùng cần thiết. (Ảnh: Internet)

Một số giải pháp để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển nông nghiệp

Để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, cần một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng, nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp.

Thứ hai, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Thứ ba, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.

Thứ tư, liên kết và nâng cao kỹ năng cho nông dân. Thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết hợp tác xã, liên minh hợp tác xã) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong thời gian tới.

Cần quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung; phải không ngừng quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý cho cán bộ quản lý hợp tác xã, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của hợp tác...

Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Việc xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Vì thế, các ban, ngành và các địa phương cũng nên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích công tác này.

Thứ sáu, cần đề cao vai trò của Nhà nước trong xây dựng và phát triển liên kết ngành, nhất là phát triển sản phẩm chủ đạo có tính chất dẫn dắt, lôi kéo các hoạt động khác phát triển. Nhất là phát triển sản phẩm chủ đạo sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Cần tập trung vào những sản phẩm chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa lớn.

Thứ bảy, chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân).

Thứ tám, chú trọng quan tâm, thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân liên kết để xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng thu mua, chế biến và đảm bảo đầu ra cho các nông sản để đẩy mạnh lượng cầu trong tiêu thụ nông sản. Cần đảm bảo yếu tố quyết định sự bền vững của mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là sự minh bạch, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro của các thành viên trong toàn chuỗi.

T.H