Xây dựng chỉ số chung về độ trưởng thành CĐS báo chí trong ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 18:24, 21/09/2023
Xây dựng chỉ số chung về độ trưởng thành CĐS báo chí trong ASEAN
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, các nước ASEAN có thể xem xét xây dựng một chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số (CĐS) trên báo chí và một công cụ đo lường tương ứng.
Trong bối cảnh công nghệ số tác động mạnh mẽ tới báo chí, phát thanh truyền hình (PTTH), việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông CĐS một cách bền vững là rất cần thiết tại Hội thảo “ASEAN CĐS báo chí kiến tạo tri thức số” ngày 21/9/2023.
Hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 và các hội nghị quan chức cấp cao liên quan với chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” do Bộ TT&TT Việt Nam đăng cai tổ chức từ 20 - 23/9/2023 tại Đà Nẵng.
CĐS của truyền thông là vấn đề sống còn
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết sự chuyển đổi quan trọng nhất trong lịch sử loài người chắc chắn là sự chuyển đổi của chúng ta từ thế giới vật chất và truyền thống sang thế giới số. CĐS đã cách mạng hóa cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định: “Ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Việc CĐS của phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn mà còn là điều cần thiết cho sức sống của ngành”.
Cũng theo Thứ trưởng, thói quen tiêu dùng của người dùng phương tiện truyền thông cũng như quá trình sáng tạo và phổ biến nội dung đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có. Một thế hệ người tiêu dùng mới trong kỷ nguyên số đã đặt ra tốc độ thích ứng và mọi thứ đều sẵn sàng: Thị phần quảng cáo, mô hình kinh doanh, sở hữu trí tuệ, phương pháp kể chuyện, nhưng quan trọng nhất là khả năng thông tin, giáo dục, trao quyền cho công dân, bảo tồn và truyền lại di sản của chúng ta cho các thế hệ tương lai.
Trước xu hướng ấy, Thứ trưởng cho rằng các phương tiện truyền thông không được quên sứ mệnh cao cả của mình là cung cấp sự thật chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ công chúng khỏi bị lừa bởi tin tức giả và thông tin sai lệch.
“CĐS của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. CĐS trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin”.
Với mục đích đó, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề CĐS trong truyền thông. Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để CĐS trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Hội thảo gồm 2 Phiên chính và 1 Phiên thảo luận mở về các biện pháp để các nước ASEAN chung tay thúc đẩy ngành công nghiệp nghe - nhìn trong thời đại số.
CĐS là một quá trình
Tại hội thảo, đại diện các nước Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Phillipines, Malaysia, Brunei,… đã giới thiệu các chính sách CĐS quốc gia, các quy định, chiến lược liên quan đến lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Đại diện Thái Lan chia sẻ chiến lược CĐS chung của nước này. Trong khi đó, lĩnh vực truyền thông hướng tới sự phù hợp, kịp thời, chính xác, tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo.
Đại diện Bộ Thông tin Myanmar bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác truyền thông với các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới vì lợi ích chung; Chống tin tức giả và thông tin sai lệch, đồng thời sử dụng phương tiện truyền thông theo nhiều cách khác nhau để truyền tải tin tức chính xác nhanh hơn; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phát thanh, in ấn và truyền thông kỹ thuật số...
Theo đại diện Myanmar, nước này đang thúc đẩy tương tác giữa chính phủ với chính phủ và giữa người dân với người dân thông qua hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực thông tin và văn hóa. Để đảm bảo lợi ích công bằng lâu dài cho các bên, hợp tác song phương trong lĩnh vực thông tin cần được triển khai trên cơ sở không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Tại Brunei, quốc gia này tập trung nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm báo thông qua các lớp học, hội thảo; thúc đẩy các ứng dụng số InfoDeptBN, e-Paper để người dân được tiếp cận với các tin tức mới nhất, tăng cường việc chia sẻ thông tin và hướng tới truyền thông không giấy và “CNTT xanh”. PTTH Brunei triển khai ứng dụng RTBGo để người dân được tiếp cận các nội dung trong nước và xem các chương trình tại nhà.
Tại hội thảo, đại diện cho Việt Nam, các cơ quan truyền thông VTV, K+TV và VnExpress thông tin về CĐS của các đơn vị này. Ra mắt vào tháng 4/2015 với mục tiêu “xem VTV mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị”, nền tảng VTVGo là kết quả của quá trình CĐS của VTV kéo dài nhiều năm từ việc đầu tư hạ tầng số sản xuất nội dung đến số hóa tài nguyên nội dung. VTVgo đã được cài đặt trên hơn 42 triệu thiết bị, với hơn 8 triệu người dùng thường xuyên, tạo ra 240 triệu lượt xem mỗi tháng.
Trong khi đó, K+ là dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền hệ thống truyền hình vệ tinh và OTT dành cho mọi thành viên trong gia đình với nội dung độc quyền, nhóm kênh đa dạng, phủ sóng toàn quốc, chất lượng HD và nhiều dịch vụ tiện lợi như ứng dụng myK+ miễn phí xem trên máy tính, điện thoại. cửa hàng phim và thể thao VOD độc đáo.
VnExpress là báo điện tử tiếng Việt với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn FPT. Đây là một trong những trang web phổ biến nhất ở Việt Nam theo Alexa Internet. Vào năm 2020, báo điện tử VnExpress có 10 tỷ lượt xem và nhận được hơn 5 triệu bình luận, với thời lượng phiên trung bình là 5 phút 44 giây. Báo điện tử VnExpress cũng đang vận hành một phiên bản tiếng Anh, VnExpress International.
Đề xuất xây dựng chỉ số chung về độ trưởng thành CĐS báo chí trong ASEAN
Đại diện cho cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT cho biết ngày 2/6/2023, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Bộ chỉ số gồm 5 trụ cột và 42 tiêu chí.
Tổng thang điểm đánh giá đạt tối đa của bộ chỉ số là 100 điểm được chia theo 5 trụ cột: Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và ATTT; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả và Mức độ ứng dụng công nghệ số. Bộ TT&TT Việt Nam sẽ công bố kết quả trưởng thành về CĐS hàng năm của các cơ quan báo chí.
Cục Báo chí thuộc Bộ TT&TT Việt Nam đề xuất ASEAN nên xây dựng Chỉ số chung về độ trưởng thành trong CĐS báo chí, một bộ tiêu chí chung để các cơ quan truyền thông hướng tới.
Tiếp theo là mỗi quốc gia thành viên ASEAN nên phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành của CĐS báo chí nhằm tạo cơ sở để đo lường, giám sát mức độ trưởng thành của CĐS báo chí tại ASEAN, đồng thời là động lực, kim chỉ nam để các nước thành viên và các hãng thông tấn thúc đẩy CĐS, nâng cao chất lượng báo chí số dẫn đến việc xếp hạng các hãng thông tấn không chỉ ở mỗi quốc gia mà cả khu vực.
Ba điểm chính cần ưu tiên để CĐS truyền thông
Trước các trao đổi về thực tiễn CĐS báo chí - truyền thông của các nước được chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm kết luận nhấn mạnh các nước ASEAN phải cùng nhau thực hiện những trách nhiệm và hoạt động to lớn để thúc đẩy lĩnh vực truyền thông.
“Những nhiệm vụ này bao gồm từ việc thiết lập các khuôn khổ chính phủ, phát triển và thúc đẩy các nền tảng số cho báo chí và truyền thông, giải quyết các vi phạm bản quyền và tích hợp các công nghệ số mới vào quy trình sản xuất và quản lý”.
Thứ trưởng nhấn mạnh những điểm chính cần được các quốc gia ASEAN ưu tiên trong CĐS lĩnh vực truyền thông.
Thứ nhất, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất. Chúng ta nên tích cực tiếp tục trao đổi các chính sách, bài học và ứng dụng thành công liên quan đến CĐS giữa các nước ASEAN. Sự trao đổi này không chỉ bao gồm các chính sách hợp lý và ứng dụng công nghệ mà còn cả chiến lược đào tạo lực lượng lao động và chiến lược đầu tư.
Thứ hai, hợp tác với các bên liên quan khác để thực thi chính sách, đào tạo lực lượng lao động và huy động các nguồn lực để số hóa báo chí và truyền thông của mình.
Thứ ba, thiết lập kế hoạch toàn diện của ASEAN về CĐS. Sáng kiến này cần áp dụng cách tiếp cận theo lộ trình chiến lược để giúp các nước ASEAN phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Nằm trong kế hoạch này, ASEAN có thể xem xét xây dựng một chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành của CĐS trên báo chí và một công cụ đo lường tương ứng.
Với những giải pháp này, và quan trọng hơn là bằng những hành động cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, từng bước hướng ASEAN tới sự hiểu biết chung và hành động phối hợp để chuyển đổi số lĩnh vực truyền thông một cách tích cực, hiệu quả và hiện đại. Khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người dân, xã hội và các bên liên quan khác vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời thừa nhận rằng truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực này.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Đối với Việt Nam, nỗ lực CĐS trong ngành truyền thông nhằm mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”./.