Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển
Truyền thông - Ngày đăng : 23:27, 22/09/2023
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản trên biển (nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển
Việt Nam có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn, vị trí địa lý chiến lược với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Biển Đông còn là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới rất phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá mú, cá vược, tôm hùm, bào ngư, các loài nhuyễn thể… Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.
Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.
Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi đang xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và phát triển du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Bộ NN&PTNT cho biết, lĩnh vực nuôi biển cũng đã được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển kinh tế với nhiều chính sách đã được ban hành, điển hình là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Chủ trương phát triển nuôi biển đã được Đảng, Nhà nước xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển nước ta đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 đến 2 tỷ USD. Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản "Minh bạch - trách nhiệm - bền vững", có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.
Tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi biển
Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là quán triệt nhận thức chung đến các cấp lãnh đạo và quản lý tại địa phương về định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương "Giảm khai thác - tăng nuôi trồng" để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, thống nhất nhận thức và hành động.
Trong quá trình thực hiện chủ trương này phải đặc biệt lưu ý triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp cho lực lượng lao động khai thác hải sản ven bờ và các dịch vụ liên quan nhằm tạo sinh kế, đảm bảo ổn định xã hội.
Thứ hai là cần tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm nghề phải chuyển đổi theo quy định, kết hợp với kế hoạch phát triển nuôi biển của địa phương để có giải pháp tổ chức, triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ năng, chuyên môn cho lực lượng lao động cần chuyển đổi nghề và có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý để người dân tự nguyện tham gia.
Cùng với đó cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 và Quyết định số1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021.
Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương cần quán triệt tư duy phát triển kinh tế nuôi biển phải tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế có liên quan, như giao thông, du lịch, điện gió, xây dựng nông thôn mới...
Tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân tham gia nuôi biển.
Đồng thời, quan tâm phát triển đồng bộ chuỗi giá trị ngành hàng nuôi biển (bao gồm giống, công nghệ lồng bè, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số…) để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch cần lưu ý Văn bản số 183/VPCP-NN ngày 11/1/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu ý kiến của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 7673/BNN-TCTS ngày 16/11/2022 về việc duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thuỷ sản trong quá trình lập quy hoạch của địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nước ta có điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn. Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nuôi biển, từ đó bước đầu hình thành ngành nuôi biển công nghiệp.
“Các cơ quan, các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường…”, Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.