Kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng
Truyền thông - Ngày đăng : 07:52, 23/09/2023
Kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng
Internet đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, đơn vị xuất bản truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh và rộng rãi hơn. Nhưng Internet cũng khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền (VPBQ) trong hoạt động xuất bản ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp hơn, đe dọa sự phát triển của nhiều nền xuất bản tại ASEAN.
Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Tác giả và các đơn vị xuất bản dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng do tính đồng bộ chưa cao, kết quả thu được rất hạn chế.
Cùng với đó, thói quen của một bộ phận người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm sách VPBQ tạo thành một thói quen tiêu dùng không tốt đối với thị trường kinh doanh xuất bản phẩm, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc, văn hóa tiêu dùng của người dân. Để xuất bản phát triển, các nước ASEAN đang rất cần kinh nghiệm, giải pháp để đấu tranh với vấn nạn này.
VPBQ sách đã thành ngành công nghiệp lớn
Theo số liệu nghiên cứu (năm 2022) của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ VPBQ trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh...
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ: "Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay".
VPBQ sách không chỉ diễn ra nghiêm trọng tại Việt Nam mà còn đã và đang diễn ra khắp ASEAN, theo ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hiệp hội NXB Indonesia (IKAPI): "Thế giới số rất dễ dãi đối với việc VPBQ và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các NXB sách. Hơn 75% thành viên của IKAPI đã phát hiện sách của họ bị VPBQ trên các cửa hàng trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi cửa hàng không hề dễ. Các cửa hàng trực tuyến thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp. VPBQ sách đã trở thành một ngành công nghiệp lớn trong kỷ nguyên số".
Trong khi đó, tình hình tại Philippines cũng không khá hơn, ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội xuất bản Philippines cho biết: "Các NXB Philippines than thở về mối đe dọa VPBQ nội dung số đối với ngành xuất bản sách. Các NXB, nhà văn, họa sĩ minh họa, nghệ sĩ đồ họa của chúng ta đã và đang sống trong một giai đoạn xung đột kéo dài. Giải pháp mà chúng tôi mong muốn là khóa chặt kho báu của ngành sách trong khi vẫn để mọi người có được niềm vui khi đọc thành quả tài sản sáng tạo của chúng tôi".
Trong thời gian qua, nhiều trang web công bố các “sản phẩm văn hóa lậu” ngày càng “nở rộ”, hoạt động ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện.
Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống, sang phương thức thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... không có giới hạn địa lý.
Trên các nền tảng TMĐT, nhiều nhà bán sách lậu công khai trong phần mô tả sản phẩm của họ về tính không xác thực của những cuốn sách họ cung cấp. Thái độ dễ dãi ngày càng gia tăng đối với việc VPBQ sách. Người bán thẳng thắn và không cảm thấy tội lỗi tuyên bố sách của họ VPBQ. Các nhà cung cấp nền tảng TMĐT đã tạo điều kiện cho những tội lỗi như vậy. Trong khi đó, một số người mua không bận tâm đến tình trạng sách lậu mà họ mua miễn là được giá thấp hơn.
Ngoài ra, những hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội mà không cần xin phép hay trả tác quyền. Hơn nữa, các hình thức, phương pháp VPBQ hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết, thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào nội địa.
Tổng Giám đốc Quyền SHTT của Philippines (IPOPHL), Atty. Rowel Barba từng chia sẻ: "Những tên cướp biển", không phải những kẻ chột mắt, mà là những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác một cách bất hợp pháp, tràn lan".
Làm gì để chống VPBQ sách trên không gian mạng?
Tại Indonesia, năm 2020, chính phủ đã tạo điều kiện thành lập Đội đặc nhiệm xử lý VPBQ đối với các sản phẩm kinh tế sáng tạo. Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm đại diện của Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, IKAPI, Cơ quan Nghiên cứu và Hình sự của Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Bộ Luật và Nhân quyền, Bộ Truyền thông và CNTT.
Theo ông Arys Hilman Nugraha: "Thông qua các cơ sở của lực lượng đặc nhiệm, IKAPI đã đồng ý để công ty công nghệ Tokopedia trợ giúp quá trình xử lý việc bán sách lậu. IKAPI và các thành viên tham gia Chương trình Liên minh Thương hiệu, nơi quy trình khiếu nại về VPBQ đơn giản hơn và chỉ mất 1 ngày".
Chương trình Liên minh Thương hiệu Tokopedia bao gồm hợp tác bảo vệ bản quyền, có giá trị đối với các thành viên IKAPI với tư cách là chủ sở hữu bản quyền đủ điều kiện, cùng giám sát hành vi VPBQ, cung cấp quyền truy cập vào bảng điều khiển báo cáo vi phạm, quy trình gỡ xuống ngay lập tức và theo dõi thời gian thực.
Tại Philippines, IPOIPHL nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết những xung đột này. IPOIPHL đã soạn thảo các hướng dẫn về việc chặn trang web tự nguyện. Với các quy định mới sắp được áp dụng, chủ sở hữu bản quyền cuối cùng sẽ có thể yêu cầu IPOPHL ra lệnh chặn các trang web VPBQ. Nếu các trang web liên quan được xác nhận là có hành vi VPBQ thông qua đánh giá kỹ lưỡng của Văn phòng Thực thi Quyền IP, IPOPHL sẽ đề nghị ISP hành động.
"Chúng tôi, những NXB, có quyền và trách nhiệm đăng ký các tác phẩm có bản quyền của mình với IPOPHL để được cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho các tác phẩm của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn bảo vệ tài sản sáng tạo của mình và đây là những kho báu mà chúng tôi phải bảo vệ", ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội xuất bản Philippines cho biết.
Tại Malaysia, Hội xuất bản Malaysia (MABOPA) và Trung tâm Bản quyền Sao chép Malaysia (MARC) có các thoả thuận đặc biệt với các nền tảng TMĐT, như Shopee và Lazada, một nhóm WhatsApp đã được thành lập để gửi bất kỳ khiếu nại nào về sách VPBQ được bán trên các trang TMĐT này để quản trị viên (của Shopee và Lazada) có thể xoá nội dung bán ngay lập tức.
"Kế hoạch tương lai trong cuộc chiến chống VPBQ sách trên không gian mạng của chúng tôi là thảo luận với chính quyền các địa phương về việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho các cửa hàng photocopy, trung tâm đào tạo. Đối với những loại hình kinh doanh này họ sẽ phải đăng ký giấy phép để trả tiền cho việc thực hiện sao chép tại cơ sở. Chủ doanh nghiệp sẽ không được cấp hoặc gia hạn giấy phép nếu không tuân thủ các yêu cầu", ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor, chủ tịch của MABOPA nói thêm./.