Hội Nông dân TP. Hà Nội chuyển đổi số, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:48, 23/09/2023
Hội Nông dân TP. Hà Nội chuyển đổi số, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Những năm qua, nhờ tăng cường chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác chỉ đạo, điều hành, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình kiến thiết Thủ đô.
Những kết quả đáng tự hào
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Thành ủy Hà Nội và các cấp chính quyền Thủ đô, Hội đã hoạt động có hiệu quả, gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào.
Cụ thể, nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, kịp thời với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, các cấp Hội tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và bảo vệ môi trường.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố đã có 14/14 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội IX đề ra, trong đó, một số chỉ tiêu đạt cao như phát triển hội viên (150%), xây dựng quỹ Hội (175%), xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (135%), tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân (134%).
Cũng trong nhiệm kỳ qua, Hội đã vận động giúp đỡ nông dân hơn 6.000 cây giống, con giống, trị giá gần 14 tỷ đồng, hơn 15.000 tấn phân bón các loại, xây dựng gần 300 căn nhà mái ấm nông dân, trị giá gần 3,5 tỷ đồng và đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương. Quỹ hỗ trợ tăng 40% so với đầu nhiệm kỳ, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn thành phố đạt hơn 780 tỷ đồng. Dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đóng trên địa bàn tín chấp cho hội viên vay với số tiền gần 1.300 tỷ đồng, phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tạo vốn cho nông dân vay hơn 16 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 38 triệu đồng/người/năm (2018) lên 56,3 triệu đồng/người/năm (2022). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 2,57% (năm 2018) xuống còn 0,095% (năm 2022) theo chuẩn đa chiều của Thủ đô. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%...
Lấy CĐS làm động lực phát triển
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân TP. Hà Nội đề ra 5 mục tiêu tổng quát, bao gồm: Tập trung vào công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, kỷ cương; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nông dân; đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc… cùng 16 chỉ tiêu cụ thể. Để thực hiện, Hội Nông dân thành phố chọn 2 khâu đột phá: CĐS và liên kết sản xuất.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân Thủ đô đạt được nhiệm kỳ qua.
Ông Đoàn cho rằng, hoạt động của Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả. Kết quả đó đã đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của thành phố được xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Bí thư Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị, thời gian tới, tổ chức Hội phải khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trong lòng người dân. Đồng thời làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và thành phố với nông dân, xây dựng các cấp Hội thật sự vững mạnh. Hội Nông dân các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt chính trị, tập trung quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố cần tăng cường hợp tác để học hỏi kinh nghiệm, chủ động nắm bắt và ứng dụng tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao KHCN, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Để Hội Nông dân các cấp hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, Phó Bí thư Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các cấp Hội Nông dân thành phố hoàn thành nhiệm vụ chính trị./.