Cà Mau hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:02, 24/09/2023
Cà Mau hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi số
Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) trong thời đại công nghệ 4.0, chính quyền và các tổ chức tại tỉnh Cà Mau đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong quá trình CĐS, giúp họ tận dụng lợi ích của cuộc cách mạng công nghệ và vươn lên trong cuộc sống hiện đại.
Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận khoa học công nghệ (KHCN) và quảng bá sản phẩm địa phương
Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi định cư của nhiều dân tộc thiểu số đa dạng về văn hóa và truyền thống. Trong tổng dân số trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người Kinh chiếm đa số, ngoài ra còn có các dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Tày, Thái , Mường, Gia Rai, Ba Na ….
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND về việc thực hiện Đề án CĐS và ứng dụng CNTT trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mục đích của Kế hoạch là nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án để phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh Cà Mau, đảm bảo triển khai tổ chức thực hiện được thuận lợi và hiệu quả.
Đặc biệt, Kế hoạch nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, vai trò trung tâm của người dân tham gia CĐS, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả CĐS, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tỉnh Cà Mau đã đặt mục tiêu phát triển hạ tầng số rộng khắp, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, có thể truy cập dễ dàng vào các công nghệ số. Điều này được thể hiện qua việc xây dựng và mở rộng mạng lưới viễn thông, cung cấp Internet tại các khu vực nông thôn và cải thiện dịch vụ viễn thông di động.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ cũng là một phần quan trọng trong chiến lược CĐS của tỉnh.
Kế hoạch sẽ hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về KHCN và quảng bá sản phẩm địa phương, trong đó nhấn mạnh nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển KTXH cho vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT và CĐS cũng sẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý; triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan quản lý từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giảm sát, đánh giá; Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; Phấn đấu 100% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, KHCN, thị trường, thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển KT-XH vùng.
Kế hoạch sẽ từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.
Chuyển đổi nhận thức, tư duy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CĐS
Thời gian thực hiện Kế hoạch là từ năm 2023 - 2025. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể là kết nối, vận hành phần mềm Hệ thống thông tin báo cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số hóa, theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc khi hệ thống đi vào hoạt động; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp về hoạt động CĐS và ứng dụng CNTT.
Để có thể hoàn thành Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu cần chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi tư duy về CĐS cho cán bộ các cấp và người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số.
Tỉnh cũng sẽ tổ chức các Hội nghị, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng CNTT, sử dụng các dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Từ trước đến nay, tỉnh Cà Mau đã triển khai các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về CNTT và CĐS cho đồng bào DTTS, nhằm giúp họ hiểu rõ về lợi ích của công nghệ và cách áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Các khóa đào tạo và chương trình tư vấn cung cấp kiến thức về việc sử dụng các ứng dụng di động, máy tính và Internet để tăng cường khả năng giao tiếp, tìm kiếm thông tin và phát triển kỹ năng kinh doanh.
Tỉnh Cà Mau cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các sự kiện và giao lưu văn hóa nhằm tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tiếp cận công nghệ và CĐS. Các buổi triển lãm công nghệ, hội chợ thương mại điện tử và cuộc thi sáng tạo công nghệ đều được tổ chức để khích lệ sự tham gia và giao lưu giữa các thành viên trong cộng đồng. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, mà còn thúc đẩy sự tự tin và sáng tạo của đồng bào DTTS trong lĩnh vực công nghệ.
Một giải pháp được tỉnh nhấn mạnh là triển khai thí điểm mô hình CĐS, nghiên cứu thí điểm CĐS một số hoạt động có khả năng phát huy hiệu quả, tinh lan tỏa cao được các tổ chức, cá nhân quan tâm và phù hợp theo điều kiện thực tế của địa phương.
Tỉnh cũng sẽ huy động nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút DN, tập đoàn viễn thông, CNTT đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng Internet đến cấp xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử./.