Cần có nhận thức mới về liên kết xuất bản
Truyền thông - Ngày đăng : 10:34, 27/09/2023
Cần có nhận thức mới về liên kết xuất bản
Để làm tốt hơn nữa hoạt động liên kết xuất bản thì cần có một nhận thức mới, tức là liên kết giữa nhà xuất bản và công ty tư nhân trong bối cảnh mới cần có sự hợp tác mạnh mẽ.
Chiều ngày 26/9/2023 tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm dự và chủ trì Hội thảo.
Nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động liên kết xuất bản
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị, các đơn vị làm sách tư nhân, các công ty phát hành sách, các nhà xuất bản… trong Hội thảo hôm nay hãy tập trung vào thảo luận những vấn đề còn tồn tại và đưa ra những giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động liên kết xuất bản.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng mong muốn qua Hội thảo này, các đơn vị xuất bản sẽ đưa ra những vấn đề về sự phát triển của ngành xuất bản, đặc biệt là hoạt động liên kết xuất bản trong bối cảnh cần phải đổi mới để cùng nhau phát triển.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Cục trưởng Cục XBIPH (Bộ TT&TT), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết: Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản sách thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 38.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách với trên 598 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 530 triệu bản sách.
Như vậy, sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản năm 2004 lên 5,3 bản năm 2022, tiệm cận chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW: 6 bản sách/người/năm. Hiện nay, 100% các nhà xuất bản có thực hiện việc liên kết xuất bản, trong đó có 32/57 nhà xuất bản có tỷ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm của nhà xuất bản).
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, hoạt động liên kết xuất bản đã phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như sự chủ động nắm bắt thị trường từ đó đóng góp thiết thực, quan trọng về nhiều mặt vào thành tựu chung của ngành xuất bản, cung cấp cho xã hội những kiến thức, thông tin hữu ích, những xuất bản phẩm hay có giá trị về khoa học công nghệ, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động liên kết xuất bản còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, như: Một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết; một số doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với nhà xuất bản về liên kết; vấn đề phí quản lý trong liên kết giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết còn nhiều bất cập…
Cần liên kết phát hành xuất bản phẩm đa nền tảng
Tham luận tại Hội thảo, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng nhận định: Ngành xuất bản đã có những phát triển vượt bậc, hoạt động liên kết đã đóng góp cho ngành không chỉ sản lượng xuất bản phẩm rất lớn, đa dạng phong phú về nội dung, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, mà các đơn vị tư nhân ngày càng sắc sảo thể hiện sự chuyên sâu đậm nét, họ không chỉ tham gia xuất bản sách mà còn tham gia các hoạt động của ngành xuất bản nhằm phát triển ngành.
Theo ông Lê Hoàng, để làm tốt hơn nữa hoạt động liên kết xuất bản thì cần có một nhận thức mới, tức là liên kết giữa nhà xuất bản và công ty tư nhân trong bối cảnh mới cần có sự hợp tác mạnh mẽ. Các công ty cũng nên có bộ máy hoàn chỉnh của các khâu xuất bản và phải chịu trách nhiệm đầy đủ và bình đẳng trước pháp luật.
Đại diện Công ty TNHH bán lẻ Phương Nam lại đưa ra những bất cập trong việc liên kết xuất bản sách điện tử như: Số lượng các NXB đủ điều kiện kiểm duyệt và cấp phép xuất bản phẩm điện tử (eBook, audiobook) còn ít nên các đơn vị liên kết gặp khó khăn về thời gian và chi phí khi phải thực hiện lại công việc liên kết xuất bản xuất bản phẩm đã thực hiện liên kết trước đó với một NXB khác đủ điều kiện cấp phép xuất bản phẩm điện tử khi muốn xuất bản xuất bản phẩm điện tử đối với tựa sách đã liên kết xuất bản sách in trước đây.
“Cho phép cấp phép xuất bản đa nền tảng đối với một xuất bản phẩm bao gồm: sách in, sách điện tử (eBook) và sách nói (audiobook). Hiện nay chỉ có khoảng gần 20 nhà xuất bản đủ điều kiện cấp phép liên kết và phát hành xuất bản phẩm điện tử thì nên chăng các nhà xuất bản khác có thể liên kết cùng với những NXB đã đủ điều kiện cấp phép xuất bản phẩm điện tử để cùng cấp phép phát hành xuất bản phẩm đa nền tảng (gồm sách in, eBook và sách nói) cho đơn vị có nhu cầu liên kết phát hành xuất bản phẩm đa nền tảng” - đại diện Công ty TNHH bán lẻ Phương Nam đề nghị.
Phó Tổng biên tập NXB Đại học Sư phạm Ứng Quốc Chỉnh cũng nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thay đổi lớn trong tốc độ sản xuất và phổ biến xuất bản phẩm trên phạm vi thế giới cũng như trong nước. Từ đó, nhiều đơn vị, cá nhân liên kết nắm bắt được xu thế xuất bản hiện đại, nhanh nhạy trong khai thác mua bản quyền nên đã tạo ra nguồn bản thảo lớn, có chất lượng, phù hợp với thị hiếu thưởng thức văn hoá.
Ông Ứng Quốc Chỉnh cũng đưa ra 4 giải pháp theo 4 nhóm vấn đề để đổi mới, nâng cao hiệu quả liên kết xuất bản như: Nhóm giải pháp về pháp lý; Nhóm giải pháp về tổ chức - nhân sự; Nhóm giải pháp trong tổ chức thực hiện; Nhóm giải pháp từ phía các đối tác.
“Liên kết xuất bản là một hoạt động tất yếu và có vai trò rất lớn trong hoạt động của các nhà xuất bản xuất bản nói riêng, trong ngành xuất bản nói chung và có tác động lớn đến xã hội, đến việc phát triển văn hoá đọc. Qua đó, góp phần phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những tồn tại và hạn chế trong liên kết xuất bản trong thời gian qua cũng là tất yếu nhưng đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc nhận thức được vai trò, nhận diện đúng những hạn chế, cập nhật được xu hướng phát triển sẽ giúp đề ra được giải pháp đúng góp phần nâng cao hiệu quả liên kết xuất bản” - ông Ứng Quốc Chỉnh nhấn mạnh./.