Trẻ em đang thiếu “vành đai mạng bảo vệ”
An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:42, 28/09/2023
Trẻ em đang thiếu “vành đai mạng bảo vệ”
“Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chính là góp phần “ươm mầm xanh”, “bảo vệ mầm xanh” cho tương lai của đất nước, quốc gia, tiến tới thực hiện hiệu quả mục tiêu tự cường, tự lập của dân tộc”.
Điều này được ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT nhấn mạnh tại sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em (BVTE) Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) và Toạ đàm với chủ đề “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
Cần thêm những kiến thức, kỹ năng số an toàn mạng
Theo đó, ông Trần Đăng Khoa cho rằng VCSC ra đời chính là một sáng kiến ghi nhận, hoan nghênh, nỗ lực từ VNISA. Thông qua VCSC, kỳ vọng sẽ phát huy được nhiều kết quả, việc làm hữu ích để góp phần xây dựng không gian số an toàn cho mọi trẻ em Việt Nam khi tham gia vào không gian mạng.
Đồng thời, VCSC sẽ là địa chỉ tin cậy cho các hoạt động của cộng đồng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm BVTE trên không gian mạng; địa chỉ tin cậy kết nối các doanh nghiệp (DN), tổ chức phát triển các sản phẩm, dịch vụ BVTE trên không gian mạng phù hợp với thị trường Việt Nam, vươn tầm quốc tế.
Không chỉ tin tưởng, đặt kỳ vọng vào VCSC, Cục ATTT mong muốn các hoạt động an toàn BVTE trên môi trường không gian mạng của hiện tại và tương lai sẽ mạnh mẽ được lan toả nhiều hơn; bám sát tinh thần, khẩu hiệu việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Do đó, ông Trần Đăng Khoa mong muốn sẽ có thêm nhiều DN, tổ chức quan tâm phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng số BVTE trên môi trường mạng.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc BVTE trên môi trường không gian mạng hiện nay, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, trẻ em sẽ là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng, thịnh vượng cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ an toàn trên không gian số, mạng đang là một hạn chế, thách thức.
Những thách thức trẻ em đang phải đối mặt ngày càng nhiều trên môi trường mạng chính là: Cạm bẫy lừa đảo; các thông tin sai trái, độc hại; bị phát tán thông tin riêng tư, cá nhân; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, quấy rối, dụ dỗ, tống tiền… “Đây là những mỗi nguy cơ, đe doạ lớn cho trẻ em, cho tương lai của đất nước, do đó muốn bảo vệ an toàn cho trẻ trên môi trường mạng, cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường, cộng đồng, toàn xã hội chung sức”, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Trần Đăng Khoa cho rằng các tổ chức, đơn vị, DN và cơ quan nhà nước (CQNN) có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai đúng các yêu cầu của Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/06/2021 về phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" (Quyết định 830).
Cùng với đó, duy trì môi trường mạng, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giao lưu, giải trí trên môi trường không gian mạng sáng tạo, lành mạnh; cần thường xuyên nâng cao các kiến thức, kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em, để trẻ em có “hệ miễn dịch số” tự nhận thức, đề phòng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên môi trường sử dụng mạng.
“Việc bám sát thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung của Chương trình sẽ giúp chúng ta phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ số, từ đó cung cấp công cụ số để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến chủ động, an toàn, hiệu quả”, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Cần tìm thách thức, hạn chế để xây dựng giải pháp toàn diện
Ở nội dung tọa đàm về chủ đề “Hỗ trợ trẻ em phòng chống bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet”, khi nói về quan điểm giải pháp, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, chúng ta cần phải xác định đâu là thách thức, hạn chế, tồn tại, từ đó xây dựng giải pháp để áp dụng mạnh mẽ, toàn diện.
Để đồng hành hiệu quả cho hướng đi này, chúng ta cần xác định, thực hiện việc sớm đưa ra các tiêu chí để chuẩn hoá khái niệm về hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng một cách cụ thể, trong đó, bao gồm có cả khái niệm nghiện Internet là gì? Cần có những báo cáo cụ thể, thường xuyên để nghiên cứu sâu hơn cho vấn đề BVTE trên không gian mạng, từ đó đánh giá thực trạng, gắn liền với các giải pháp áp dụng phù hợp với thực tế, thời điểm.
Hơn nữa, cần phát huy, sử dụng kênh Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 do Cục Trẻ em quản lý, để tư vấn, giải đáp, cung cấp kiến thức liên quan đến đến việc trẻ em dùng mạng gặp phải như: Bị lừa đảo; thường xuyên bị các nội dung không phù hợp mà mạng tấn công…
“Cần thêm những quy trình đơn giản nhưng có sức mạnh hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin giúp trẻ em hiểu, tránh bị lừa đảo, bắt nạn trên môi trường mạng và nghiện Internet”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Ở quan điểm khác, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục ATTT cho rằng, để giúp trẻ em luôn được an toàn trên môi trường mạng, chúng ta cần bám sát thực hiện các yêu cầu, nội dung trong Quyết định số 830/QĐ-TTg.
Đối với văn bản quan trọng này, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý đối với các đối tượng là trẻ em khi tham gia tương tác, sử dụng mạng. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho mọi người dân, nhất là đối với bậc cha, mẹ phải có những kiến thức, quy tắc giám hộ để giúp con em mình tránh được những nguy hại từ môi trường Internet tạo ra.
Nối tiếp cho quan điểm các kinh nghiệm an toàn, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok cho biết, việc trẻ em bị lợi dụng, tấn công trên môi trường mạng luôn là điều chúng ta không mong muốn. Tình trạng này là “hồi chuông” cảnh tỉnh chúng ta, mà lỗi một phần thuộc về người lớn khi thiếu sự quan tâm, giám sát thường xuyên.
Để bảo vệ trẻ trên mạng hiệu quả, yêu cầu đặt ra đối với các tài khoản trẻ em đang sử dụng là phải đặt dưới quyền kiểm soát của người giám hộ. “Đặc biệt, những người giám hộ cần có trách nhiệm hơn để nhắc nhở, kiểm soát, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng theo hướng an toàn”, ông Nguyễn Lâm Thanh nhấn mạnh.
Tán thành với các quan điểm nêu trên, ở khía cạnh khác, bà Phan Thị Kim Liên, đại diện Tổ chức World Vision Việt Nam bổ sung thêm, những rủi ro an toàn mạng luôn rình rập, tấn công bất ngờ, khó biết trước. Phần thiệt sẽ thuộc về trẻ em, vì trẻ em vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ cũng như đánh giá được các hậu quả từ các nguy hại tạo ra.
“Đặc biệt là các vấn đề về xâm hại tình dục hay việc mua bán người… Chỉ đơn cử vậy thôi, điều “báo động” chính là trẻ em đang thiếu “vành đai mạng bảo vệ”, thiếu sức đề kháng trước các mối nguy hại mạng bất ngờ khi tấn công mạng xảy ra”, bà Phan Thị Kim Liên nêu quan điểm./.