Bảo vệ bản quyền báo chí từ góc nhìn đạo đức và văn hóa
Truyền thông - Ngày đăng : 07:50, 29/09/2023
Bảo vệ bản quyền báo chí từ góc nhìn đạo đức và văn hóa
Vi phạm bản quyền (VPBQ) báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá. Giá trị cốt lõi của nhà báo và toà soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Thực trạng VPBQ báo chí, truyền hình
Khảo sát thực trạng VPBQ SHTT tại Báo Tuổi trẻ - một trong những tờ báo có lượng độc giả đông nhất cả nước, cho thấy, hiện nay, tình trạng sao chép (copy) “có xào nấu” từ tin tức của Báo Tuổi trẻ là rất nhiều. Các “thủ đoạn” được một bộ phận các cơ quan báo chí khác sử dụng là copy từng phần, copy nội dung chính, copy tin tức và copy nguyên bài…
Chưa hết, trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng VPBQ SHTT của báo Tuổi trẻ bằng nhiều hình thức như: Hình ảnh (video) được phóng to ra nhằm làm mất logo của chủ sở hữu (Báo Tuổi trẻ); Hình ảnh (video) bị lật ngược chiều so với bản gốc ban đầu; Chia cắt hình ảnh gốc thành nhiều đoạn rồi “chế biến” lại...
Đại diện báo Tuổi trẻ cho biết, đến nay, đã có 6 kênh YouTube bị Báo Tuổi trẻ cắm cờ cảnh báo do lấy trái phép thông tin từ báo Tuổi trẻ (trong đó có cả cơ quan báo chí lớn)...
Ngoài bị VPBQ trong nước, Báo Tuổi trẻ còn bị các trang mạng nước ngoài sử dụng thông tin, dữ liệu, theo đó đã có 26 kênh nước ngoài khác bị Báo Tuổi trẻ gắn cờ bản quyền, tuy nhiên họ không gỡ…
Đại diện Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng cho biết, rất nhiều đơn vị sử dụng chương trình truyền hình của VTV mà không xin phép, thỏa thuận. Khi tiếp phát sóng chương trình của VTV, nhiều nơi đã tự ý cắt quảng cáo hoặc chèn quảng cáo của mình vào. Các chương trình truyền hình đặc sắc như The voice, Đồ rê mí, Gặp nhau cuối năm…, VTV đã phải mất chi phí bản quyền và sản xuất tốn kém, nhưng bị sao chép và phát tràn lan trên Internet, thậm chí in thành băng đĩa bán trên thị trường.
Các chương trình gameshow, thể thao, phim truyền hình đang lần lượt là “nạn nhân” của vấn nạn VPBQ trên môi trường số. Những bộ phim truyền hình bị xé nhỏ, cắt vụn, cùng ghi chú gây sốc để câu "view". Hiện tại có khoảng 200 trang web chiếu phim VPBQ, với hàng trăm triệu lượt xem mỗi năm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ tiền quảng cáo. Tội phạm liên tục nghĩ ra nhiều hình thức mới để đánh cắp bản quyền như livestream, streaming và loại hình mới nhất là "review" phim.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ, các hình thức VPBQ báo chí hiện nay có thể bao gồm: chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền; phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền...
“Việc nhà báo VPBQ báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hoá truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông như: Sự trung thực và đáng tin cậy; Tôn trọng quyền SHTT; Tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin; Đề cao sáng tạo và sự công bằng”, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng VPBQ báo chí
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng VPBQ báo chí bao gồm:
Thứ nhất là do Internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng. Điều này làm cho việc kiểm soát sao chép và phân phối nội dung báo chí trở nên khó khăn hơn.
Với sự xuất hiện của nhiều công cụ số, việc sao chép và tái sử dụng nội dung báo chí trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến. Điều này tạo ra môi trường dễ bị VPBQ.
Thứ hai, trên môi trường số, việc xác định nguồn gốc (sản phẩm gốc, tác giả của sản phẩm gốc) là khó khăn hơn, bởi trên môi trường số, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần và không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc xác định tác giả và nguồn gốc của một bài viết trở nên khó khăn.
Thứ ba, thách thức về pháp lý đa quốc gia liên quan đến vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền NDS. Internet là một không gian trực tuyến quốc tế, trong đó vấn đề bản quyền báo chí có thể phát sinh ở nhiều quốc gia khác nhau với quy định pháp lý khác nhau, làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến sự thay đổi các quy phạm pháp luật không theo kịp, dẫn đến còn chưa có hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa theo kịp với thực tiễn.
“Quan trọng nhất là vẫn còn tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo và những nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền và có thể VPBQ một cách không chủ ý. Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hoá và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng với mức cần thiết của nó”, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.
Giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Để góp phần bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí truyền thông cần được trang bị và tự trang bị một cách có hệ thống những hiểu biết về lĩnh vực bản quyền NDS như: khái niệm, phân loại, cơ sở pháp lý, đạo đức, công cụ số trong thực thi và đáp ứng quyền SHTT tác phẩm báo chí truyền thông số…
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất một số giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiện nay:
Một là, cần thiết lập và thực thi quy định pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ để đảm bảo rằng các bản quyền NDS được bảo vệ hiệu quả. Điều này bao gồm việc xây dựng luật bản quyền và quy định về bản quyền NDS, đồng thời tạo điều kiện để bảo vệ bản quyền trực tuyến và xử lý vi phạm một cách hiệu quả. Cần rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp VPBQ báo chí số.
Hai là, xây dựng Trung tâm báo vệ bản quyền báo chí truyền thông số quốc gia, trong đó có sự tham gia quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA).
Ba là, có chiến lược thúc đẩy CĐS báo chí, xây dựng tòa soạn số tích hợp công cụ số có khả năng rà quét phát hiện VPBQ trước khi xuất bản, phát sóng tác phẩm báo chí; Nghiên cứu giải pháp sử dụng công nghệ để theo dõi việc sử dụng nội dung trực tuyến và bảo vệ bản quyền; thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát và đấu tranh đòi quyền SHTT khi bị xâm phạm.
Bốn là, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan báo chí, truyền thông và nền tảng công nghệ nhằm xây dựng nền tảng và công cụ số cho bản vệ bản quyền báo chí…; Thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan báo chí và các nền tảng công nghệ như Facebook, Google và YouTube…, đấu tranh với họ để đảm bảo rằng bản quyền nội dung được tôn trọng và bồi thường đúng mức.
Năm là, tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm sáng kiến, tổ chức truyền thông giáo dục về bảo vệ bản quyền NDS...; Tăng cường giáo dục đạo đức và văn hoá báo chí cho các nhà báo và người dùng, từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí…
“Trên môi trường số hiện nay, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện quan trọng để thảo gỡ rào cản cho sự phát triển NDS và các vấn đề liên quan như kinh doanh số, là điều kiện quan trọng cho sự thành công của CĐS báo chí”, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh./.